Văn hóa Hòa Bình trên đất Hòa Bình

Hòa Bình là vùng đất cổ, nơi có cư dân cư trú từ rất sớm. VHHB do bà Madeleine Colani (M.Colani) - nữ khảo cổ học người Pháp phát hiện năm 1926. Năm 1932, thuật ngữ 'Văn hóa Hòa Bình' được cả thế giới công nhận.

Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á tiến hành khai quật tại di chỉ khảo cổ mái đá làng Vành, xã Yên Phú(Lạc Sơn).

Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á tiến hành khai quật tại di chỉ khảo cổ mái đá làng Vành, xã Yên Phú(Lạc Sơn).

VHHB có không gian phân bố rộng trên khu vực Đông Nam Á lục địa, trong đó tập trung nhiều nhất ở tỉnh Hòa Bình. Các di vật tìm thấy tại các di chỉ rất phong phú, trong đó đặc trưng nhất là bộ sưu tập công cụ làm bằng đá cuội với sự kết hợp các thủ pháp: chẻ, bổ, đập, bẻ, ghè, đẽo, mài, cưa khoan; phát triển qua 2 giai đoạn hậu kỳ đá cũ và sơ kỳ đá mới, tạo ra những công cụ như: công cụ hình đĩa, 1/4 viên cuội, hình hạnh nhân, nạo lưỡi dài, nạo lưỡi ngắn, rìu dài, rìu mài lưỡi, cuốc...

Hòa Bình là nơi phát hiện đầu tiên và nhiều nhất những di chỉ, dấu tích vật chất quan trọng, đặc trưng của nền VHHB. Ngay từ những cuộc điều tra đầu tiên của bà M. Colani đã phát hiện về tàn tích tiền sử dày đặc trong vùng núi đá vôi thuộc tỉnh Hòa Bình. Bám theo trục QL6 và các tuyến đường từ Mãn Đức đi Nho Quan (Ninh Bình), từ Ba Hàng Đồi đi vào Kim Bôi, bà M. Colani đã phát hiện hang Ốc (Lương Sơn), hang Chiềng Khến (Mãn Đức, Tân Lạc), mái đá làng Vành, hang xóm Trại (Lạc Sơn), hang Đa Phúc, Phú Lương, Đồng Nội (Yên Thủy), hang Ốc, hang Sào Báy (Kim Bôi)...

Giai đoạn 1960 -1964, giáo sư người Nga Boricopski cũng hướng dẫn những học trò thế hệ khảo cổ học đầu tiên của Việt Nam tiến hành khai quật, phúc tra nhiều hang động VHHB như hang Tằm, hang Muối, hang Bưng... Đến đầu những năm 80, tiêu biểu là cuộc khai quật thí nghiệm của tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á ở hang xóm Trại (1982, 1986) và của các chuyên gia Bulgaria ở động Can (1987) mở ra khả năng khai thác loại hình di vật là tàn tích hạt quả trong VHHB, cung cấp một loại vật liệu định tuổi carbon phóng xạ có độ tin cậy cao hơn là vỏ ốc và xương động vật trước kia. Từ đó, xác nhận tuổi của VHHB tại các di chỉ ở tỉnh lên đến trên 20.000 năm cách ngày nay. Từ năm 2000, sau một loạt phát hiện có giá trị tại các di tích khảo cổ ở tỉnh Hòa Bình, tiến sĩ Nguyễn Việt đã công bố lõi trung tâm sớm của VHHB là hệ thung lũng xung quanh sơn khối basalt/cranite Kim Bôi, tiêu biểu nhất là thung lũng Mường Vang với các hang, mái đá tiêu biểu như xóm Trại, làng Vành.

Đến nay, tại tỉnh đã phát hiện 80 di tích khảo cổ thuộc nền VHHB. Năm 2022, Sở VH-TT&DL kết hợp cùng Tiến sĩ Nguyễn Việt tiếp tục tổ chức đợt khai quật nhằm khám phá thêm những điều còn ẩn dấu sâu trong lòng đất tại các di chỉ hang xóm Trại và mái đá làng Vành. Dù đã tồn tại từ hàng chục ngàn năm trước, nhưng sự hiện hữu của nền văn hóa này vẫn còn ở khắp nơi trên đất Hòa Bình, là niềm tự hào của nhân dân và là di sản quý hiếm của dân tộc, có giá trị quốc tế cao.

Đỗ Hà

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/172334/van-hoa-hoa-binh-tren-dat-hoa-binh.htm