Vì đâu tăng trưởng xanh 'đói' vốn?
Theo chuyên gia, rủi ro cắt giảm sản lượng theo hợp đồng mua bán điện đang gây khó khăn cho các tổ chức tài chính quốc tế trong hỗ trợ dự án xanh hiệu quả.
Phát triển xanh – xu hướng không thể tránh khỏi
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng mới đây đánh giá những chính sách nhằm chống biến đổi khí hậu, và phục hồi thiên nhiên đang là quan tâm và ưu tiên trong mọi chính sách của các quốc gia trên thế giới, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức lớn, đe dọa tính mạng hàng chục triệu người và tài sản.
Phát triển xanh, tăng trưởng bền vững, giảm dần sử dụng các nguyên liệu hóa thạch, và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế đang là xu thế và hướng đi của nhiều nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển, để ứng phó có hiệu quả với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Tại “Hội nghị thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững” mới đây, bà Hồng nhấn mạnh là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam, và quyết tâm đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, qua đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác, tạo đà thuận lợi để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ngay sau COP26, Ban Chỉ đạo quốc gia về triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được thành lập với sự tham gia của nhiều bộ, ngành cùng với các chương trình, nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, khẳng định quyết tâm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Yếu tố quyết định quá trình chuyển đổi
Bà Michele Wee, Chủ tịch Nhóm công tác ngân hàng (BWG), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), đánh giá để đạt được các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững, tài chính là yếu tố tố cốt lõi quyết định quá trình chuyển đổi.
Theo đó, sự hỗ trợ của Chính phủ cần được củng cố bằng sự tham gia và các hành động thiết thực của khu vực tư nhân trong nước, và thông qua các nguồn tài chính từ khu vực công và tư nhân.
Chuyên gia ngân hàng mách nước cách tăng tài chính xanh
Chủ tịch BWG cho rằng, tăng trưởng xanh đòi hỏi sự thay đổi đáng kể trong đầu tư, trong khi đó việc phát hiện và tiếp cận các nguồn tài trợ biến đổi khí hậu mới, cũng như lồng ghép vấn đề môi trường và khí hậu vào các chiến lược tài chính doanh nghiệp vẫn còn là các thách thức lớn đối với các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức.
Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là sứ mệnh quan trọng hướng tới phát triển bền vững, và cần có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Theo Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tín dụng xanh cho các dự án có mục tiêu rõ ràng về bảo vệ môi trường, khuyến khích các hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường.
Với định hướng và lộ trình này của NHNN và sự nỗ lực không ngừng của các tổ chức tín dụng, tín dụng xanh đang có những bước phát triển tích cực và ngày càng được quan tâm, với hạn mức đầu tư tăng lên từng ngày.
Khơi thông dòng vốn
Tại hội nghị, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans nhấn mạnh chuyển đổi năng lượng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức.
Theo ông, có hai vấn đề cần xem xét để có thể khơi thông nguồn vốn quốc tế dành cho năng lượng tái tạo.
Thứ nhất, rủi ro cắt giảm sản lượng theo hợp đồng mua bán điện (PPA) hiện nay gây khó khăn cho các tổ chức tài chính quốc tế trong việc đưa ra những giải pháp tài trợ dự án hiệu quả.
Theo đó, rủi ro Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể không thu mua nguồn điện từ các dự án năng lượng tái tạo gây ra những bất ổn đối với dòng tiền của các dự án.
Ông Tim Evans cho rằng, vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách kết hợp các giải pháp, bao gồm nhưng không giới hạn ở cơ chế “nhận điện hoặc trả tiền” (take or pay) được đưa vào trong PPA, đồng thời có thời gian gián đoạn tối đa trong giai đoạn mua điện.
Ví dụ tại Malaysia, Tenega –công ty điện lực có vai trò tương tự như EVN của Việt Nam, có thể có thời gian ngừng hoạt động lưới điện tối đa là 168 giờ mỗi năm. Khi vượt quá ngưỡng này, họ sẽ vẫn phải trả tiền cho các nhà máy điện.
“Quy định này sẽ thiết lập biện pháp bảo vệ cơ bản cho các nhà phát triển điện và những tổ chức cho vay xét từ quan điểm sản lượng/doanh thu”, ông phân tích.
Thứ hai, trái phiếu xanh Chính phủ sẽ thiết lập một tiêu chuẩn cho khối tư nhân khi tiếp cận với các thị trường vốn quốc tế, cụ thể là về chuyển đổi năng lượng.
Vị tổng giám đốc HSBC lưu ý và nhấn mạnh rằng, chuyển đổi năng lượng là yếu tố rất quan trọng trên hành trình tiến đến cân bằng phát thải, nhưng không phải là tất cả, và còn những lĩnh vực khác cũng cần tập trung nhằm khuyến khích nhiều tín dụng xanh hơn.
Theo đó, cũng cần xem xét lộ trình chuyển đổi của các lĩnh vực có phát thải carbon cao, như giao thông, nông nghiệp, sản xuất, xây dựng…
Không chỉ vậy, kinh tế tuần hoàn là chủ đề quan trọng, nhưng nhiều doanh nghiệp đang đối mặt các thách thức khi triển khai. Điều này là do thiếu vắng những hướng dẫn và quy định rõ ràng trong việc kiểm soát lượng khí thải, cũng như định nghĩa thế nào là “xanh” trong từng lĩnh vực cụ thể.
Ngoài ra, công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) cũng là một mô hình thú vị, cho phép các công ty có thể thuê một đơn vị thứ ba đứng ra đầu tư vào nguồn điện và các thiết bị/cơ sở vật chất về điện để cải thiện hiệu quả sử dụng điện của các tòa nhà hay văn phòng của họ.
Dù nhu cầu đối với dịch vụ này cũng đáng kể, mô hình này cũng đối mặt với những thử thách như thiếu các hướng dẫn về quy định và thông số kỹ thuật để xây dựng các tình huống kinh doanh và quy mô phù hợp với yêu cầu của ngân hàng.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/vi-dau-tang-truong-xanh-doi-von-1660721618053.htm