Văn hóa - nguồn lực nội sinh để phát triển (Bài cuối)

PHÁT HUY “SỨC MẠNH MỀM”
CỦA VĂN HÓA VIỆT NAM

BPO - “Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, cho thấy vai trò quan trọng, sức mạnh của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc. Giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, văn hóa tiếp tục là bệ đỡ cho đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam trên hành trình xây dựng và phát triển” - GS.TS khoa học Vũ Minh Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định.

Khi giới trẻ vẫn nặng lòng với truyền thống dân tộc, thì Việt Nam sẽ không bao giờ bị nô dịch về văn hóa. Trong ảnh: Câu lạc bộ Đồng Thanh Quán (huyện Bù Gia Mập) với 3 đời giữ vững niềm đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử - Ảnh: Thanh Nga

Sức mạnh của văn hóa đến từ giá trị ẩn chứa bên trong

Được hun đúc suốt chiều dài dựng nước và giữ nước, những giá trị văn hóa tinh thần quý giá của dân tộc, của con người Việt Nam tiếp tục là “sức mạnh mềm” trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

GS.TS khoa học Vũ Minh Giang chia sẻ: “Tại hội nghị văn hóa toàn quốc tổ chức ngày 24-11-2021, trong bài phát biểu chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh một mệnh đề cực kỳ quan trọng: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”. Chính vì vậy, qua hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc ta đã trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách để đi tới vinh quang như ngày hôm nay, tầng sâu chính là hồn cốt - văn hóa. Đó là giá trị văn hóa vật thể như chùa chiền, thành quách, công trình; văn hóa phi vật thể như hát quan họ, ca trù, đờn ca tài tử… Tất cả đều biểu hiện ra bên ngoài, giá trị văn hóa cụ thể, còn nền tảng tạo nên sức mạnh của một dân tộc là những giá trị ẩn chứa trong tính cách, trong ý thức, trong bản chất của người dân Việt Nam. Trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều người thường nghĩ phải tập trung phát triển kinh tế, củng cố tiềm lực quốc phòng. Nhưng Đảng ta luôn nhấn mạnh văn hóa là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

GS.TS khoa học Vũ Minh Giang cho rằng, truyền thông sẽ góp phần tạo ra môi trường liên kết giữa 3 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học và nhà đầu tư, để văn hóa đủ sức đảm nhận trọng trách “soi đường cho quốc dân đi” - Ảnh: Trung Quang

GS.TS khoa học Vũ Minh Giang cũng cho rằng, nói đến người Việt Nam là người ta nghĩ ngay đến một dân tộc không chịu khuất phục trước bất cứ khó khăn nào, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Một dân tộc giàu trí tuệ, sẵn sàng thích ứng với mọi hoàn cảnh, linh hoạt vượt qua thử thách hiểm nghèo; cần cù, đùm bọc, yêu thương nhau… Đó chính là nền sâu của văn hóa, “sức mạnh nội sinh” là như vậy. Nội sinh không phải chỉ là những cái sáng tạo ra, mà còn là cái tiếp biến được từ bên ngoài. Người Việt Nam có năng lực sáng tạo ra những giá trị của chính mình, nhưng đồng thời cũng có khả năng phân tích, tích hợp vào bản thân văn hóa của mình những giá trị có nguồn gốc từ bên ngoài. Đó chính là sức mạnh của văn hóa Việt Nam.

Tin giới trẻ vẫn nặng lòng với văn hóa truyền thống

Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, từ nhiều băn khoăn về tình trạng giới trẻ bỏ quên văn hóa truyền thống, bị ảnh hưởng bởi các giá trị văn hóa ngoại lai, từ đó có những ứng xử lệch chuẩn, GS.TS khoa học Vũ Minh Giang cho rằng: Người Việt Nam từng phải chịu ách đô hộ cả ngàn năm và trong thời gian hơn 1.000 năm ấy, người ta tìm cách để đồng hóa, ráo riết áp đặt những giá trị văn hóa khác nhưng không đồng hóa nổi người dân Việt Nam. Một dân tộc như thế không dễ gì có thể mất bản sắc được. Giới trẻ có những tâm lý, ham thích của tuổi trẻ, nhưng họ vẫn là người Việt Nam, dòng máu Việt Nam vẫn chảy trong huyết quản. Tuy nhiên, chúng ta phải chú ý giáo dục ý thức của thế hệ trẻ đối với đất nước, đối với dân tộc và đối với cộng đồng, làm sao để cân bằng giữa những giá trị vật chất với giá trị tinh thần. Mỗi dân tộc đều có “căn cước” văn hóa của mình.

“Nếu như hình hài của chúng ta là gen sinh học thì những ứng xử văn hóa là gen xã hội, mà đã là gen thì không dễ thay đổi. Những tác động thời gian qua không đủ sức tạo nên sự đột biến gen đâu. Đó là nói về sự tác động, nếu sau một thời gian thích hợp, tiếp biến thì lại có những giá trị mới. Do đó, hãy tin vào giới trẻ, họ có bản lĩnh của mình” - GS.TS khoa học Vũ Minh Giang khẳng định.

Tạo ra “thế” để “lực” nhân lên gấp bội

Trong thuật ngữ của thời hiện đại, có 2 loại khái niệm về sức mạnh. “Sức mạnh cứng” là sức mạnh có thể đo, đếm bằng những chỉ số cụ thể, “sức mạnh mềm” đó là ảnh hưởng, uy tín, những yếu tố phi vật thể không nhìn thấy được nhưng có thể làm “sức mạnh cứng” giảm thiểu hoặc tăng lên rất nhiều. “Sức mạnh mềm” có tác động vô hình nhưng hiện hữu.

GS.TS khoa học Vũ Minh Giang chia sẻ: “Đảng ta đã sớm nhận thấy rằng Việt Nam là một quốc gia có tầm ảnh hưởng không nhỏ, nhất là từ khi cả dân tộc đứng lên giành độc lập, đã làm thay đổi cách nhìn nhận, cán cân trên thế giới, đặc biệt sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Rõ ràng Việt Nam có những ảnh hưởng rất lớn đối với bạn bè năm châu nên mới đủ sức vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Nhưng biến ảnh hưởng đó thành sức mạnh để tăng tiềm lực quốc gia thì gần đây Đảng ta mới tập trung vào. Cụ thể là hình ảnh Việt Nam phải đẹp hơn, ảnh hưởng uy tín quốc tế phải lớn hơn, quyết sách để tạo ra sự đồng thuận trong dân phải mạnh hơn… Tất cả những điều đó nhằm tạo thành nguồn lực không chỉ hỗ trợ, mà còn làm tăng thêm “sức mạnh cứng”. Đó là một chủ trương rất mới của Đảng nhưng phù hợp trong xu thế hiện nay”.

Việt Nam là một quốc gia đã từng dùng “sức mạnh mềm” để vượt qua khó khăn. Nếu dựa vào sức mạnh cứng thì đâu có chiến thắng Điện Biên Phủ, càng không thể thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đó chính là bởi chúng ta đã có được “sức mạnh mềm”, huy động được “sức mạnh mềm”. Bây giờ thế và lực của Việt Nam đã khác, lực như “sức mạnh cứng”, thế là “sức mạnh mềm”, chúng ta phải tạo ra thế để lực được nhân lên gấp bội. Đây chính là chủ trương rất quan trọng của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”

Lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng xuất hiện thuật ngữ “sức mạnh mềm” - “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”, GS.TS khoa học Vũ Minh Giang cho rằng: “Nghị quyết của Đảng về văn hóa, phải làm sao cho toàn dân, mà trước hết là những cấp có trách nhiệm hiểu được đầy đủ vị trí của văn hóa trong đời sống, trong mọi mặt của sự phát triển hiện nay. Phải quán triệt văn hóa có ý nghĩa lớn lao, có mặt ở mọi lĩnh vực hoạt động thì lúc đó mới có thể phát huy được sức mạnh của văn hóa. Muốn đưa văn hóa trở thành nền tảng, quyết tâm của các cấp chính quyền là quan trọng. Đã đến lúc không thể khai thác văn hóa một cách tự phát mà phải có nghiên cứu, đưa ra giải pháp để phát triển bền vững. Phát triển văn hóa phải là sự nghiệp của quần chúng, huy động sức mạnh từ xã hội”.

Đôi khi văn hóa vẫn được khoán cho những đơn vị, ngành có chức năng về văn hóa chứ chưa hiểu một cách đầy đủ rằng văn hóa là nền tảng tinh thần cho xã hội, nền tảng cho sự phát triển bền vững. Vì vậy, giải pháp trước mắt là phải khơi dậy được khát vọng hướng tới phồn vinh như Đại hội XIII của Đảng đã đề cập. Mà để đi tới phồn vinh thì phải đi trên đôi chân của mình, trên nền tảng của chính mình, biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh.

Ngân Hà - Thanh Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/134546/van-hoa-nguon-luc-noi-sinh-de-phat-trien-bai-cuoi