Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật Đại Lễ kỳ phước nơi di tích đình làng Hiền Sỹ
Di tích đình làng Hiền Sỹ là “địa chỉ đỏ” trong lịch sử đấu tranh của huyện Phong Điền. Ngôi đình có lịch sử gần 700 năm, và đây cũng là nơi lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa cổ của dân tộc và vùng đất Thuận Hóa. Ngôi đình cũng là nơi lưu giữ nhiều di vật, cổ vật quý hiếm từ nhiều đời vua Nguyễn. Năm 2015, đình làng Hiền Sỹ được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích lịch sử, văn hóa.
Hiền Sỹ là một trong những làng được hình thành tương đối sớm ở vùng đất Thuận Hóa, dưới thời nhà Mạc, thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa và đình làng Hiền Sỹ cũng được xây dựng bên dòng sông Bồ theo kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo (theo sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An - 1553). Trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, đình Hiền Sỹ là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng có ý nghĩa quan trọng, là địa điểm sinh hoạt của nhóm “Thanh niên sông Bồ”, nơi tập hợp nhiều thanh niên ưu tú các làng tham gia hoạt động yêu nước và trở thành những hạt nhân quan trọng lãnh đạo phong trào cách mạng của huyện Phong Điền và tỉnh Thừa Thiên Huế sau này.
Giữa tháng 6/1945 tại đình Hiền Sỹ đã diễn ra Hội nghị cán bộ Đảng toàn huyện Phong Điền để thành lập “Việt Minh Trường Sơn”, một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu một bước chuyển mới trong cuộc vận động giải phóng dân tộc của huyện Phong Điền nói riêng và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đình Hiền Sỹ còn là nơi tập trung, trung chuyển các cơ quan của Ủy ban hành chính kháng chiến của tỉnh trước khi chuyển căn cứ lên chiến khu Hòa Mỹ... Đình Hiền Sỹ còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của người dân địa phương và trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử đấu tranh cách mạng của vùng đất này.
Hiện nay, tại di tích lịch sử, văn hóa đình làng Hiền Sỹ còn nổi tiếng với nhiều sự kiện đặc sắc mang đậm nét sinh hoạt văn hóa cổ truyền, trong đó phải kể đến Đại Lễ kỳ phước. Nghi lễ này được tổ chức vào ngày 16/6 âm lịch hằng năm tại đình làng với ý nghĩa tưởng niệm các ngài khai canh và cầu xin Thành hoàng làng cùng các Thánh ban phước lộc đến cho Nhân dân trong làng. Buổi lễ có nghi thức tế và dâng hương các vị Thánh.
Trong đại lễ, việc sắm sửa lễ phẩm rất quan trọng, yêu cầu phải thật cẩn thận, thanh tịnh. Lễ vật cúng gồm có cau trầu, rượu, hoa quả, bánh dày, chè kho, tiền vàng, hương đen, bánh kẹo… đặt tại các án thờ trong đình. Trước đó, vào sáng 15/6 âm lịch, Ban trị sự cùng con dân trong làng trang phục áo dài khăn đóng khiên kiệu để nghinh thỉnh các ngài ở các miếu về đình làng, sau đó làm lễ cúng trị thực.
Đúng 5 giờ sáng, ngày 16/6 nghi thức lễ chánh tế được tiến hành. Nghi thức tế được chia làm 3 tuần: tuần đầu dâng rượu và đọc chúc văn, tuần thứ hai và thứ ba là dâng rượu, thụ lộc. Trong khi tế, những lúc dâng rượu, lúc đọc chúc đều phải cử hành chiêng trống.
Đến tham dự đại lễ, mọi người đều trang phục chỉnh tề, thắp nhang cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng thuận lợi, sản xuất phát triển, nhân dân ấm no. Sau nghi thức tế lễ, con dân trong làng dâng hương để tỏ lòng cung kính và nhớ ơn và cầu các Thánh phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, nhiều phúc lộc.
Việc duy trì tổ chức Đại Lễ kỳ phước vừa thể hiện lòng tri ân, tưởng nhớ tới công lao của các thế hệ cha ông đã có công khai cơ lập làng, vừa góp phần giáo dục lòng tự hào về truyền thống văn hóa - lịch sử cho các thế hệ, nâng cao ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân cư. Vì vậy, đây là sinh hoạt văn hóa dân gian đang được bảo tồn, duy trì và phát triển.