Văn Miếu – Quốc Tử Giám qua góc nhìn hội họa

Chiều 22/10, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã diễn ra lễ trao giải và khai mạc trưng bày tác phẩm cuộc thi vẽ tranh Văn Miếu – Quốc Tử Giám 'Tiếng vang lịch sử'.

Cuộc thi là “sân chơi” lành mạnh nơi các bạn trẻ cùng nhau sáng tạo, cùng nhau tranh tài, thể hiện cảm xúc, quan điểm của mình qua các tác phẩm hội họa về các công trình kiến trúc, hiện vật, tượng thờ,…tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Sau 2 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được gần 200 tác phẩm hội họa với các chất liệu đa dạng từ sơn dầu, lụa, khắc gỗ, bút sắt đến acrylic và màu nước…Đối tượng tham gia dự thi đa phần là các bạn trẻ, người yêu hội họa và họa sĩ trên cả nước.

Các tác phẩm dự thi thể hiện sự đa dạng về góc nhìn, câu chuyện, ý tưởng cũng như chất liệu biểu đạt. Các hình tượng kiến trúc như Cổng Văn Miếu, Khuê Văn Các, Nhà bia tiến sĩ, cùng các họa tiết đặc trưng như đầu đao, long, phượng, quy… trở thành các nguyên liệu để các thí sinh khai thác và thể hiện tác phẩm một cách sáng tạo và công phu.

Khai mạc triển lãm "Tiếng vang lịch sử: diễn giải Văn Miếu-Quốc Tử Giám qua hội họa".

Khai mạc triển lãm "Tiếng vang lịch sử: diễn giải Văn Miếu-Quốc Tử Giám qua hội họa".

ThS.KTS Bùi Thanh Việt Hùng, thành viên Ban Giám khảo nhận xét, nhiều tác phẩm sáng tạo về nội dung, khai thác được chủ đề “Tiếng Vang Lịch sử” thông qua các ngôn ngữ và chất liệu khác nhau. Có những tác phẩm được thể hiện bằng màu nước trong trẻo, công phu, nhưng cũng có những tác phẩm tìm kiếm sự biểu hiện bằng các kỹ thuật in, dập với các mô tip hiện đại, trẻ trung, đúng với phong cách của thế hệ trẻ nhưng lại mang đậm dấu ấn, ký hiệu của truyền thống…

TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Các tác phẩm với đa dạng chất liệu, bút pháp, góc nhìn đã phản ánh những cung bậc cảm xúc về di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám của các bạn trẻ. Chúng tôi hy vọng cuộc thi là cầu nối giữa quá khứ và cuộc sống đương đại, giữa các bạn trẻ với di sản nghìn năm của cha ông.

“Đây cũng là cơ hội để các bạn sinh viên, họa sĩ trẻ và những người yêu thích nghệ thuật hội họa phát huy được tài năng, khả năng sáng tạo và lan tỏa niềm đam mê hội họa cũng như tình yêu với di sản văn hóa” – ông Kiêu nhấn mạnh.

Tác phẩm: Dòng sử của họa sĩ Nguyễn Anh Tài được trao giải Nhất.

Tác phẩm: Dòng sử của họa sĩ Nguyễn Anh Tài được trao giải Nhất.

Tác phẩm: Khuê Văn Các.

Tác phẩm: Khuê Văn Các.

Tác phẩm: Long Vũ Văn Miếu

Tác phẩm: Long Vũ Văn Miếu

Kết quả, Ban Giám khảo đã chọn được 17 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Tác phẩm “Dòng s của họa sỹ Nguyễn Anh Tài (sinh năm 1999) được trao Giải Nhất.

Triển lãm kéo dài đến ngày 31/10 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Việt Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/van-mieu-quoc-tu-giam-qua-goc-nhin-hoi-hoa-10292847.html