Về quê hương cách mạng Bản Lầm

Trong những ngày tháng 8 lịch sử, chúng tôi về xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu, nơi đội du kích Bản Lầm - Đội vũ trang đầu tiên của huyện Thuận Châu đã góp sức trong kháng chiến chống thực dân Pháp giành độc lập tự do cho dân tộc. Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bản Lầm luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương phát triển.

Trung tâm xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu. Ảnh: Ngọc Thuấn

Trung tâm xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu. Ảnh: Ngọc Thuấn

Mở cuốn lịch sử Đảng bộ xã, ông Cà Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầm, tự hào nói: Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, với vị trí gần Mường Chanh, huyện Mai Sơn - khu căn cứ cách mạng của tỉnh, nhân dân xã Bản Lầm sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1943, Bản Lầm có 3 thanh niên là Lường Văn Bốn, Cà Văn Sáng và Cà Văn Sam đi học chữ tại Chiềng Lề, ở trọ nhà ông Chu Văn Thịnh và được giác ngộ cách mạng. Tháng 10/1944, ba ông trở về xã, liên lạc với Hội Thanh niên cứu quốc và thành lập Đội du kích Bản Lầm, với 25 đội viên, do ông Lường Văn Bốn làm Đội trưởng. Được nhân dân ủng hộ, từ 25 đội viên ban đầu, Đội đã tăng lên 58 đội viên và mở rộng địa bàn hoạt động. Ngày 25/8/1945, Đội du kích Bản Lầm cùng Đội du kích Mường Chanh do đồng chí Cầm Vĩnh Tri làm Đội trưởng đã tiến về tỉnh lỵ Sơn La, cùng với đội tự vệ của tỉnh lỵ và các châu khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Với truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân trong xã Bản Lầm cũng như các xã trong vùng luôn nỗ lực vượt qua gian khó, đóng góp trong chặng đường phát triển của Thuận Châu. Và hôm nay mảnh đất này đã có nhiều đổi thay. Cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư xây dựng kiên cố, phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân. 100% tuyến đường xã được cứng hóa, đi lại thuận tiện quanh năm. 100% bản được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Các trường học được đầu tư, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ dạy và học. Xã duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm.

Ông Hà Văn Cường, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Lằm, cho biết: Ban quản lý bản đã vận động bà con góp công, vật liệu làm đường nội bản và 10 tuyến đường nội đồng, với tổng chiều dài 700m. Trong đó, bản trích hơn 100 triệu đồng từ tiền dịch vụ môi trường rừng để mua vật liệu, nhân dân đóng góp 500 công lao động. Các tuyến đường đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho bà con đi vào khu sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nông sản.

Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, ông Cà Văn Song, bản Hiềm, sinh ra và lớn lên tại xã Bản Lầm, nói: Khi đất nước thống nhất, đường vào xã Bản Lầm chỉ là đường mòn, bao quanh là khu vực rừng núi hiểm trở. Nay đường đến xã được mở rộng, nối với Mường Chanh, ra Muổi Nọi, sang Nậm Ty, huyện Sông Mã rất thuận tiện. Đường liên xã, liên bản, điện lưới, trạm y tế, trường học được đầu tư làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi thay.

Cà phê là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập cho nhân dân xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu.

Cà phê là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập cho nhân dân xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu.

Trong phát triển kinh tế, xã đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, cà phê là cây trồng chủ lực, với hơn 1.200 ha, sản lượng đạt gần 20.000 tấn quả tươi/năm. Bà con còn chăm sóc 150 ha cây ăn quả, sản lượng trên 600 tấn quả/năm. Chăn nuôi hơn 2.000 con gia súc và 15.000 con gia cầm. Xã đã triển khai kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi, giúp nhân dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất. Hiện nay, có trên 650 hộ dân được vay vốn, với tổng dư nợ là hơn 39 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bà con tích cực tham gia quản lý, bảo vệ tốt 2.951 ha rừng. Riêng năm 2024, các chủ rừng trong xã được chi trả trên 600 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, 30% nguồn kinh phí này được trích sử dụng vào phục vụ công tác bảo vệ và PCCCR, còn lại các bản họp dân thống nhất đầu tư xây dựng các công trình công cộng, phục vụ đời sống, sản xuất.

Gia đình anh Cà Văn Lún, bản Pùa là một trong những hộ có thu nhập khá từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Anh Lún chia sẻ: Gia đình tôi có 1 ha cây cà phê, mỗi năm thu hoạch gần 15 tấn quả, thu nhập hơn 180 triệu đồng. Ngoài ra, còn gieo cấy 0,5 ha lúa, nuôi 3 con trâu và hàng trăm con gia cầm. Thu nhập ổn định, gia đình tôi có điều kiện mua sắm đồ dùng phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

Nhân dân Bản Lầm còn luôn quan tâm chăm lo đời sống người có công với cách mạng, các hộ nghèo, hỗ trợ ngày công lao động, tặng quà vào các dịp lễ, tết. Riêng các hộ gia đình ở 4 cụm bản: Pùa, Hiềm, Lằm, Buống Khoang hằng năm đóng góp 50.000 đồng/hộ để hỗ trợ, tặng quà các gia đình chính sách nhân Ngày thương binh, liệt sĩ 27/7. Đồng thời, thực hiện tốt các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, duy trì hoạt động hiệu quả của 6 đội văn nghệ bản và 10 đội bóng đá nam, nữ. Hằng năm, tổ chức các cuộc thi, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống tạo không khí sôi nổi, vui tươi, nâng cao đời sống tinh thần người dân...

Bản Lầm vẫn còn đó những khó khăn, nhưng với truyền thống cách mạng, nhân dân trong xã tiếp tục đoàn kết, vững bước đi theo con đường mà Đảng và Bác kính yêu đã chọn, để có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Bài, ảnh: Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/ve-que-huong-cach-mang-ban-lam-UVLHZoCIR.html