Vấn đề cố hữu trong phát triển vũ khí của Trung Quốc
Trung Quốc giải quyết được nhiều thách thức công nghệ để rút ngắn khoảng cách về vũ khí với Mỹ, nhưng nỗ lực phát triển vũ khí của quốc gia châu Á vẫn tiếp tục bị cản trở bởi khả năng tự sáng tạo nghèo nàn và tham nhũng trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Đây là nội dung trong báo cáo mới nhất mà tổ chức Rand Corporation chuẩn bị cho quân đội Mỹ. Báo cáo xác định Trung Quốc là mối đe dọa rõ ràng về đầu tư năng lực quân sự, mặc dù vậy phần lớn tiến bộ quân sự là kết quả của đánh sắp sở hữu trí tuệ, mua lại hoặc liên doanh với nước ngoài.
Để chứng minh cho luận điểm khả năng tự sáng tạo vũ khí nghèo nàn, Rand Corporation dẫn ra 3 khiếm khuyết chính: sản phẩm bán dẫn cao cấp, tàu ngầm tàng hình, động cơ máy bay.
Đánh cắp sở hữu trí tuệ có thể thấy rõ qua việc 2 chiến đấu cơ Trung Quốc J-20, J-31 khá giống F-22, F-35 do hãng Lockheed Martin sản xuất. Theo Rand Corporation, chính vì phụ thuộc vào đánh cắp sở hữu trí tuệ mà các hệ thống vũ khí Trung Quốc tụt hậu vài năm so với Mỹ.
Chiến đấu cơ J-20 - Ảnh: SCMP
Năm 2016, Mỹ kết tội và bỏ tù một công dân Trung Quốc vì tội thu thập thông tin nhạy cảm, trong đó có thông tin liên quan đến F-22, F-35 và máy bay vận tải quân sự C-17.
Còn động cơ máy bay là điểm nghẽn lâu nay mà Trung Quốc chưa thể giải quyết. J-20 được xếp vào danh sách chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 tiên tiến, nhưng chỉ có thể sử dụng động cơ hiệu suất kém như hàng nội địa WS-10B hoặc AL-31FM2/3 do Nga chế tạo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cơ động và tàng khi hoạt động ở tốc độ siêu âm. Kế hoạch sản xuất động cơ WS-15 riêng cho chiến đấu cơ này bị trễ tiến độ.
Cũng theo Rand Corporation, yếu kém trong quốc phòng Trung Quốc còn do tham nhũng và giám sát không đầy đủ với các nhà thầu quân sự. Thanh tra viên không đủ khả năng xem xét công tác phát triển công nghệ tiên tiến của nhà thầu, hơn nữa họ lại được nhà thầu trả tiền chứ không phải quân đội, dẫn đến xung đột lợi ích.