Văn phòng UNESCO Hà Nội: 25 năm đồng hành vì phát triển bền vững tại Việt Nam

Tối ngày 25/10, tại Hoàng thành Thăng Long đã diễn ra Lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập Văn phòng Tổ chức UNESCO tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập Văn phòng Tổ chức UNESCO tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Các đại biểu tham dự Lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập Văn phòng Tổ chức UNESCO tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tham dự chương trình kỷ niệm có Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyên Dy Niên; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc, cùng các Phó Chủ tịch, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, cán bộ Ban Thư ký, các Tiểu ban, Tiểu ban chuyên môn của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh và nhiều Lãnh đạo của các tỉnh, thành sở hữu di sản; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các Ban quản lý, các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp, đối tác và truyền thông.

Về phía UNESCO có Trợ lý Tổng giám đốc phụ trách quan hệ đối ngoại UNESCO, ông Firmin Edouard Matoko; Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Jonathan Baker cùng đông đảo lãnh đạo, cán bộ qua các thời kỳ của Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; hơn 20 Đại sứ, Đại biện, Phó Đại sứ, các Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam tham dự.

Khoảnh khắc vô cùng đặc biệt

“Đây là khoảnh khắc vô cùng đặc biệt đối với tất cả chúng ta, những người đã làm việc với UNESCO tại Việt Nam trong suốt 25 năm qua”, ông Jonathan Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu mở màn cho lễ kỷ niệm.

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Jonathan Baker phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Jonathan Baker phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đã dành nhiều lời cảm ơn đến nhân viên, những người tiền nhiệm và các nhân viên trước đây của Văn phòng đại diện của tổ chức UNESCO tại Việt Nam và lãnh đạo bộ, ban ngành, địa phương của Việt Nam.

Ông Jonathan Baker cho biết, năm 2024 không chỉ là năm kỷ niệm 25 năm thành lập văn phòng UNESCO tại Hà Nội, mà còn là kỷ niệm 25 năm Hà Nội được vinh danh là thành phố vì hòa bình của UNESCO.

Người đứng đầu Tổ chức UNESCO tại Việt Nam cho biết, UNESCO đã hỗ trợ Việt Nam quảng bá nền văn hóa và di sản vô cùng phong phú và đa dạng, đồng thời xác định văn hóa là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam có 8 di sản thế giới, 15 di sản Văn hóa phi vật thể và 10 di sản tư liệu, ngoài ra còn có 11 khu dự trữ sinh quyển và 4 công viên địa chất toàn cầu. Cùng với đó, đây còn là đất nước được biết đến với thế hệ trẻ năng động, sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa đang phát triển, đặc biệt là ở 3 thành phố sáng tạo là Hà Nội, Đà Lạt và Hội An và cả những thành phố khác sắp gia nhập danh sách.

Tại dải đất hình chữ S hiện có 5 thành phố học tập UNESCO, với nhiều thành phố khác đang quan tâm muốn tham gia mạng lưới; mạng lưới học tập này đang chuyển đổi giáo dục và học tập vì lợi ích của trẻ em và học sinh Việt Nam.

Việt Nam là một ví dụ tuyệt vời cho cả thế giới về cách các quốc gia có thể tận dụng các danh hiệu của UNESCO để thúc đẩy di sản, sáng tạo, học tập và phát triển bền vững, đồng thời tạo ra cơ hội cho các khu vực và địa phương.

Ông Jonathan Baker nhấn mạnh Tổ chức UNESCO tại Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc ghi nhận các danh hiệu mà mong muốn đóng vai trò chủ chốt như một đối tác và cố vấn đáng tin cậy trong các lĩnh vực chuyên môn.

Hướng tới chặng đường trong tương lai, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam tin tưởng, quan hệ hợp tác giữa UNESCO và Việt Nam sẽ càng phát triển mạnh mẽ.

“UNESCO sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong quá trình Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế của mình như một thành viên quan trọng và được coi trọng của cộng đồng quốc tế và của UNESCO, và đảm bảo một tương lai hòa bình, thịnh vượng và có ý nghĩa cho người dân Việt Nam thông qua giáo dục, văn hóa, khoa học và truyền thông, người đứng đầu Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh.

Hợp tác ngày càng rộng mở

Là vị khách vô cùng đặt biệt trong chương trình kỷ niệm 25 năm thành lập Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, với 50 năm sự nghiệp trong lĩnh vực ngoại giao, và là Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO dài nhất từ trước đến nay - 12 năm, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã dành tình cảm đặc biệt đối với công tác UNESCO - “tôi yêu UNESCO lắm”, ông nói.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO, ông Nguyễn Dy Niên phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO, ông Nguyễn Dy Niên phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trong suốt thời gian còn công tác trước đây và cả sau này, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã dành nhiều tâm huyết và có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của ngoại giao văn hóa và quan hệ đối tác Việt Nam - UNESCO.

Tại lễ kỷ niệm 25 năm, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã nhắc lại nhiều kỷ niệm khi còn làm công tác UNESCO. Đó là khoảnh khắc khi Đại hội đồng Tổ chức UNESCO họp tại Paris, Pháp năm 1987 đã thông qua vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, là người trực tiếp tham dự Hội nghị, ông Nguyễn Dy Niên cảm thấy vô cùng tự hào, an tâm với sự giúp đỡ của bạn bè UNESCO.

Ông Nguyễn Dy Niên cũng cho biết, trong các hoạt động, Việt Nam và UNESCO luôn thể hiện sự gắn bó thân thiết, thông qua các hoạt động vô cùng có ý nghĩa dành cho người dân Việt Nam, UNESCO đã nhận được tình cảm vô cùng quý mến từ người già cho đến trẻ em ở khắp mọi miền đất nước Việt Nam.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên xúc động nhớ lại những kỷ niệm với các Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam, đó là những cuộc làm việc cởi mở, hợp tác chặt chẽ, sự quyến luyến khi các Trưởng Đại diện kết thúc nhiệm kỳ và phải chia tay Việt Nam…

Đặc biệt, mới hồi đầu tháng này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Lãnh đạo cao nhất của Việt Nam lần đầu tiên đến thăm Ban Thư ký UNESCO tại Paris, Pháp và có cuộc gặp với bà Tổng giám đốc UNESCO tại Paris đã cho thấy sự coi trọng, quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam với công tác UNESCO.

“Việc Việt Nam-UNESCO cùng triển khai, hợp tác với nhau là vô cùng quan trọng, mang tính nhân ái và thân thiện đối với cuộc sống cả về tinh thần và vật chất đối với người dân, tôi tin rằng, trong tương lai, hợp tác giữa hai bên sẽ ngày càng rộng mở”, ông Nguyễn Dy Niên nói.

UNESCO - Vị trí đặc biệt trong trái tim người Việt

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, ông Hà Kim Ngọc bày tỏ vui mừng khi tham dự lễ kỷ niệm và cho biết Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi lẵng hoa tươi thắm chúc mừng ngày lễ đặc biệt của Văn phòng UNESCO Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, ông Hà Kim Ngọc phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, ông Hà Kim Ngọc phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết, UNESCO là tổ chức đa phương đầu tiên mà Việt Nam thiết lập quan hệ, xuất phát từ khát vọng hòa bình mà dân tộc Việt Nam luôn hướng đến, mở ra cánh cửa đầu tiên kết nối Việt Nam với thế giới, cùng chia sẻ sứ mệnh “xây dựng hòa bình trong tâm trí con người” của UNESCO.

Tiếp nối quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam vào năm 1977, việc năm 1999 UNESCO lựa chọn đặt Văn phòng đại diện tại Hà Nội - “thành phố vì hòa bình” vừa mới được UNESCO công nhận cách đó không lâu - chính là những viên gạch vững chắc đặt nền móng cho một mối quan hệ hợp tác bền vững, lâu dài.

Đây là một quyết định mang tính chiến lược, đúng đắn và kịp thời, đánh dấu sự hiện diện chính thức của UNESCO tại Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung, đồng thời đã mở ra khuôn khổ hợp tác mới và toàn diện hơn giữa Việt Nam và UNESCO.

Với những thành tựu rực rỡ qua gần 50 năm hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO, đặc biệt là 25 năm kể từ khi Văn phòng UNESCO Hà Nội được thành lập. “Rất nhiều hoa thơm, quả ngọt mà chúng ta gặt hái được trong số đó là kết tinh của mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Văn phòng UNESCO Hà Nội qua nhiều thời kỳ”, Chủ tịch Ủy Ban quốc gia UNESCO Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Hà Kim Ngọc cho biết, với sự đồng hành của Văn phòng UNESCO Hà Nội, Việt Nam đã thúc đẩy rất hiệu quả nhiều chương trình tiêu biểu, điển hình, từ đó đưa UNESCO gần gũi, gắn bó với cuộc sống thường nhật của người dân Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho nhiều gia đình, địa phương và cộng đồng dân cư. UNESCO đã có một vị trí đặc biệt trong trái tim người Việt Nam”.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO nhấn mạnh, trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược và các thách thức an ninh ngày càng gia tăng, vai trò của UNESCO trong xây dựng hòa bình và hợp tác càng trở nên quan trọng. Việt Nam, đang bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mong muốn tiếp tục đưa quan hệ đối tác với UNESCO lên những nấc thang mới.

Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần tiếp tục chủ động, trách nhiệm, tích cực đóng góp vào chiến lược phát triển của UNESCO; lồng ghép các chương trình UNESCO vào chính sách quốc gia, nhất là về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển bền vững, tăng cường giáo dục, khoa học với đổi mới sáng tạo; tăng cường cơ chế hợp tác bền vững giữa Việt Nam và UNESCO; và tối ưu hóa nguồn lực từ địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng cho công tác UNESCO.

Các đại biểu tham dự chương trình chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Các đại biểu tham dự chương trình chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

UNESCO đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực

Đại diện lãnh đạo các Tiểu ban của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, ông Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận xét UNESCO đã đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực như giáo dục, khoa học, văn hóa, thông tin.

Thứ trưởng nhấn mạnh, trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, hợp tác Việt Nam-UNESCO đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tiêu biểu là việc thành lập Trung tâm khoa học quốc tế loại 2 về Toán học và Vật lý tại Việt Nam, nhằm phục vụ nghiên cứu và đào tạo trong khoa học và công nghệ tiên tiến, hay việc xây dựng và bảo tồn các khu dự trữ sinh quyển và công viên địa chất toàn cầu, minh chứng cho cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của UNESCO trong việc thúc đẩy các khuyến nghị về khoa học mở và đạo đức trong trí tuệ nhân tạo, giúp Việt Nam tiếp cận các chuẩn mực quốc tế trong phát triển khoa học và công nghệ. Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cũng bày tỏ Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác với UNESCO trong các chương trình nghiên cứu và phát triển, hướng đến những giá trị thiết thực và bền vững cho cộng đồng.

Việt Nam là đối tác chiến lược, trách nhiệm, tin cậy của UNESCO

Phát biểu lại buổi lễ, Trợ lý Tổng giám đốc về Đối ngoại và Ưu tiên châu Phi Firmin Edouard Matoko cũng cho rằng, việc thành lập Văn phòng UNESCO Hà Nội là quyết định lịch sử, đem lại những đóng góp to lớn trong suốt một phần thư thế kỷ qua tại Việt Nam; thay mặt Tổng giám đốc UNESCO, ông bày tỏ sự ủng hộ to lớn và hợp tác tích cực của nhiều cơ quan Việt Nam. “Tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn tới thành phố Hà Nội vì là nơi đặt trụ sở của Văn phòng Tổ chức UNESCO tại Việt Nam và tạo điều kiện cho nhiều sáng kiến của UNESCO được phát triển tại đây”, ông Firmin Edouard Matoko nói.

Ông nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia tiên phong trong việc thúc đẩy các sứ mệnh của UNESCO, và hiện diện trong tất cả các quá trình ra quyết định tập thể quan trọng thông qua các cơ chế điều hành then chốt của Tổ chức. Nhân dịp này, ông Matoko cũng bày tỏ biết ơn vì sự hỗ trợ lớn, sự hợp tác tích cực của các cơ quan, ban ngành, các địa phương của Việt Nam, đặc biệt các thế hệ lãnh đạo của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong mọi lĩnh vực chuyên môn và thông qua các sáng kiến sáng tạo để đáp ứng nhu cầu giáo dục, giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến văn hóa thành động lực phát triển bền vững.

Nhân dịp này, nhằm ghi danh những đóng góp của ông Edouard Matoko, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO phụ trách ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã trao danh hiệu công dân danh dự cho ông. Trợ lý Tổng giám đốc đã có những đóng góp trong nhiều vai trò khác nhau cho sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và UNESCO, trong đó là hỗ trợ Hà Nội được công nhận là Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo. Ông cũng đã thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ to lớn đối với hồ sơ bảo tồn Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long kể từ khi được công nhận.

Bày tỏ vinh dự khi nhận được danh hiệu Công dân danh dự, cũng như gặp lại những người bạn lâu năm, ông Firmin Edouard Matoko vô cùng vui mừng được chứng kiến tận mắt những thành tựu to lớn của quan hệ đối tác Việt Nam-UNESCO thời gian qua. Đó là mối quan hệ đối tác chiến lược, trách nhiệm, tin cậy được xây dựng dựa trên cam kết không ngừng nghỉ của Việt Nam với chủ nghĩa đa phương và dựa trên niềm tin chung rằng giáo dục, khoa học và văn hóa là nền tảng để xây dựng xã hội toàn diện và bền vững hơn.

Lễ trao tặng công dân danh dự Thủ đô Hà Nội cho ông Firmin Edouard Matoko. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Lễ trao tặng công dân danh dự Thủ đô Hà Nội cho ông Firmin Edouard Matoko. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm đều bày tỏ chung nhận định, 25 năm qua không chỉ là chặng đường rất đáng tự hào của Văn phòng UNESCO Hà Nội, mà còn là minh chứng cho hợp tác hiệu quả giữa Văn phòng UNESCO Hà Nội và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, đóng góp quan trọng và đầy ý nghĩa vào nỗ lực chung tăng cường hợp tác Việt Nam-UNESCO.

Tin tưởng 25 năm tới, Văn phòng UNESCO Hà Nội sẽ còn đóng góp nhiều hơn nữa, góp phần nâng tầm hợp tác hai bên và tiếp tục là một trong những nhân tố then chốt, đảm bảo thành công cho các hoạt động của UNESCO tại Việt Nam.

Năm 1999, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam được thành lập, tiếp tục củng cố mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Trong suốt thời gian đó, với cam kết chung thúc đẩy văn hóa, khoa học và giáo dục làm nền tảng, động lực và mục tiêu phát triển bền vững, sự hỗ trợ của UNESCO đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Việt Nam.

Việt Nam là mô hình hợp tác hiệu quả tiêu biểu, là quốc gia thành viên tích cực và không ngừng thúc đẩy mối quan hệ với UNESCO. Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 25 năm thành lập Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, khẳng định sự hợp tác tốt đẹp giữa UNESCO và Việt Nam ở cấp quốc gia.

Nguyễn Hồng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/van-phong-unesco-ha-noi-25-nam-dong-hanh-vi-phat-trien-ben-vung-tai-viet-nam-291437.html