Về thăm huyện Yên Thủy anh hùng

Nằm ở cửa ngõ lên Hòa Bình - Tây Bắc và xuống đồng bằng Liên khu 3, huyện Yên Thủy có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, núi rừng Yên Thủy đã trở thành công sự thiên nhiên vững chắc, che chắn, bảo vệ cho hàng vạn cán bộ, bộ đội, dân công. Những ngày tháng 4 lịch sử này, chúng tôi về thăm Yên Thủy. Ngồi dưới chân dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, qua câu chuyện của các cụ cao niên, tinh thần chống Mỹ sục sôi như dần sống dậy đầy nhiệt huyết.

Các hộ dân xã Ngọc Lương (Yên Thủy) thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, mở rộng diện tích trồng bưởi Diễn cho hiệu quả kinh tế cao.

Các hộ dân xã Ngọc Lương (Yên Thủy) thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, mở rộng diện tích trồng bưởi Diễn cho hiệu quả kinh tế cao.

Trên đỉnh núi cao vút kia là xác máy bay Mỹ. Nơi đây, ngày 17/5/1965 đã xảy ra một sự kiện lịch sử mà những người dân xã Phú Lai không giấu niềm tự hào mỗi khi nhớ lại. Theo lịch sử ghi chép lại, khoảng 9 giờ 30 phút ngày 17/5/1965 có 4 chiếc máy bay Mỹ bay đến trận địa xóm Tân, trong đó có 1 chiếc đã bị dân quân bắn cháy. Chiếc máy bay bị cháy đã đâm vào khu vực đỉnh núi Táy Nứa (thuộc dãy Trường Sơn). Theo quan sát của lực lượng dân quân, có một tên phi công đã nhảy dù ra khỏi máy bay. Trước tình hình đó, cụ Te đã tập hợp lực lượng dân quân và Nhân dân trong xã chia thành các mũi truy lùng. Cuộc truy lùng diễn ra từ khoảng 12 - 17 giờ thì bắt được tên phi công Nguyễn Nhật Chiêu. Khám xét trên người hắn có giấy giới thiệu, tư trang mang theo gồm 1 cái dù, 1 khẩu súng trong có 6 viên đạn, 1 chiếc thuyền phao và 1 con dao trinh sát. Lúc này, sức khỏe tên giặc lái rất yếu, đói lả, quần áo ướt và rách tả tơi. Với tinh thần nhân đạo, dân quân và Nhân dân trong xã không hề đánh đập. Tên phi công được giải về Ban Chỉ huy tác chiến của xã, cho ăn uống đầy đủ và mặc một bộ quần áo dân tộc của đàn ông Mường. Sau đó, Ban Chỉ huy tác chiến xã Phú Lai đã mời Ban Chỉ huy tác chiến huyện về nhận bàn giao tên lính dù. Những dân quân, Nhân dân trực tiếp tham gia truy bắt tên phi công Nguyễn Nhật Chiêu cũng được đón lên huyện mừng thắng lợi. Chiến công lịch sử này là nguồn động viên tinh thần rất lớn để nhân dân huyện Yên Thủy tập trung thi đua xây dựng CNXH và chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1964 - 1975.

Cùng với cả nước, Nhân dân Yên Thủy đã nhanh chóng khôi phục và phát triển sản xuất, góp phần cùng quân và dân miền Bắc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của giặc Mỹ (1969 - 1972), xây dựng hậu phương, chi viện cho tiền tuyến lớn góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1973 - 1975). Trong kháng chiến chống Mỹ, Nhân dân Yên Thủy đã đóng góp cho chiến trường 3.800 tấn lương thực, 1.100 tấn thực phẩm, gần 700 tấn đậu tương, 400 tấn lạc và gần 600 tấn thuốc lá đối lưu. Đào đắp trên 18.000 hầm, hố cá nhân, hơn 80.000m giao thông hào phòng tránh máy bay, huy động hơn 634.000 ngày công phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Từ năm 1954 - 1975, Yên Thủy đã hoàn thành xuất sắc 26 đợt tuyển quân với 1.718 người con ưu tú của quê hương lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến đấu, góp phần vào thắng lợi chung của đất nước.

Hòa bình lập lại, phát huy truyền thống bất khuất, anh hùng, Nhân dân Yên Thủy nhanh chóng bắt tay vào khôi phục quê hương, thi đua lao động sản xuất, chăm lo sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế. Cán bộ và nhân dân Yên Thủy đã đạt được nhiều thành tích đáng phấn khởi trên tất cả các lĩnh vực.

Hiện nay, kinh tế Yên Thủy đạt mức tăng trưởng khá; văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Đồng chí Bùi Văn Trường, Bí thư Huyện ủy cho biết: Phát huy truyền thống anh hùng thời chiến, Nhân dân Yên Thủy đã có nhiều nỗ lực để phát triển KT – XH, xây dựng quê hương giàu đẹp trong thời bình. Với quyết tâm tiếp tục vượt lên khó khăn, đưa KT-XH phát triển, huyện đặt mục tiêu đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. Hiện, huyện tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững; tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Đến cuối năm 2022, huyện phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất đạt 13,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 127,5 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 20%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%/năm.

Dương Liễu

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/165466/ve-tham-huyen-yen-thuy-anh-hung.htm