Văn hóa TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Thời gian qua, hội viên phụ nữ xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu) tích cực gìn giữ và phát triển nghề thêu, dệt thổ cẩm – nghề truyền thống của dân tộc Mông. Qua đó, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, mang lại thu nhập cho hội viên.

Phụ nữ xã San Thàng may áo váy từ vải thổ cẩm.

Phụ nữ xã San Thàng may áo váy từ vải thổ cẩm.

Tranh thủ những ngày nông nhàn, chị Giàng Thị Măng - bản Lùng Thàng lại lấy váy, áo ra thêu. Từng đường kim, mũi chị của chị thêu hoa văn đều tăm tắp mà chẳng cần phải vẽ hay kẻ mẫu trước. Màu sắc, mẫu mã hoa văn đơn giản nhưng đầy tinh tế, thể hiện đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ.

Theo lời kể, chị Măng biết thêu hoa văn trên váy, áo từ hồi còn con gái. Hầu hết với người phụ nữ Mông thì ngay từ khi còn nhỏ, họ đã được các bà, các mẹ dạy thêu, dệt thổ cẩm để làm trang phục truyền thống cho các thành viên trong gia đình. Một năm, mỗi người phụ nữ ít nhất may được một bộ áo váy mới cho mình để diện vào dịp tết, chơi hội. Qua đó, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, chị Măng nhận dệt vải, thêu hoa văn... trên các trang phục thổ cấm, mỗi năm kiếm thêm được trên dưới 60 triệu đồng từ bán trang phục và phụ kiện của dân tộc mình.

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Sùng Phài có 949 hội viên phụ nữ sinh hoạt ở 13 chi hội; trong đó hơn 700 hội viên biết thêu, may trang phục của người dân tộc Mông, Dao. Phát huy lợi thế này, năm 2018 Hội LHPN xã thành lập Tổ thêu, dệt thổ cẩm truyền thống người Mông với 15 hội viên tham gia. Bên cạnh việc động viên, khích lệ các chị em tích cực dệt vải, thêu hoa văn trên váy, áo, yếm, Hội quan tâm tìm các mối liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hội viên ở trong tỉnh và các địa phương khác; giới thiệu qua các trang mạng xã hội. Nhờ đó, mỗi năm, các thành viên trong tổ bán được 2.000 chiếc váy của người Mông, 100 bộ trang phục truyền thống (gồm áo, váy, yếm và phụ kiện) cùng nhiều vật phẩm khác như túi, mũ…

Cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhiều hội viên phụ nữ chủ động thuê mặt bằng để bày, bán trang phục dân tộc tại các khu chợ trên địa bàn như: chợ Đoàn kết, Nậm Loỏng, San Thàng… Chúng tôi có dịp ghé thăm gian hàng bày bán trang phục người Mông tại chợ Nậm Loỏng (phường Quyết Thắng) của chị Sùng Thị Cua – thành viên Tổ thêu, dệt thổ cẩm xã Sùng Phài. Gian hàng với diện tích hơn 20m2 nhưng được chị sắp xếp một cách hợp lý, không gian thoáng đãng. Những bộ trang phục với đầy đủ các màu sắc mang đậm nét đặc trưng của dân tộc Mông, lôi cuốn và hấp dẫn. Được biết, chị mở gian hàng bán trang phục người Mông hơn 10 năm nay.

Vải thổ cẩm được chị em phụ nữ đồng bào dân tộc Mông ưa chuộng mua sắm.

Vải thổ cẩm được chị em phụ nữ đồng bào dân tộc Mông ưa chuộng mua sắm.

Theo lời chia sẻ của chị Sùng Thị Dính – Chủ tịch Hội LHPN xã Sùng Phài: Việc thành lập, duy trì và phát triển Tổ thêu, dệt thổ cẩm truyền thống người Mông đã giúp các chị em phụ nữ trên địa bàn có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình. So với làm nông cấy lúa, trồng ngô, thì việc thêu váy, buôn bán trang phục của người Mông cho thu nhập cao, riêng các thành viên trong tổ, mỗi năm thu lãi bình quân từ 50 -70 triệu đồng/người.

Thời gian tới, Hội LHPN xã Sùng Phài sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên tham gia vào Tổ thêu, dệt thổ cẩm truyền thống người Mông; khuyến khích các hộ đa dạng các sản phẩm thổ cẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu của du khách khi đi tham quan tại các điểm du lịch của xã: bản Gia Khâu, hang động Pusamcap. Từ đó, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông; góp phần kích cầu du lịch thành phố phát triển trong giai đoạn mới.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/gi%E1%BB%AF-g%C3%ACn-v%C3%A0-ph%C3%A1t-huy-ngh%E1%BB%81-truy%E1%BB%81n-th%E1%BB%91ng-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c