Vạn Xuân mở hội đua thuyền

Ngay sau khi Lý Phật Tử được suy tôn lên ngôi Nam Việt Đế năm 572, dân chúng trong khắp nước Vạn Xuân nô nức mở hội mừng vua mới. Nhiều lễ hội cổ truyền được các vị tổng trấn, huyện lệnh trong vùng cho tổ chức rất náo nhiệt. Đáng kể nhất là hội đua thuyền trên Đầm Sương Mù. Hội đồng kỳ lão được suy tôn từ ba vùng Long Biên, Dạ Trạch, Bạch Long chủ trì chấm các giải cao. Không riêng gì các đội thuyền vùng biển chiếm ưu thế mà những nơi bán sơn địa như Bạch Hạc, Đông Ngàn, Vũ Ninh, Phong Khê, Bình Đại cũng có các đội thuyền vào sâu trong giải. Thể thức chấm giải đã có từ thời thượng cổ, song đến Triệu Vương cho tổ chức đã cải biến đi nhiều, chia làm ba hạng thuyền. Hạng đại còn gọi là Nhất Long, thuyền dài hai trượng mười tám mái chèo thi riêng với nhau suốt theo chiều dọc Đầm Sương Mù mà đích đến chính là miếu Cửu Ngưu sát sân điện Vạn Thọ. Hạng trung còn gọi là Nhị Long, thuyền dài trên một trượng, tám mái chèo chạy theo bề ngang Đầm Sương Mù rồi cũng quành về cán đích nơi miếu Cửu Ngưu tranh giải. Hạng ba còn gọi là Tam Long, thuyền dài một trượng, bốn mái chèo chạy từ khoảng giữa Đầm Sương Mù tới miếu Cửu Ngưu ước chừng độ hơn ba dặm được ưu tiên thi trước. Thường các đội thi mạn cửa biển ưa thích thuyền lớn người đông nên chọn Nhất Long. Song, cũng có nhiều đội vùng trung châu, thượng du đã mạnh dạn thi cả ba hạng thuyền khiến ban tổ chức đã phải dày công sắp xếp tránh thua thiệt, bỏ sót các đội tới tham dự.

Điều đặc biệt hơn, năm nay có thêm tám đội thuyền từ các cửa biển Cầm, Sam, Vường, Vực ở châu Cửu Đức và Sầm, Tùng, Long, Hội từ Ái Châu tới tranh giải báo hiệu một cuộc ganh đua sôi động giữa hai miền nam - bắc Vạn Xuân.

Sau hai ngày tập dượt làm quen với độ nước nông sâu, sức gió, dòng chảy, tầm nhìn trên Đầm Sương Mù, nơi diễn ra cuộc thi tài, ba mươi sáu đội gồm ba hạng thuyền Nhất Long, Nhị Long, Tam Long mỗi đội mười hai thuyền đã chuẩn bị sẵn sàng cho buổi thi chính thức. Để cuộc thi thêm phần náo nhiệt, Tổng trấn Ngô Bân cho phép các đội đem người tới cổ vũ không hạn chế. Cũng là nhân dịp du xuân, các đội dự hội đua thuyền đều tổ chức người đi cổ động rất đông. Ngoài các vị bô lão đức cao vọng trọng theo đoàn động viên trai tráng, các vị huyện lệnh còn cho lập đoàn tú nữ có nơi đông đến bảy, tám mươi người toàn những cô gái đang ở độ tuổi cập kê xúng xính khăn áo mớ bảy mớ ba tươi xinh như hoa càng khiến các tráng đinh trong từng đội đua phấn khích gắng sức trổ tài. Châu nào huyện nấy thảy đều đua nhau lựa chọn những tú nữ xinh đẹp tới cổ động cuộc thi, thành ra hội đua thuyền dưới nước bỗng chốc nảy sinh cuộc phô diễn sắc đẹp các vùng miền trên đường phố, sân điện, bờ đầm chốn kinh thành Long Biên. Đây cũng là điều mà Thái sư Triệu Quốc Chính và Tổng trấn Ngô Bân rất tâm đắc.

Trong hai ngày tập dượt cũng là phô diễn sức mạnh, rèn luyện mảng miếng, căn chỉnh sức gió sức nước, trước sự cổ động náo nhiệt của hàng trăm, hàng ngàn tú nữ xinh đẹp reo mừng khích động đã khiến các đội như đua thật thi nhau trổ hết tài nghệ trên sóng nước. Nhất là các tráng đinh đội thuyền đàng trong, lần đầu cảm nhận cái se se lạnh của tiết trời, những ánh mắt liếc sắc lẹm của tú nữ mớ bảy mớ ba miệng cười lúng liếng, búp tay trắng ngần vẫy gió xôn xao càng khiến các chàng trai thập phần phấn chấn, chỉ đợi hiệu lệnh thi chính để giật giải. Ngô Tổng trấn cho phát loa thông báo mỗi thành viên trong đội khi được nhận giải cao đều được đích thân tam thập tú nữ xinh đẹp nhất lên buộc vào ngang trán một dải lụa điều. Tam thập tú nữ xinh đẹp này được đích thân Triệu Thái sư, Ngô Tổng trấn và hội đồng kỳ lão chấm chọn trước ngày khai giải.

Mờ sáng ngày 18 tháng Giêng - ngày khai giải hội đua thuyền.

Ba mươi bảy giàn chiêng trống lớn được chia làm bốn hàng hướng thẳng về miếu Cửu Ngưu nhất tề gióng lên những âm thanh vang động.
Tiếng cồng chiêng, tiếng tù và âm i nối nhau dội trên sóng nước mang mang.

Đầm Sương Mù sáng mùa xuân sương hãy còn chưa tan hẳn. Mặt hồ phảng phất màu khói trắng mịt mùng chỉ nhìn xa được hai, ba trăm thước. Trước cửa miếu Cửu Ngưu, bốn giàn giáo uy nghi sừng sững trên sóng. Trên mỗi giàn giáo đều có bốn vị đô tướng mặc giáp phục ngắn, đầu chít khăn nhiễu hồng, trên tay sẵn sàng những lá cờ lệnh làm hiệu. Ngồi chính giữa chòi gỗ trên mỗi giàn giáo là hai vị kỳ lão khuôn mặt sáng đẹp háo hức như trẻ ra đến vài tuổi sẵn sàng bút mực đánh dấu khi thuyền thi cán đích. Để tránh nhầm lẫn hoặc cùng một lúc các thuyền nhất loạt cán đích, ban tổ chức cho căng dây ròng rọc nơi vạch đích bên trên treo mười hai lá cờ nhỏ kỳ hiệu Vạn Xuân để các đội cán đích cứ thế giật phăng đi đánh dấu thời khắc thuyền mình về đích, đồng thời xướng to tên để các kỳ lão biên chép vào sổ sách. Cũng là phòng xa như vậy, song các thuyền thi xưa nay cũng chưa bao giờ có đến hai thuyền chạm đích một lúc. Trên sông nước, nhất là nơi rộng thoáng như Đầm Sương Mù, các thuyền vừa rời vạch xuất phát đã mau chóng bỏ xa nhau.

Ở điểm xuất phát, đội Tam Long từ khoảng chính giữa đầm chiếu thẳng về vạch đích nơi miếu Cửu Ngưu. Tiếng pháo lệnh nổ vang. Mười hai chiếc thuyền đề rõ phiên hiệu đội thi ngay đầu mũi nhất tề vung chèo vun vút tiến về phía trước. Buổi sáng gió lặng. Sương đã dần tan mở rộng thêm tầm nhìn càng thuận đà tiến cho các thuyền trổ tài băng băng rẽ nước. Thuyền thi vốn là loại thon dài bốn mái chèo, muốn chạy nhanh càng phải phối hợp nhịp nhàng sau trước không được bên nào cường lực hơn. Đã thế, hai tráng đinh phía sau vừa phải gấp tay chèo vừa phải giữ chân bánh lái cho thật chuẩn mới dễ dàng tăng tốc. Đua thuyền vốn không những dựa vào sức lực mà còn phải biết lựa gió, lựa nước, vận dụng kế sách bố trí sức lực sao cho hợp lý. Khi cần bứt tốc thì nhất tề khom lưng choãi chân cắm chèo lút cán xuống mặt nước. Gặp phải chỗ sóng đánh ngang phải bớt tay chèo thoải lái tránh luồng nước táp. Khi muốn chèn ép địch thủ phải mưu lựa giữ thế giằng co nhử cho đối phương mệt dần mới đột ngột gấp tay chèo vượt thoát. Chớ có ham bung sức từ đầu mà phải biết dốc toàn sức lực khi về đích mới dễ bề đoạt giải cao.

Mới già nửa khắc, mười hai chiếc Tam Long đã tách làm ba tốp bám đuổi nhau trên sóng nước vẫn đang ở thế giằng co chưa thuyền nào bứt hẳn được lên trong tốp của mình. Trên bờ, tiếng trống tiếng chiêng thúc lên ầm ầm, tiếng hò reo inh ỏi, bóng những cô gái nhảy loi choi càng khiến các đội thi bung hết sức mình chuẩn bị cho chặng nước rút.

Càng gần sát vạch đích nơi cửa miếu Cửu Ngưu, tiếng chiêng trống càng dồn lên gấp rút, ba chiếc đi đầu phiên hiệu đội Bạch Long, Hải Triều, Hàm Hoan vẫn tương đương sức rướn, chưa thuyền nào trội được hẳn lên. Bỗng một đợt sóng khá lớn duềnh lên ngay trước mũi của ba thuyền đua, thoáng cái mọi người ai nấy thất kinh bởi tốc độ lao nhanh như vậy nếu không biết cách dìm đuôi tránh sóng sẽ có thể rúc mũi chìm thuyền dễ như chơi. Quả nhiên, ba chiếc đều chòng chành chao lắc, song chỉ giây lát đã lấy được thăng bằng tiếp tục lao về đích nhưng tình hình đã khác xa nhau. Không hiểu do may mắn hay lão luyện hơn mà đội Bạch Long đã chồm về phía trước bỏ xa hai thuyền của đội Hải Triều, Hàm Hoan hơn một thân thuyền. Khi nhận ra mình đã bị bỏ lại phía sau thì đã muộn. Lá cờ đích chỉ còn cách mũi thuyền năm, sáu chục thước. Tiếng chiêng trống, tiếng hò reo nổi lên ầm ầm. Như phấn khích đến tột cùng, chiếc thuyền đội Bạch Long lao như tên bắn giật phăng lá cờ đích đầu tiên khi hai thuyền phía sau còn cách xa đến hơn một trượng.

Tiếng hò reo nổi lên như sấm. Không thể ngờ đội Bạch Long năm nay lần thứ ba liên tiếp đoạt giải Nhất hạng mục thuyền bốn mái chèo. Giải Nhì thuộc về đội Hải Triều. Giải Ba thuộc về đội huyện Hàm Hoan.

Những chiếc thuyền đội Tam Long cuối cùng vừa cán đích cũng là lúc tiếng hò reo nổi lên như sấm. Từ khoảng hơn ba trăm thước, cùng lúc sáu chiếc Nhị Long dàn hàng ngang lướt sóng lao ầm ầm về đích không chiếc nào vượt hơn nổi nửa thân thuyền. Trên chòi chấm giải, các vị chủ khảo phải căng mắt nhắc nhở đám tráng đinh hãy tập trung tinh lực đánh dấu khoảnh khắc các thuyền cán đích. Đã lường từ trước có thể ba, bốn thuyền cùng lúc giật cờ chạm đích nên các kỳ lão đều đã có phương án cho giăng nhiều lá cờ để chấm cho công bằng. Tiếng mái chèo ăn nước phầm phập tung bọt trắng xóa. Đã có hai, ba chiếc vượt già nửa thân thuyền rồi lại đột ngột chúi xuống khiến những thuyền phía sau chớp thời cơ lướt phăng lên. Tiếng chiêng trống ầm ầm như đánh trận. Từng tràng pháo đại nổ đoành đoành, khói pháo mù mịt dọc hai bên bờ. Hăng nhất phải kể đến các tú nữ nhảy loi choi càng khiến không khí thêm phần náo hoạt. Dưới lòng đầm, ngay sát vạch đích, bóng những chiếc Nhị Long vun vút lao thẳng về phía trước. Tiếng loa đồng xướng tên từng đội ở tốp dẫn đầu càng khiến không khí sôi động. Cán đích rồi! Cán đích rồi! Hải Triều về nhất! Dã Năng về nhất! Xuân Lôi về nhất!

Trong tiếng hò reo tưởng đến vỡ trời. Bọt nước nổi trắng xóa. Sóng đánh sì soạp. Bóng những thuyền đua tản ra bơi lướt sát bờ đầm như muốn biểu diễn trước đám tú nữ đang phấn khích ném bừa những chiếc khăn tay cho các chàng trai mình trần vạm vỡ. Chưa năm nào có đến ba đội cùng chiếm ngôi cao với thời gian ngắn như vậy. Chiêu đưa các tú nữ ra nơi đầm nước cổ động đám trai đinh ở dưới thuyền quả là diệu kế. Đám trai tráng như được tăng thêm phần sinh lực đã đua nhau phá những kỷ lục mới.

Ngôi Nhất, Nhì, Ba vừa chốt xong, tiếng hò reo lại nổi lên ầm ầm. Đoàn thuyền Nhất Long dài rộng chẳng khác gì những chiến thuyền nhỏ mười tám mái chèo phăm phăm lao về đích. Những vầng sóng đuổi nhau đánh ầm ầm vào bờ khiến từng mảng đất yếu ven đầm sụt lở ùm ùm. Đây là lần đầu tiên hội đua thuyền sử dụng loại mười tám mái chèo tranh giải. Càng kinh ngạc hơn, các kỳ lão như không tin ở mắt mình khi thấy cùng lúc mười tám chiếc Nhất Long dàn hàng ngang thẳng tiến không chiếc nào nhường chiếc nào nửa tấc. Làm sao lại có thể như thế được? Từ nơi xuất phát tận cuối đầm tới vạch đích dài hơn mười dặm, thuyền nhẹ chèo nhanh cũng phải mất một canh giờ mới tới nơi ắt thừa thời gian để bứt tốp chia đội trước sau chứ không thể có chuyện tất cả cùng dàn hàng ngang bằng chằn chặn như thế được? Nếu chẳng may các thuyền đều về Nhất cả thì giải thưởng biết tính làm sao? Cơ mà khi treo thưởng đều không có lệ nào cấm các thuyền đều cán đích ngang nhau? Từ thượng cổ xưa nay cũng chưa có lệ ấy. Đã có một năm, ngày còn quốc chủ Lý Bí, trong hội đua thuyền đã trao liền ba giải Nhất, vua còn cho đó là điềm mừng. Nay chúng nhất loạt cùng tiến thế kia quả có sự khác thường.

Mười tám chiếc Nhất Long kết thành một khối băng băng lao về phía trước. Khi các bậc kỳ lão chấm giải còn há hốc mồm không tin ở mắt mình bỗng phía trước nhất loạt các thuyền gác chèo lên khoang cứ thế ép sát lại. Bọn tráng đinh các đội trên thuyền còn đưa tay nắm chặt lấy nhau mặc thuyền phăng phăng cán đích cùng lúc luôn mười tám chiếc.

Trên bờ, tiếng hò reo nổi lên như sấm. Ai nấy đều hét tên đội thuyền của mình đến khản đặc cả cổ. Chẳng hiểu từ đâu, khi các thuyền cán đích lập tức tản ra vung mái chèo lướt về phía đám người cổ vũ cũng là lúc vô vàn khăn lụa của hàng trăm tú nữ ném loạn xạ xuống mặt đầm. Mãi sau này mới biết, một vị thương nhân họ Lê trong thành Long Biên chuyên nghề buôn khăn lụa thấy không khí quá phấn khích đã lập tức sai gia nhân về tư dinh đem tới hơn năm ngàn chiếc phân phát cả cho đám tú nữ cổ động cuộc đua. Mặc nhiên, xen với ngợp trời xác pháo là trận mưa khăn đủ mọi màu sắc xuống các đội thuyền. Hàng trăm tráng đinh của ba đội Nhất Long, Nhị Long, Tam Long đã hòa lẫn vào nhau không còn phân biệt đâu là người Luy Lâu, Cổ Pháp, Hải Triều, Đô Lung, Cầm, Sam, Vường, Vực, Sầm, Tùng, Long, Hội, Tray, Triệu, Lạch, Diêm… cứ thế hò reo trong tiếng pháo, tiếng chiêng trống ầm ầm như một trận công thành.

Ngay giữa sân điện Vạn Thọ, trong tiết trời ấm sáng buổi đầu xuân, đích thân quốc chủ Nam Việt Đế bận long bào tươi tắn trang nghiêm chủ trì lễ trao thưởng. Khi được biết mười tám đội thuyền Nhất Long ai cũng muốn nhường giải Nhất bèn kết thành một khối tất thảy cùng cán đích, hoàng thượng mừng lắm lập tức cho người tới nhắc hội đồng kỳ lão hãy chấm đồng hạng mười tám giải Nhất. Đây quả là hội đua thuyền xưa nay chưa từng có ở Vạn Xuân.

Phùng Văn Khai

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202212/van-xuan-mo-hoi-dua-thuyen-8e42629/