Về nơi có 'nghị quyết xanh' (bài cuối)
Bài 1: Những nhọc nhằn không dễ kể tênBài 2: Ðồng thuận từ 'nghị quyết xanh'Bài 3: Hướng mở từ rừngBài cuối: Để rừng phát triển bền vững
ĐBP - Những cánh rừng trồng xanh tốt ngút ngàn mà Mường Ảng đang sở hữu là kết quả của sự chung sức đồng lòng, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cùng sự đồng thuận, tích cực tham gia của nhân dân. Tuy nhiên, để vùng nguyên liệu gỗ ấy được mở rộng và bền vững thì cần có giải pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập về chính sách trong trồng rừng...
Đồng chí Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy kiểm tra diện tích rừng trồng tại xã Mường Lạn.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng nhắc lại quan điểm, chủ trương đúng đắn thực hiện nhiệm vụ trồng rừng sản xuất đã được Huyện ủy chỉ ra tại Nghị quyết trồng rừng gần 3 năm trước đó. Khi xác định tổ chức thực hiện theo Nghị quyết số 30a của Thủ tướng Chính phủ về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Nghị định 75 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020. Bám vào chính sách, huyện nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện và công tác trồng rừng khá thuận lợi, ngày càng nhiều hộ dân đăng ký trồng rừng, nhiều người được nhận tiền hỗ trợ trồng rừng năm đầu, chăm sóc từ năm thứ 2 trở đi… Những tưởng cứ đà này chả mấy chốc rừng xanh bao la, phủ kín các nương bạc màu, đất trống đồi trọc thì tới đầu tháng 4/2018 chính sách của Nhà nước về hỗ trợ trồng rừng đột ngột thay đổi. Cụ thể, ngày 10/4/2018 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 387 quyết định về việc bãi bỏ Quyết định số 2621/QĐ - TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ - CP của Chính phủ. Và như vậy, chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất mà huyện đang thực hiện không còn. Trong khi đó, Nghị định 75 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 dù chỉ rất rõ hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi khi trồng rừng sẽ được hỗ trợ từ 5 - 10 triệu đồng/ha để mua cây giống, phân bón và chi phí một phần nhân công. Ngoài ra các gia đình nghèo tham gia trồng rừng thay thế nương còn được trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng trong thời gian chưa tự túc được lương thực (thời gian trợ cấp tối đa không quá 7 năm). Chính sách này hợp lòng người là thế nhưng trên thực tế từ năm 2015 cho đến nay huyện Mường Ảng không được phân bổ kinh phí trồng rừng sản xuất theo Nghị định 75 này. Trong khi là huyện nghèo, người dân trồng rừng đa phần là hộ nghèo và cận nghèo vì thế không đủ lực để đầu tư trồng rừng mà huyện cũng không cân đối được ngân sách để hỗ trợ người dân. Vì nhiều nguyên do ấy đến nay dù nhiều cánh rừng Mường Ảng đã lên xanh nhưng huyện vẫn đang… nợ người dân gần 4,8 tỷ tiền hỗ trợ trồng rừng năm 2018, 2019 và công chăm sóc những năm tiếp theo mà chưa biết xoay bằng cách nào? - Ông Nguyễn Hữu Hiệp thở dài.
Để tìm hiểu ngọn nguồn của những bất cập này, chúng tôi tìm gặp bà Mai Hương, Chi cục phó phụ trách Chi cục Lâm nghiệp - đơn vị tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình tỉnh kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng hàng năm. Bà Mai Hương thông tin, giai đoạn 2015 - 2020 tỉnh Điện Biên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ 42 tỷ đồng thực hiện khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, hỗ trợ trồng rừng, nhưng trong các hạng mục cụ thể lại không phân bổ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ trồng mới rừng sản xuất mà chỉ trồng rừng phòng hộ, khoanh nuôi tái sinh... Điều này dẫn đến người dân các địa phương muốn trồng rừng sản xuất nhưng cũng không có kinh phí để chi trả hỗ trợ; trong đó có huyện Mường Ảng.
Chủ rừng Lò Văn Thơi, bản Hồng Sọt, xã Búng Lao kiểm tra diện tích rừng sản xuất của gia đình.
Qua những lần đi thực tế, được tiếp xúc trực tiếp với người dân và tận mắt thấy cuộc sống của họ đổi thay từ khi thực hiện chủ trương trồng rừng thì mới thấy việc mong muốn tiếp tục được trồng rừng của bà con là chính đáng. Nghị quyết trồng rừng của Huyện ủy Mường Ảng không chỉ làm thay đổi cuộc sống của người dân mà thay đổi cả tư duy nhận thức của người dân về rừng. Tuy nhiên do còn những khó khăn trong cuộc sống, còn phải mưu sinh từng bữa ăn, cái mặc nên người dân chưa thể tự lực trồng rừng nếu như không có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Ông Lò Văn Khụt, bản Đắng (xã Mường Đăng) tâm sự với chúng tôi: Có mấy héc ta nương bạc màu phần lớn đã chuyển sang trồng rừng theo chủ trương của huyện, của xã cả rồi; số còn lại cũng vẫn muốn chuyển sang trồng để khi cây rừng cho khai thác để có được số tiền tương đối làm việc lớn. Trồng rừng là việc của dài lâu, 5 - 7 năm sau mới được khai thác, có thu nhập trong khi cuộc sống vẫn diễn ra hàng ngày, vẫn cần tiền để trang trải sinh hoạt mỗi ngày. Vì vậy dù rất muốn chuyển đất nương sang trồng rừng nhưng nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì không thể làm, không thể hoãn việc kiếm cơm để đi trồng rừng. - Ông Khụt nói.
Sau những ngày rong ruổi khắp những bản mường vùng sâu, vùng xa, chúng tôi nhận thấy không chỉ người dân Mường Ảng mà nhiều địa phương khác, như: Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà, Điện Biên Đông… đều có chung xu hướng muốn trồng rừng khi tài nguyên này ngày một cạn kiệt, đất nương bạc màu, khí hậu khắc nghiệt thì càng đáng quý. Tư duy ấy cực kỳ phù hợp với Mường Ảng nói riêng và với tỉnh ta nói chung khi nguồn lực đất đai dồi dào là tiềm năng, lợi thế để phát triển lâm nghiệp, nhất là phát triển rừng sản xuất thành vùng nguyên liệu. Khai thác được tiềm năng, lợi thế này của địa phương ngoài lấp đầy những khoảng trống, trả lại màu xanh cho rừng thì còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và tận dụng được triệt để nguồn lao động tại chỗ.
Việc cần làm để khai thác được những tiềm năng, thế mạnh này của Mường Ảng nói riêng và của toàn tỉnh nói chung là địa phương cần đề xuất với cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách để người dân được hỗ trợ trồng rừng sản xuất. Các địa phương trong tỉnh cần “bắt tay” liên kết trồng rừng để tạo vùng nguyên liệu đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm chứ không nên làm theo kiểu “đèn nhà ai nấy rạng” sẽ khó tạo vùng nguyên liệu bền vững. Cùng với các chính sách quan tâm của tỉnh về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản (tiền thuê đất, vốn hỗ trợ, vốn vay và chính sách thuế cho doanh nghiệp…) tin chắc rằng vùng rừng nguyên liệu ở Mường Ảng sẽ phát triển bền vững, nhiều địa phương khác cũng sẽ tiếp tục trồng để rừng xanh sinh sôi mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.