Về xã đo nồng độ cồn, ngăn TNGT tại các tỉnh Tây Nguyên
Từ khi có Nghị định 100, việc kiểm tra, xử lý vi phạm được lực lượng chức năng ở Tây Nguyên thực hiện rốt ráo giúp kéo giảm TNGT.
Nhiều vùng quê ở Tây Nguyên trước đây vốn là điểm nóng gia tăng TNGT nhưng từ khi có Nghị định 100, việc kiểm tra, xử lý vi phạm được lực lượng chức năng thực hiện rốt ráo giúp kéo giảm TNGT.
Đưa CSGT về xã xử lý vi phạm, TNGT giảm mạnh
Một ngày giữa tháng 1/2020, PV Báo Giao thông theo chân tổ công tác của Đội CSGT TP Đà Lạt phối hợp với Công an xã Tà Nung tổ chức kiểm tra nồng độ cồn trên tỉnh lộ 725, đoạn qua Trung tâm xã Tà Nung. Chỉ 30 phút, hơn 10 trường hợp được tổ công tác yêu cầu kiểm tra và có 1 trường hợp điều khiển xe mô tô bị lập biên bản vì vi phạm nồng độ cồn.
Ông Phạm Văn Đ. (SN 1974, ngụ huyện Lâm Hà) điều khiển xe mô tô BKS 49D1-003.18 vi phạm nồng độ cồn mức 0,576 miligam/1 lít khí thở. Khi tổ công tác yêu cầu đến khu vực lập biên bản, ông Đ. không chấp hành, liên tục bám theo CSGT, nói: “Tôi đi đám tang ở Đà Lạt về, lâu ngày gặp bạn, hai anh em mỗi người uống nửa lon bia”. Cầm biên bản trên tay, ông Đ. bảo đây là bài học nhớ đời và sẽ về tuyên truyền cho con cháu để không mắc phải nữa.
Tương tự, tại Đắk Lắk, công an các huyện lập hẳn chuyên đề tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm tại khu vực nông thôn, đường tỉnh, đường huyện. Từ ngày 15/12/2019 - 15/2/2020, lực lượng CSGT Đắk Lắk đã phát hiện, lập biên bản 15.433 trường hợp. Riêng công tác đo nồng độ cồn, đã phát hiện lập biên bản 1.317 trường hợp, tước GPLX 1.054 trường hợp, phạt tiền ước tính lên tới 5,07 tỷ đồng. Trong thời gian này, toàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra 49 vụ TNGT, làm chết 42 người, bị thương 27 người. So với cùng kỳ năm 2019 giảm 33 vụ, giảm 7 người chết, giảm 38 người bị thương.
Hạ nhiệt điểm nóng TNGT ở Gia Lai
“
Theo Công an tỉnh Lâm Đồng, trong tháng 1/2020, cùng với TP Hà Nội và tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng được biểu dương làm tốt công tác xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Đặc biệt, lực lượng CSGT phối hợp với TTGT và lực lượng chức năng của quân đội triển khai đồng bộ đến các huyện và về tận các xã để kiểm tra, xử lý vi phạm, góp phần kéo giảm TNGT.
Trong tháng 1/2020, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ TNGT, làm chết 7 người, bị thương 12 người. So với cùng kỳ năm 2019, giảm 2 vụ TNGT, giảm 7 người chết, tăng 4 người bị thương.
”
Trong khi 2 tỉnh bạn TNGT đều giảm thì tại huyện Chư Sê của tỉnh Gia Lai, TNGT lại có dấu hiệu tăng nóng. Theo Ban ATGT tỉnh này, tính từ thời điểm Tết Nguyên đán đến nửa đầu tháng Giêng, tại huyện Chư Sê đã xảy ra 3 vụ tai nạn có số người chết từ 2 người trở lên.
Đơn cử, ngày 9/2, tại Km 168+800 QL25, đoạn qua làng Tnung, xã Hbông, huyện Chư Sê, anh Rah Lan Nhon (SN 2003) điều khiển xe mô tô (không BKS) chở sau 3 người đã đâm vào một xe mô tô không BKS do Kpuih Vơi (SN 2003) điều khiển, chở sau 1 người. Hậu quả làm 2 người tử vong tại chỗ, 2 người bị thương nặng được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Trước đó, khoảng 20h ngày 29/1, tại Km 1638+580 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua thôn An Điền, xã Ia Blang), xe khách BKS 81B-015.21 của nhà xe Thuận Tiến tuyến Gia Lai - TP HCM va chạm với xe máy BKS 81E1-082.28 do Rơ Lan Thuận (SN 2002) điều khiển chở theo 2 cô gái là Rơmah H’Oai (SN 2003) và Siu H’Yếu (SN 2003). Hậu quả, cả 3 người đi trên xe mô tô tử vong tại chỗ.
Hay như ngày 30 Tết (24/1) tại đường liên xã thuộc địa phận thôn 1, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê cũng xảy ra một vụ TNGT nghiêm trọng khiến 2 người chết và 1 người bị thương nặng.
Theo Ban ATGT tỉnh Gia Lai, tình trạng người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng ven đô thị, vùng sâu, vùng xa sử dụng phương tiện và vi phạm giao thông diễn biến phức tạp, phổ biến là hành vi đi xe mô tô không đội MBH, không có GPLX, sử dụng mô tô, xe gắn máy cũ không bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật; nhiều trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô; Đã uống rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông; đua, kéo xe, lạng lách, đánh võng…
Ông Lê Văn Hạnh, Phó giám đốc phụ trách Sở GTVT, Phó ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết, để ngăn chặn các vi phạm có thể là nguy cơ dẫn đến TNGT, từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, Ban ATGT tỉnh tiếp tục có nhiều văn bản chỉ đạo ngành chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện không có GPLX hoặc chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Gia Lai đã nhắc nhở, phê bình đối với người đứng đầu địa phương để xảy ra TNGT liên quan đến người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. Điều này góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các địa phương đối với mục tiêu kéo giảm TNGT trên địa bàn mình.
Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/ve-xa-do-nong-do-con-ngan-tngt-tai-cac-tinh-tay-nguyen-d453343.html