Vi phạm, lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt: Chính quyền sở tại không vào cuộc

Vi phạm, lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt đang diễn ra nhức nhối tại hầu khắp các địa phương. Một trong những nguyên nhân chính là sự vào cuộc thờ ơ, thậm chí có phần thiếu trách nhiệm của chính quyền sở tại.

Ông Phạm Nguyễn Chiến - Trưởng Ban An ninh, an toàn giao thông đường sắt (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam)

Ông Phạm Nguyễn Chiến - Trưởng Ban An ninh, an toàn giao thông đường sắt (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam)

Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô về thực trạng này, ông Phạm Nguyễn Chiến - Trưởng Ban An ninh, an toàn giao thông đường sắt (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) cho biết: Thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, đến thời điểm hiện tại, mạng lưới đường sắt đang tồn tại đến gần 18.000 trường hợp vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Trong đó, vi phạm kết cấu là hơn 11.500 trường hợp, vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu là hơn 6.200 trường hợp.

Riêng trên địa bàn Hà Nội, vi phạm về phạm vi kết cấu là 875 trường hợp, còn vi phạm công trình thông tin tín hiệu là 207 trường hợp. Một số địa phương có các trường hợp vi phạm cao như Yên Bái (563 trường hợp), Bắc Ninh (593 trường hợp), Bắc Giang (664 trường hợp), Lạng Sơn (544 trường hợp), Quảng Ninh (892 trường hợp), Bình Định (736 trường hợp), Phú Yên (801 trường hợp), Khánh Hòa (1.236 trường hợp)…

- Phóng viên: Thưa ông, nhìn số lượng các vụ vi phạm hành lang ATGT đường sắt quá lớn như vậy, phải chăng do chúng ta đã không phát hiện được kịp thời?

- Ông Phạm Nguyễn Chiến: Mọi vi phạm đường sắt phát sinh đều được phía ngành đường sắt ghi nhận kịp thời. Bởi với mỗi cung đường hàng ngày đều có 6 lượt công nhân đi tuần đường. Khi phát hiện có vi phạm mới thì trước tiên họ sẽ có trách nhiệm ngăn ngừa bước đầu, vận động chủ vi phạm, sau đó thông báo cho chính quyền địa phương là UBND cấp xã, phường, đội Thanh tra đường sắt khu vực của Cục Đường sắt Việt Nam.

- Tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường sắt đang rất nhức nhối, theo ông có thể xử lý được triệt để, trả lại hành lang an toàn cho chạy tàu?

- Đối với những vi phạm cũ thì cần thời gian để xử lý, bởi có những vi phạm thuộc về lịch sử, quá trình cấp đất ở tại địa phương. Nhưng với vi phạm mới thì hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Vấn đề là chính quyền sở tại có muốn vào cuộc, xử lý triệt để hay không mà thôi. Thẩm quyền của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng như các công ty đường sắt rất có hạn, chỉ dừng lại ở mức phát hiện, ngăn ngừa ban đầu và thông báo cho chính quyền sở tại, cơ quan quản lý Nhà nước như thanh tra đường sắt khu vực. Đây mới là các lực lượng có thẩm quyền xử phạt và ngăn chặn triệt để. Tôi cho rằng, nếu quyết tâm là ngăn chặn được các vi phạm mới.

- Ông nhìn nhận như thế nào về sự phối hợp giữa Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc xử lý, ngăn ngừa vi phạm hành lang ATGT đường sắt?

- Khi có vi phạm phát sinh chúng tôi đều xử lý theo đúng quy định, tức là ngăn ngừa ban đầu không được thì ngay lập tức thông báo cho chính quyền địa phương. Nhưng có những vụ việc, bên đường sắt có đến vài ba văn bản gửi cho chính quyền địa phương nhưng không hề chuyển biến và không nhận được sự vào cuộc. Ví dụ vi phạm đang tồn tại ở Km18-19 tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển thuộc địa bàn phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ông Trần Hữu Thạo ở tổ 3, Miêu Nha, phường Tây Mỗ đã tự ý đổ đất san nền, rào chắn bằng lưới B40 trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt.

Từ tháng 2-2019, Công ty CP Đường sắt Hà Thái đã lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ vi phạm, nhưng ông Thạo không chấp hành. Từ đó đến nay, Công ty CP Đường sắt Hà Thái đã lập 3 biên bản vi phạm, đồng thời liên tục có công văn gửi UBND phường Tây Mỗ vào cuộc, chủ trì để xử lý, nhưng không nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Đến nay, ông Thạo vẫn ngang nhiên lấn chiếm hàng trăm m2 hành lang ATGT đường sắt.

Hay như Khu đô thị Phú Lương, quận Hà Đông, Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Việt đã ngang nhiên quây lưới rào hàng chục nghìn m2 đất hành lang ATGT đường sắt. Dù sự việc đã mười mươi, Công ty CP Đường sắt Hà Thái và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị, nhưng UBND quận Hà Đông vẫn im lặng, không vào cuộc. Các vụ vi phạm hành lang ATGT đường sắt đều được phía đường sắt có văn bản, hồ sơ rõ ràng, việc xử lý rất đơn giản, nhưng chính quyền sở tại không giải quyết thì chúng tôi cũng không biết phải trông vào đâu nữa.

- Khu đường tàu Trần Phú - Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, người dân buôn bán cà phê, trà đá ngay trên đường tàu, khách đến cũng rất nhộn nhịp như một điểm du lịch. Liệu ngành đường sắt đã phối hợp để xử lý tình trạng này?

- Địa điểm này được phía Công ty CP Đường sắt Hà Thái và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp rất chặt chẽ và tích cực với chính quyền sở tại để xử lý. Chúng tôi đã vận động, thuyết phục và nhắc nhở người dân không được buôn bán trên đường tàu. Thậm chí đã cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng thường trực để nhắc nhở. Theo đó, tình trạng vi phạm bán hàng cũng đã giảm, nhưng để triệt để thì cũng khó, vì không thể bố trí lực lượng 24/24h để giám sát được. Tuy nhiên, nếu phát hiện người dân 2 bên đường tổ chức bán hàng, cà phê trên đường tàu thì từ UBND phường hay thanh tra đường sắt đều có thể tiến hành xử phạt theo quy định.

Ngân Tuyền (Thực hiện)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/oto-xe-may/vi-pham-lan-chiem-hanh-lang-atgt-duong-sat-chinh-quyen-so-tai-khong-vao-cuoc/827034.antd