Văn hóa - Nghệ thuật Tác giả - Tác phẩm Trong âm thanh dịu nhẹ

Sau gần cả tháng trời đắn đo suy nghĩ, một buổi chiều, Lam rủ chồng đến quán cà phê, nơi chứa đầy kỷ niệm êm đềm ngọt ngào của hai người. Hồi đó, khi còn là sinh viên đại học, Lam đến quán cà phê này làm thêm. Nhà chẳng dư dả gì, nhưng từ nhỏ, Lam được cha mẹ “bao” tất tần tật công việc nhà, chỉ yêu cầu con gái tập trung học hành thật chăm chỉ. Lam không phụ lòng cha mẹ, khi kết quả học tập luôn thuộc hàng top, và sau cùng đỗ vào trường đại học sư phạm với tổng điểm khá cao.

Bước vào tuổi trưởng thành, suy nghĩ cũng chững chạc lên. Lam quyết định vừa học, vừa đi làm thêm, không phải chỉ để tự kiếm khoản tiền chi tiêu cho bản thân, mà quan trọng là để trải nghiệm cuộc sống, “kiếm” những kỹ năng mà lâu nay cô thiếu hụt. Đây cũng chính là lý do Lam chọn công việc tại quán cà phê, thay vì đi làm gia sư, dạy kèm.

Công việc chạy bàn cà phê tuy không đến nỗi phức tạp, nhưng đối với một cô gái thành phố, hầu như chưa bao giờ động tay vào việc nhà, ban đầu chẳng mấy dễ dàng. Lóng ngóng làm vỡ ly, mảnh thủy tinh đâm vào tay chảy máu, một nam nhân viên đã nhanh chóng giúp thu dọn “chiến trường”, tỉ mẩn giúp Lam sát trùng vết thương rồi dùng băng dán dán lại. Đó là cách mà Lam và Thắng quen nhau. Ngay lần đầu tiên đó, Lam cảm nhận sự chu đáo, ấm áp từ người thanh niên ở quê ra phố học. Tình cờ thú vị, Thắng cũng là sinh viên cùng trường với Lam, trên cô 2 khóa.

Lam có làn da trắng hồng, mịn màng, đôi mắt bồ câu đen láy, nụ cười tỏa nắng. Còn với gương mặt và vóc dáng quá đỗi bình thường, Thắng chẳng có gì nổi trội. Chẳng biết những điều đó phải chăng là lý do để Thắng không bước đến gần hơn, trong lúc giác quan của người phụ nữ mách bảo, rằng Thắng dành nhiều tình cảm cho Lam. Nhưng hàng ngày cùng làm việc tại quán cà phê, lại tham gia nhiều hoạt động tình nguyện của trường, Lam nhìn thấy tấm lòng của Thắng ấm áp, đầy trách nhiệm.

Sau mỗi chuyến lên các huyện miền núi xa xôi, nơi có không ít đứa trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số thiếu cái ăn, cái mặc, chân không dép, mặt mày lem luốc vì lê la nghịch đất trong khi bố mẹ vào rừng, lên rẫy, trở về phố kiểu gì Thắng cũng tất bật đi xin. Cùng nhóm bạn đăng facebook hoặc trực tiếp ngỏ lời với những “mối quen” - mạnh thường quân. Thế là không nhiều thì ít, sẽ có dép, áo ấm, bánh kẹo ngọt ngào. Nhiều lúc là những món đồ chơi ngộ nghĩnh. “Không cần phải đợi dịp tết thiếu nhi hay trung thu đâu em ạ. Em có thấy nụ cười trong trẻo của những nhóc ấy rạng ngời cỡ nào, khi nhận quan tâm, yêu thương! Vậy nên miễn có quà, mình sẽ chuyển ngay đến tận tay các nhóc” - Thắng nói với Lam điều đó trong một lần rủ cô thu xếp cùng nhóm bạn lên biên giới.

Lam đi mới biết, không chỉ trao quà, nhóm Thắng còn kỳ công chuẩn bị “đạo cụ” thuộc thế giới tuổi thơ, để tổ chức nhiều trò chơi vui vẻ cùng lũ nhóc. Lại còn dặn dò đủ thứ, nào phải ngoan, phải lễ phép, biết kính trọng, yêu thương cha mẹ, ông bà… Thắng bảo, sau này, khi được đứng trên bục giảng, những điều đó rồi Thắng và Lam cùng các đồng nghiệp tiếp tục dặn dò, dạy bảo học trò của mình.

Một lần, trong ca làm thêm tại quán cà phê, sau khi nhận một cuộc điện thoại, Thắng xin phép người chủ rồi vội vã rời quán. Vội đến nỗi, Lam không kịp hỏi có chuyện gì đã xảy ra. Sau đó mới biết, Thắng là một thành viên “ngân hàng máu sống”. Hôm đó, có một bệnh nhân đang nguy kịch tại bệnh viện, cần được truyền tiểu cầu. Cuộc gọi gấp gáp là của chủ tịch hội chữ thập đỏ phường, nơi Thắng đang tạm trú, hỏi Thắng có thể đến bệnh viện hiến tiểu cầu ngay lúc đó?

“Anh có biết mình hiến tiểu cầu cho ai không?”. “Anh không biết mặt mũi, cũng không rõ tên, địa chỉ. Chỉ biết thông tin đó là người đàn ông 40 tuổi, bị suy tủy, giảm tiểu cầu nghiêm trọng. Nhưng anh mới biết thông tin đáng giá, bệnh nhân đó đã qua cơn nguy kịch” - Thắng cười. Đối với Lam, nụ cười lúc đó của Thắng thực sự tỏa nắng. Ánh nắng ấm áp từ tâm hồn. Trong âm thanh dịu nhẹ của một bản nhạc không lời, và Lam đã làm điều ngược đời, bày tỏ tình cảm với người con trai đó. Sau này, mỗi lần có điều gì thật vui hoặc có chuyện gì khúc mắc, Thắng và Lam đều đưa nhau về lại quán cà phê xưa. Không biết có phải do không gian êm dịu của những bản nhạc không lời, hay do kỷ niệm ngọt ngào nơi đây đã từng lưu giữ, mà mọi khúc mắc giữa Thắng và Lam nhanh chóng được hóa giải.

Thắng tốt nghiệp, đi dạy hợp đồng tại một trường ngay trong thành phố. Hai năm sau trở thành giáo viên chính thức, sau kỳ thi tuyển dụng. Năm đó, Lam cũng vừa tốt nghiệp. Khi Lam có công việc ổn định, cả hai về chung một nhà. Mấy năm qua, vợ chồng Lam và cô con gái nhỏ vẫn ở trong căn phòng thuê trọ chật chội. Có Thắng đưa bờ vai ra, nên khổ mấy thì Lam cũng vượt qua được hết, để cùng nhau từ từ xây dựng. Nhưng với tâm tư người mẹ, Lam thương con gái quá chừng. Lam muốn đề nghị Thắng bán ngôi nhà mà cha mẹ anh để lại cho anh ở quê, hiện đang đóng cửa bỏ không. Chị gái Thắng lấy chồng cách đó mấy làng, ở nhà cha mẹ chồng, “ra ngoài” cũng khó khăn, nên thỉnh thoảng mới về mở cửa quét dọn sơ qua bụi bặm. Ngôi nhà chỉ thực sự có hơi người, trong những dịp vợ chồng Thắng và chị gái về lo giỗ kỵ, hương khói. Nay bán đi, vợ chồng vay mượn thêm, mua căn nhà nho nhỏ trên này, để an cư. Con gái nhỏ cũng được sống trong điều kiện tốt hơn, ấm cúng hơn. Lam biết rõ đối với Thắng, ngôi nhà đó không chỉ là kỷ vật quý giá mà còn là sự liên kết giữa anh với cha mẹ đã khuất, nơi chốn để anh và người chị gái trở về, nên đắn đo mãi, hôm nay mới ngập ngừng đưa ra đề nghị.

Trong âm thanh dịu nhẹ của bản nhạc không lời, lặng lẽ một lúc lâu, sau đó Thắng tìm bàn tay của vợ, nắm chặt trong tay mình. “Anh cũng đang định bàn với em về chuyện ngôi nhà. Quả thực là cha mẹ có hẳn di chúc để toàn bộ ngôi nhà lại cho anh, bởi quan niệm xưa, con trai mới là người nối dõi, lo hương khói cho ông bà, tổ tiên. Nhưng trong thâm tâm, bao giờ anh coi nhà của cha mẹ, cũng là nhà của chị. Có chuyện này em chưa biết, chồng chị có người phụ nữ khác, nay vợ chồng chị đang giải quyết việc ly hôn. Ở quê làm ruộng, làm thuê, lại nuôi mấy đứa con nheo nhóc, chẳng có thể giành dụm được gì. Nên anh đang định bàn với em, để chị và các cháu về nhà ở. Thư thư chút, anh tìm luật sư tư vấn cách “mở” di chúc của bố mẹ, để cả về mặt pháp lý, ngôi nhà không còn thuộc tài sản của riêng anh, mà là nơi chốn để con cháu trở về. Bây giờ có chị và các cháu về ở, chắc chắn cha mẹ biết vậy, cũng yên tâm. Hơn nữa, chị...”.

Chồng không cần nói tiếp thì Lam cũng biết, đối với Thắng, chị cũng như người mẹ thứ hai. Bố mất từ hồi Thắng 10 tuổi. Chị hơn thắng 5 tuổi, nhưng đã phải bỏ học, phụ mẹ làm ruộng, làm thuê để nuôi em. Lúc Thắng học lớp 11, mẹ cũng qua đời vì bệnh tim. Một mình gồng gánh mưu sinh, nuôi em ăn học, nhưng bao giờ chị cũng cười nhẹ nhõm, mỗi lúc Thắng xuýt xoa sự hy sinh, vất vả của chị. Thắng biết, nụ cười của chị là để đứa em nhẹ lòng, yên tâm mà học hành.

Bàn tay của Thắng vẫn nắm chặt tay Lam trong suốt câu chuyện. Người ta thì ruột thịt đưa nhau ra tòa để giành giật tài sản. Đằng này, chồng cô lại “ngược”. Nhưng Lam cảm nhận rõ ràng cảm giác ấm áp, từ trong tâm hồn, trong dự tính “ngược đời” của Thắng, khi tính cách “mở” di chúc, không tiếp nhận di nguyện của của bố mẹ về chuyện ngôi nhà. Dường như âm thanh dịu nhẹ của bản nhạc không lời, đưa Lam quay trở lại với cái giây phút ngọt ngào, cũng tại quán cà phê này, Lam đã làm một chuyện ngược đời, đó là chủ động bày tỏ tình cảm với người đàn ông này. “Ngược” mà đáng giá, bởi cô “sở hữu” được một người đàn ông có trái tim yêu thương ấm áp. Chắc chắn, rồi vợ chồng cô sẽ tự tin để dạy bảo con, cháu và cả học trò, về ý nghĩa của chia sẻ và cho đi, để yêu thương sẽ mãi còn.

Lam cười nhẹ nhõm, ghé sát gương mặt vào mặt chồng, thủ thỉ: “Em đồng ý”!

QUỲNH ANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/trong-am-thanh-diu-nhe-a115434.html