Vân Hồ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Những năm qua, huyện Vân Hồ luôn chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện

kiểm tra mô hình ươm trồng các loại rau giống ở xã Vân Hồ.

Ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Huyện Vân Hồ có diện tích đất nông nghiệp trên 39.000 ha; tổng diện tích gieo trồng cây có hạt hằng năm đạt 2.163 ha, diện tích chè 1.309 ha, gần 1.100 ha rau, diện tích cây ăn quả các loại đạt 4.274 ha. Trọng tâm của huyện là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước thay đổi tập quán canh tác của nhân dân; đưa những loại cây có năng suất, chất lượng mang lại hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, phát triển thành các vùng sản xuất hàng hóa, vùng chuyên canh tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ và các nhà máy chế biến trên địa bàn. Vận động nhân dân chuyển từ đất lúa, đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang sản xuất chuyên canh rau, chè và trồng các loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương như: Nhãn, xoài, mận, bơ, táo, hồng giòn, chanh leo. 9 tháng đầu năm nay, sản lượng cây ăn quả của huyện đạt 12.533 tấn, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2020 ước đạt 1.690 tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hiện nay, UBND huyện đang chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã, các doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, các hộ dân có liên quan thực hiện tốt các chương trình, mô hình, dự án, bằng các nguồn vốn do Trung ương, tỉnh, huyện cấp. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia chủ động, tích cực của các ngành, MTTQ, các đoàn thể đến cơ sở đối với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích gieo trồng cây hàng năm kém hiệu quả trên đẩt dốc, tập trung phát triển diện tích các sản phẩm nông sản chủ lực, như: Trồng cam Suối Bàng (Chiềng Xuân), quýt Pà Puộc (Chiềng Yên), lúa tẻ râu (Song Khủa), rau an toàn (Vân Hồ), chè (Tô Múa, Chiềng Khoa), gắn với xây dựng thương hiệu, phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn; thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tăng cường cán bộ kỹ thuật về cơ sở hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra nhân dân trong công tác trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, phòng chống sâu bệnh hại cho cây trồng; đảm bảo các tiêu chuẩn theo yêu cầu xuất khẩu và chế biến của các nhà máy trên địa bàn.

Những kết quả đạt được trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Vân Hồ là rất đáng khích lệ, khẳng định chủ trương đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc khai thác, tận dụng tốt tiềm năng thế mạnh, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/van-ho-day-manh-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-34497