Vàng vẫn còn cơ hội lập đỉnh mới

Giá vàng đã quay đầu giảm sau khi tăng mạnh vào tuần trước. Lạm phát tại Mỹ có thể không hạ nhiệt nhanh như kỳ vọng, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ giúp vàng trở lại mốc kỷ lục.

Tuần trước, giá vàng thế giới vọt lên gần 2.060 USD/ounce, tiến sát mốc kỷ lục rồi giảm về 2.016,3 USD/ounce. Nhưng theo giới quan sát, kim loại quý vẫn có thể lập đỉnh mới trong thời gian tới.

"Sau khi tiến tới sát ngưỡng kỷ lục, giá vàng quay đầu giảm vì báo cáo việc làm của Mỹ. Chúng đẩy lùi phần nào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp chính sách tiếp theo", ông Edward Moya - chuyên gia tài chính cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - nhận định với Zing.

"Động thái tiếp theo của Fed vẫn có thể là một đợt cắt giảm. Nhưng nếu những rủi ro của ngành ngân hàng đã giảm bớt, nền kinh tế đang chống chịu tốt, một số quan chức sẽ nghiêng về khả năng tiếp tục thắt chặt chính sách hơn nữa", ông nói thêm.

Biến động của giá vàng trong tuần trước. Ảnh: Trading Economics.

Biến động của giá vàng trong tuần trước. Ảnh: Trading Economics.

Lạm phát vẫn dai dẳng

Giá rất nhạy cảm với lãi suất. Lãi suất tăng cao khiến chi phí vốn và chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý tăng lên, từ đó khiến loại tài sản này trở nên kém hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.

Trong khi đó, để kìm hãm lạm phát, Fed buộc phải tăng lãi suất để hạ nhiệt thị trường việc làm và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy nước này đã bổ sung 253.000 việc làm trong tháng 4. Con số này lớn hơn nhiều dự báo của giới quan sát.

"Nói chung, thị trường việc làm của Mỹ đang ở trạng thái 'không thể cản phá'", CNN dẫn lời chuyên gia kinh tế Joseph Brusuelas của RSM bình luận. Ông cho rằng người ta không thể ngăn cản, mà chỉ hy vọng có thể kìm hãm được nó.

Hơn nữa, theo báo cáo việc làm, thu nhập trung bình của người lao động Mỹ đã tăng 0,16 USD/giờ, tương đương 0,5% lên 33,36 USD/giờ trong tháng 4. Đây là mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ tháng 3/2022.

So với một năm trước đó, thu nhập của người Mỹ vẫn tăng 4,4%. Chi phí lao động tăng cao có thể tạo thêm áp lực cho lạm phát, gây nên vòng xoáy lạm phát - tiền lương nguy hiểm.

"Đà tăng của vàng bị cản trở vì khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư đang gia tăng. Tuy nhiên, những trở ngại đó có thể không kéo dài lâu", ông Moya nhận định.

"Các nhà đầu tư có thể phải chờ đợi thêm, nhưng vàng vẫn đang ở một vị thế rất tốt để lập đỉnh mới", vị chuyên gia dự báo.

Vàng vẫn ở vị thế tốt

Theo ông, tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng vẫn chưa kết thúc. Các cơ quan quản lý Mỹ còn đang loay hoay và chưa có bất cứ kế hoạch cụ thể nào để giải quyết cuộc khủng hoảng của những ngân hàng khu vực nước này.

Nhu cầu vàng đã gia tăng đáng kể sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng lớn thứ 17 nước Mỹ. Vụ phá sản của SVB kéo theo một loạt rắc rối của ngành tài chính ngân hàng nước này. Các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang tích cực dự trữ vàng.

Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương đã mua vào tổng cộng 228 tấn vàng dự trữ trong 3 tháng đầu năm. Đây là mức cao nhất trong quý I kể từ năm 2000, dù đã sụt giảm so với những quý gần đây.

Nói với CNBC, bà Louise Street - chuyên gia phân tích thị trường tại WGC - cho rằng xu hướng này đã được kéo dài sang quý đầu tiên của năm 2023. Hồi năm ngoái, các ngân hàng trung ương mua vào lượng vàng lớn nhất trong vòng 11 năm.

Theo bà Street, vàng luôn đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa đầu tư và là kho lưu trữ giá trị dài hạn. Nhưng trong vòng 2 năm qua, tầm quan trọng của kim loại quý càng trở nên rõ ràng hơn nhờ vào "hiệu quả của loại tài sản này trong thời kỳ khủng hoảng".

Thảo My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vang-van-con-co-hoi-lap-dinh-moi-post1429198.html