Văn Phú năng động phát triển kinh tế

Không chỉ tận dụng tối đa hiệu quả của các chính sách làm đòn bẩy để người nghèo vươn lên thoát nghèo, xã Văn Phú, huyện Nho Quan còn tạo điều kiện, khuyến khích người dân năng động phát triển kinh tế để vươn lên làm giàu.

Đầm tôm càng xanh mang lại thu nhập khoảng 900 triệu đồng/năm cho gia đình anh Bùi Văn Thủy.

Đầm tôm càng xanh mang lại thu nhập khoảng 900 triệu đồng/năm cho gia đình anh Bùi Văn Thủy.

Sau cuộc hôn nhân không trọn vẹn, chị Đinh Thị Mai trở về quê mẹ mang theo 2 đứa con đang độ tuổi ăn học. Ba mẹ con chị Mai phải nhờ vào sự cưu mang của bố mẹ tại thôn Thành Tây. Để chăm lo cho các con ăn học, chị Mai miệt mài lao động. Niềm mong mỏi lớn nhất của chị là có được một căn nhà nhỏ để ba mẹ con ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất. Đó từng là một giấc mơ xa vời, bởi với chị, khoản lương công nhân ít ỏi phải tính toán thật chi ly mới có thể tạm đủ để nuôi con ăn học, chứ chẳng bao giờ dư dả để có thể nghĩ đến xây một ngôi nhà.

Nhưng giờ thì ngôi nhà nhỏ kiên cố đã hiện hữu, trở thành tổ ấm, là nơi che mưa gió, là nơi đánh thức khát vọng vươn lên của ba mẹ con chị Mai. "Được cha mẹ cho đất, Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng, ba mẹ con tôi đã có một ngôi nhà nhỏ kiên cố, thỏa niềm mong ước của cả gia đình. Chưa hết, năm ngoái, tôi còn được hỗ trợ vốn vay để mua bò sinh sản. Với con nuôi này, tôi tranh thủ cắt cỏ cho bò khi hết giờ làm ở công ty. Bò sinh trưởng và phát triển rất tốt. Tôi phấn đấu sẽ ra khỏi danh sách hộ nghèo vào cuối năm 2024"- chị Mai phấn khởi nói.

Bước vào giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo của xã Văn Phú còn trên 4%. Xác định rõ, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, xã Văn Phú đã ban hành Nghị quyết về giảm nghèo bền vững, trong đó nêu rõ mục tiêu mỗi năm sẽ giảm 1%, phấn đấu đến cuối giai đoạn, tỷ lệ hộ nghèo sẽ còn dưới 2%. Để thực hiện được mục tiêu này, địa phương đã rà soát hộ nghèo, từ đó xác định nguyên nhân và xác định các biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.

Công ty TNHH May Văn Phú giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong xã.

Công ty TNHH May Văn Phú giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong xã.

Theo đó, địa phương đã tăng cường công tác phối hợp, kết nối việc làm cho người lao động, trong đó có lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo vào làm việc tại các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Hiện nay, toàn xã có hàng trăm lao động đang làm việc tại Công ty TNHH may Văn Phú với mức thu nhập ổn định.

Ngoài ra, đối với những hộ nghèo có khả năng lao động, địa phương đã thực hiện các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bằng cách đưa những con nuôi phù hợp với điều kiện của hộ nghèo, đặc điểm thổ nhưỡng của địa phương như bò, gà… để các con nuôi phát huy hiệu quả, tạo động lực cho người nghèo vươn lên.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều hộ thuộc diện hộ nghèo do không còn trong độ tuổi lao động; không đủ sức khỏe để lao động; gặp tai nạn, rủi ro, bệnh tật… Vì vậy, bên cạnh việc tích cực kết nối việc làm cho người lao động, trong đó có lao động nghèo, xã Văn Phú cũng triển khai đa dạng, linh hoạt, có trọng điểm các phương pháp hỗ trợ khác để người nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống.

Điển hình là xã huy động nguồn lực xã hội hóa, chung tay hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn thông qua vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội. Đến nay, nguồn quỹ này của xã đạt trên 100 triệu đồng. Từ nguồn quỹ, địa phương trích để thực hiện các hoạt động thiết thực như: hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở kiên cố cho người nghèo; tặng quà; hỗ trợ khó khăn đột xuất…

Không chỉ chú trọng các biện pháp để giảm nghèo hiệu quả, xã Văn Phú còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu trên chính đồng đất quê hương. Anh Bùi Văn Thủy ở thôn Phượng Lân là một trong những hộ đầu tiên ở Văn Phú mạnh dạn đưa tôm càng xanh về nuôi, từ 1 ha thử nghiệm, diện tích nuôi tôm của anh Thủy đã mở rộng lên hơn 4 ha trong tổng số 17 ha nuôi trồng thủy sản của gia đình.

Anh Thủy cho biết: Nhiều năm trước, gia đình tôi được địa phương tạo điều kiện thuê diện tích mặt nước để nuôi cá, cải thiện kinh tế gia đình. Khi kinh tế ổn định hơn, tôi đặt mục tiêu phấn đấu trở thành hộ khá giả. Nhưng nếu chỉ nuôi cá thì khó tạo được sự đột phá trong phát triển kinh tế gia đình, vì vậy ,tôi và chú ruột đã vào Vũng Tàu để học hỏi mô hình nuôi tôm càng xanh. Tôm càng xanh nuôi không khó, chỉ cần chú trọng lựa chọn giống khỏe, xử lý ao bằng vi sinh định kỳ và giữ môi trường nuôi sạch sẽ thì tôm sẽ phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh. Qua quá trình nuôi, tôi học hỏi và tích lũy kinh nghiệm để tăng năng suất nuôi và đặc biệt là tìm đầu ra ổn định cho tôm.

Sau 7 năm nuôi tôm càng xanh, hiệu quả kinh tế mang lại rất rõ nét. Đến nay, đầm tôm hơn 4 ha đã cho gia đình anh Thủy nguồn thu nhập khoảng 900 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. Mô hình nuôi tôm càng xanh của anh Thủy cũng được nhân rộng ở địa phương. Đến nay, toàn xã có 40 hộ nuôi với diện tích trên 200 ha. Sự năng động, dám nghĩ, dám làm của anh Thủy còn tiếp thêm động lực để nhiều hộ mạnh dạn đưa các con nuôi có giá trị cao vào chăn nuôi. Hiện trên địa bàn xã có 4 đầm lớn nuôi cá trắm đen, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Bước vào năm 2024, xã Văn Phú có 70 hộ nghèo, chiếm 3,3%. Ông Đỗ Văn Thoại, Chủ tịch UBND xã Văn Phú cho biết: Để hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2% vào cuối năm 2025, xã Văn Phú sẽ tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, khuyến khích bà con đưa vào trồng những cây ăn quả có giá trị cao, phát triển thủy sản theo mô hình lúa - cá, vận động nuôi tôm càng xanh... Còn mục tiêu trước mắt của xã Văn Phú là sẽ giảm 20 hộ nghèo vào cuối năm 2024.

Đào Hằng-Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/van-phu-nang-dong-phat-trien-kinh-te/d20240718135434606.htm