Vấn nạn bia, rượu trong thanh thiếu niên ở nông thôn-dễ thấy nhưng khó xử

Trong một lần về quê ở miền Trung ăn giỗ, biết tôi là người công tác trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em 20 năm qua, cô em dâu mặt đầy vẻ nghiêm trọng, bảo: 'Anh xem nói giúp em thế nào chứ chồng em cứ cho thằng bé uống bia. Không chừng nó nghiện mất'.

Từ những suy nghĩ sai lầm của người lớn

Hỏi kỹ thì mới biết câu chuyện của em dâu liên quan đến việc em trai tôi thường xuyên cho con trai mới 8 tuổi làm quen với chất men từ rất sớm. Ngay lúc thằng bé mới 6 tuổi đã được bố cho nhấp ngụm bia đầu tiên trong đời với lời khuyến khích “ngon chả kém nước ngọt đâu”. Và mặc dù ho sặc sụa kèm theo nôn ọe đến ra cả mật xanh mật vàng thì bố thằng bé vẫn cười đùa mà rằng: “Không sao đâu. Chẳng mấy chốc nó sẽ quen thôi!”.

Đúng như cậu em tôi nói, chỉ ít lâu sau đó, thằng cháu của tôi đã có thể uống cạn cả cốc bia mà không hề than đắng hay sốc vì men bia xộc lên mũi nữa. Không chỉ thế, giờ đây cậu bé dần trở thành “bạn nhậu” cùng bố nó mỗi buổi chiều sau khi đi học về, cũng là lúc ông bố đang khề khà với đám bạn nhậu quanh xóm. Khi tôi hỏi lý do của việc tập cho con dùng đồ uống có cồn khi còn nhỏ như vậy, cậu em tôi cười một cách vô tư: “Cả cái làng này có đứa trẻ nào mà không biết uống bia, rượu đâu anh. Có gì đâu mà phải lo!”.

Những ngày sau đó, tôi thử cất công tìm hiểu thì thực trạng trẻ em sử dụng bia, rượu ở khu vực nông thôn, ít nhất là ở cái làng nơi gia đình cậu em tôi đang sinh sống, là có thật. Chỉ cần đi dạo vài vòng quanh làng vào mỗi buổi chiều là có thể dễ dàng bắt gặp cảnh những nhóm thanh niên ngồi la cà ở quán xá, mặt đỏ phừng phừng, cười nói oang oang, dưới chân bàn la liệt vỏ chai bia. Lẫn trong đám nhậu đó không khó để thấy những cậu bé đang tuổi ăn tuổi học cũng ngồi hóng chuyện cùng đàn anh, và... nhấm nháp cốc bia.

Khi ghé thăm nhà một số gia đình trong làng và trò chuyện về cuộc sống thường ngày, nhiều ông bố, bà mẹ cũng cho rằng, họ không quá quan tâm đến việc trẻ con uống bia, rượu. Thậm chí, một số gia đình đang duy trì việc nấu rượu trong nhà còn cho phép con mình nếm rượu giúp bố mẹ.

Biếm họa của THÁI AN.

Biếm họa của THÁI AN.

Thực tế đáng lo ngại

Theo các con số thống kê, tỷ lệ sử dụng bia, rượu trong độ tuổi thanh thiếu niên ở Việt Nam là rất cao, với 47,5% trong độ tuổi từ 14 đến 17 tuổi và 67% trong độ tuổi từ 18 đến 21. Nhiều học sinh cho biết, các em đã bắt đầu nếm mùi bia, rượu từ khi đang học cấp trung học cơ sở.

Mặc dù chưa có báo cáo cụ thể nào về tình trạng thanh, thiếu niên uống rượu, bia ở khu vực nông thôn nhưng chắc chắn tỷ lệ này cũng không hề thấp khi người dân vẫn có những suy nghĩ và quan niệm sai lầm về việc này. Phần lớn họ đều cho rằng, việc trẻ em sử dụng đồ uống có cồn là điều bình thường bởi “từ bao lâu nay vẫn thế”. Chưa kể, trong các sinh hoạt cộng đồng diễn ra tại nhiều nơi ở nông thôn như ngày Tết, hội làng, giỗ,... thì bia, rượu vẫn là thứ đồ uống thông dụng được ưa chuộng, nhưng lại không hề có sự giới hạn nào của người lớn đối với những cô, cậu trong độ tuổi thanh, thiếu niên được phép sử dụng. Thậm chí, nhiều bậc cha mẹ như cậu em tôi còn khuyến khích con mình làm quen với bia, rượu từ rất sớm với quan niệm “Nam vô tửu như kỳ vô phong”.

Khi được hỏi về tình trạng rượu, bia trong thanh, thiếu niên, một phó chủ tịch UBND xã phụ trách lĩnh vực văn hóa-xã hội đã thừa nhận, đây là một vấn nạn diễn ra ở địa phương từ lâu với không ít hệ lụy, như: Trẻ ăn cắp tiền của bố mẹ hay xe đạp của bạn bè ở trường bán để uống bia, rượu; đánh nhau do say xỉn; ngộ độc rượu, bia; tai nạn giao thông do điều khiển phương tiện khi say rượu; trẻ lớn xâm hại tình dục trẻ nhỏ do mất kiểm soát sau khi uống bia, rượu,...

Cần phải làm thế nào với vấn nạn này?

Không phải ngẫu nhiên mà Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 đã phải có những quy định cụ thể liên quan đến rượu, bia và thanh, thiếu niên, như: Nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; nghiêm cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi cũng như sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

Thế nhưng, mặc dù luật đã nêu rất rõ nhưng việc thực thi trong thực tế vẫn không hề dễ dàng bởi những thách thức cả chủ quan lẫn khách quan như: Tập tục của địa phương, quan niệm của người dân, chế tài xử lý,...

Với tình trạng lạm dụng chất có cồn ở người dân nói chung và thanh, thiếu niên nói riêng ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa thì có lẽ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng là phù hợp và hiệu quả hơn cả. Vì vậy, chính quyền địa phương cần duy trì, đẩy mạnh các loại hình câu lạc bộ đội, nhóm với những hình thức sinh hoạt đa dạng, hấp dẫn để có thể truyền tải tác hại của rượu, bia và các loại thức uống có cồn khác đến từng trẻ em trong trường học và ngoài cộng đồng. Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài xử lý đối với những cá nhân vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với các cá nhân và tổ chức liên quan, như phụ huynh cho con uống rượu, bia, chủ cửa hàng bán rượu, bia,... Mặt khác, cần đưa nội dung về phòng, chống tác hại bia, rượu trong thanh thiếu niên vào các hương ước, quy ước làng xã cũng là một gợi ý đáng quan tâm.

Thạc sĩ NGUYỄN THUẬN, Chuyên gia công tác xã hội trẻ em

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/dien-dan-van-hoa-ruou-bia/van-nan-bia-ruou-trong-thanh-thieu-nien-o-nong-thon-de-thay-nhung-kho-xu-644684