Vẽ tranh đường phố: Chỉ đẹp khi đúng chỗ

Tranh vẽ, ký tự lạ đang có mặt ở khắp nơi trên đường phố tại TPHCM. Nhiều tranh vẽ phong cảnh quê hương, đất nước hữu tình, danh lam thắng cảnh… tô điểm thêm sắc màu tuyến đường, khu phố. Tuy nhiên, đây đó lại có không ít hoa văn, ký hiệu, hình minh họa… nguệch ngoạc, gai góc, khó hiểu đã làm xấu bộ mặt thành phố. Giải pháp để phòng chống những hình ảnh lệch lạc đó đang được các địa phương tích cực thực hiện, nhưng kết quả chưa như mong muốn.

Hầm chui cầu Thị Nghè 2 bị các “nghệ sĩ” đường phố vẽ bậy

Hầm chui cầu Thị Nghè 2 bị các “nghệ sĩ” đường phố vẽ bậy

Làm đẹp không gian

Sau thời gian bị chìm xuống, gần đây lối vẽ Graffiti lại “nóng” lên khi một số hình vẽ gây khó chịu xuất hiện khắp nơi trong thành phố. Không chỉ ở các bức tường trống mà trên các trụ điện, hộp điện đầy rẫy hình ảnh xốn mắt. Rõ ràng, khoảng cách giữa “bôi bẩn” và nghệ thuật là rất mong manh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại hình Graffiti, Street Art và Mural có sự khác nhau khá cơ bản. Graffiti tạo ra để thể hiện thái độ thách thức của con người thông qua các nhân vật, hình ảnh. Nó thực hiện mà không có sự cho phép, được viết theo nhiều dòng đơn lẻ với các ký tự theo kiểu bong bóng, thường có một màu đơn sắc và các màu khác làm nền. Mural là một hình thức nghệ thuật được vẽ lên tường, kính… Tác phẩm Mural kết hợp hài hòa các yếu tố kiến trúc của không gian vào bức tranh. Street Art được tạo tác tại các địa điểm công cộng. Các nghệ sĩ tạo ra Street Art như một tuyên ngôn, mong muốn mọi người xem qua và bị thu hút bởi tác phẩm của mình.

Các loại hình nghệ thuật nêu trên hình thành và phát triển ở phương Tây, tuy du nhập vào Việt Nam khá muộn nhưng cũng phát triển và sáng tạo không kém. Tại TPHCM, người đi đường lâu lâu lại bắt gặp một nhóm thanh niên đang cặm cụi vẽ tranh tường. Các năm qua, các bạn trẻ tham gia chiến dịch Mùa hè xanh cũng tổ chức vẽ tranh tường trong các hẻm nhỏ hay trên vách tường trường học. Các bức tranh trong hẻm dù chưa sắc sảo lắm, nhưng đã góp phần không nhỏ điểm tô sắc màu cho khu phố.

Người đi đường không khó nhận ra các bức tranh kéo dài hàng chục mét trên các tường rào trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Thị Minh Khai… Đó là các bức tranh đầy màu sắc tươi vui, thể hiện núi sông, đất nước thanh bình, địa danh, di tích lịch sử… Cô Nguyễn Tuyết Anh (nhà ở phường 1, quận Gò Vấp) bày tỏ: “Đi đường mà gặp các bức tranh trên tường tươi tắn như vậy, thấy lòng tự nhiên thanh thản. Trời nắng nóng mà đi cặp theo bức tranh vẽ núi non, sông nước, mình cảm thấy mát mẻ và không vội vã. Xin cảm ơn những người đã sáng tạo và thể hiện những bức tranh tô điểm thêm nét đẹp của thành phố!”.

Tết Giáp Thìn vừa qua, các địa phương đều tích cực hưởng ứng chương trình “Không gian văn hóa”. Các góc đường, khoảng trống đẹp nhất ở các phường, xã được giăng mắc đèn lồng, trưng bày hoa, quả và nhiều địa phương đã tổ chức vẽ tranh tường. Ngày tết đã qua, nhưng những “Không gian văn hóa” đó vẫn lưu giữ những tranh tường rất ấn tượng.

Bôi bẩn đường phố

Tại thời điểm này, tranh vẽ trên tường đã tràn lan ở mọi nẻo đường. Các “họa sĩ” không từ bỏ một vị trí, địa điểm nào. Từ thành cầu, hầm chui, vách tường, cửa hiệu cho đến bốt điện, cột đèn. Đặc biệt là các tuyến đường trung tâm TPHCM như Lê Lợi, Hàm Nghi, Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Công Trứ… Những khối chữ nguệch ngoạc, ký hiệu, hoa văn gai góc to lớn chiếm hết cả cửa nhà, vách tường khiến cho bộ mặt thành phố bị lấm lem tệ hại.

Ông Nguyễn Toàn (buôn bán văn phòng phẩm trên đường Lê Lợi) cho biết: “Phần đông các cửa trên tuyến đường này là cửa cuốn. Ban ngày buôn bán thì kéo lên, ban đêm lại kéo xuống. Bọn xấu đã vẽ trên các cửa cuốn đó. Như cửa hàng của tôi, sau một đêm là có các hoa văn, ký hiệu gì đó rất to. Do ban ngày mình cuốn cửa lên, nên tôi chưa có ý định bôi xóa”.

Kế bên cửa hàng của ông Toàn là bức tường nhỏ chưa đầy một mét cũng chằng chịt chữ viết, hoa văn, ký hiệu. Phần đông các cửa của cửa hàng trên đường Lê Lợi sơn màu tươi sáng, phù hợp với mặt hàng mà mình kinh doanh. Kẻ xấu dùng sơn xịt phun những màu tối, như đen, tím, đỏ… Do vậy, nếu muốn khôi phục lại màu gốc, chủ cửa hàng phải tốn rất nhiều kinh phí để xóa các hình sơn đó, rồi sơn lại.

Cách đây không lâu, cầu thang bộ lên cầu Ba Son bị kẻ xấu bôi bẩn. Cơ quan chức năng đã dùng dung môi để tẩy xóa. Tuy nhiên, đến nay các “họa sĩ” đường phố đã quay trở lại tô vẽ một số ký tự phức tạp. Cách đó không xa, con đường Nguyễn Hữu Cảnh với các công trình cao ốc đang xây dựng cũng bị bôi bẩn vô tội vạ. Mặc dù chủ đầu tư đã dán bảng “Vì mỹ quan thành phố, xin đừng viết vẽ lên tường”, nhưng kẻ xấu vẫn ngang nhiên “ịn” một hình thù quái dị màu đen thùi lùi kề bên.

Ông Nguyễn Thanh Bình (ngụ phường 19, quận Bình Thạnh) bức xúc: “Một bức vẽ trên tường to lớn như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian. Nhưng không biết sao bọn chúng lại thực hiện được hành vi bôi bẩn như vậy. Thậm chí, thành hầm chui cầu Thủ Thiêm rất cao, không biết bọn chúng leo lên đó vẽ bằng cách nào?”. Lực lượng công an, bảo vệ dân phố tuần tra ban đêm, vì sao không phát hiện được? Và các camera trên các tuyến đường, nhà dân hình như cũng chưa phát huy hiệu quả!

ĐOÀN HIỆP

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ve-tranh-duong-pho-chi-dep-khi-dung-cho-post742858.html