Vì sao Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần?

Việc áp dụng chu kỳ điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần cũng phù hợp với chu kỳ họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá là mỗi quý/lần, giúp việc điều hành giá điện linh hoạt, hiệu quả hơn với tình hình kinh tế vĩ mô ở từng giai đoạn.

Mới đây, Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Thủ tướng về dự thảo sửa đổi Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất có thể điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần.

Theo Bộ Công Thương, nhằm giảm thiểu tác động tới kinh tế vĩ mô và khách hàng sử dụng điện, cần xem xét tới việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện.

 Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần. (Ảnh: DM)

Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần. (Ảnh: DM)

Việc này để vừa đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cũng như dần đưa giá điện thích ứng với sự biến động của các thông số đầu vào.

Do vậy, dự thảo rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu từ 6 tháng xuống 3 tháng. Việc áp dụng chu kỳ điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần cũng phù hợp với chu kỳ họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá là mỗi quý/lần, giúp việc điều hành giá điện linh hoạt, hiệu quả hơn với tình hình kinh tế vĩ mô ở từng giai đoạn.

Liên quan tới đề xuất này, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, do cơ cấu chi phí phát điện chiếm tỷ trọng lớn (82,8%), cơ cấu sản lượng thay đổi theo hướng bất lợi (các nguồn mua có giá rẻ giảm, nguồn mua có giá đắt tăng), giá các loại nhiên liệu năm 2023 vẫn ở mức cao so với năm 2020-2021, dẫn tới chi phí sản xuất và mua điện vẫn tăng cao.

Với một số yếu tố đầu vào cơ bản ảnh hưởng giá thành như ở trên cũng như các biện pháp tiết kiệm chi phí đã được thực hiện, thì giá thành sản xuất điện năm 2023 được ước tính khoảng 2098 đồng/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh.

Cục Điều tiết Điện lực cũng nhấn mạnh, mặc dù giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh tăng 3% từ ngày 4/5/2023, doanh thu của EVN năm 2023 tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng, tuy nhiên điều này cũng chỉ giải quyết được một phần khó khăn về tài chính và EVN vẫn phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính.

Trong khi đó, EVN cho biết, giá nhiên liệu các tháng vừa qua của năm 2023 mặc dù có giảm so với năm 2022, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với giai đoạn các năm 2020-2021.

 Việc áp dụng chu kỳ điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần cũng phù hợp với chu kỳ họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá. (Ảnh: EVN)

Việc áp dụng chu kỳ điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần cũng phù hợp với chu kỳ họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá. (Ảnh: EVN)

Cụ thể, giá than nhập gbNewC tăng 2,97 lần so với năm 2020, tăng 1,30 lần so với năm 2021; giá dầu HSFO tăng 1,86 lần so với năm 2020 và tăng 1,13 lần so với năm 2021.

Các nhà máy phát điện tại Việt Nam vẫn sử dụng các nhiên liệu nhập khẩu với giá thành cao như than nhập khẩu, than pha trộn, giá khí, giá dầu...

Ước tính cả năm 2023, giá than nhập khẩu NewC Index tăng khoảng 186% so với 2020 và 25% so với năm 2021.

Than phan trộn của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam năm 2023 có giá bình quân tăng từ 29,6% đến 46,0% (tùy từng chủng loại than) so với giá than áp dụng năm 2021.

Giá than pha trộn bình quân của Tổng công ty Đông Bắc tăng từ 40,6% đến 49,8% (tùy từng chủng loại than) so với giá than áp dụng năm 2021.

Giá dầu thô Brent dự kiến tăng 86% so với giá dầu thô Brent bình quân năm 2020 và tăng 13% so với năm 2021.

Bên cạnh giá nhiên liệu tăng, tỷ giá ngoại tệ cũng tăng mạnh, bình quân năm 2023 dự kiến tăng 4% so với năm 2021.

Do giá nhiên liệu tăng cao, làm cho giá thành các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí tăng rất cao - trong khi các nhà máy nhiệt điện than và khí chiếm tỷ trọng sản lượng điện phát lên tới 55% (năm 2023) tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống.

Tuy giá than nhập tính toán trong phương thức vận hành tháng 10/2023 có giảm so với số liệu sử dụng trong tính toán phương thức vận hành tháng 3/2023 (giá dầu tăng) nhưng việc phải tăng cường huy động các nguồn nhiệt điện có giá mua cao để bù đắp sản lượng thiếu hụt của nguồn thủy điện do không đủ nước theo kế hoạch dẫn đến chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN cập nhật quý 3 năm 2023 tiếp tục tăng cao.

Ngoài ra, có nhiều nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp được đưa vào vận hành từ tháng 6 năm 2023 (tổng số là 21 nhà máy với tổng công suất 1.201,42MW) nên sản lượng điện của các nhà máy điện năng lượng tái tạo trong phương án giá bán lẻ điện bình quân cập nhật quý 3 cũng tăng so với phương án giá điện cơ sở (phương án điều chỉnh giá điện ngày 4 tháng 5 năm 2023).

Tính đến thời điểm này, trong cơ cấu giá thành sản xuất điện, giá thành khâu phát điện chiếm tỷ trọng tới 82,8% giá thành nên những biến động của giá thành khâu phát điện sẽ ảnh hướng rất lớn đến giá thành sản xuất điện.

Trước thực trạng này, các chuyên gia kinh tế-năng lượng đều khẳng định cơ chế giá điện hiện hành còn nhiều bất cập, chưa phản ánh đúng nguyên tắc thị trường, gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

Do đó cần sớm sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành điện cũng như đảm bảo an ninh cung cấp điện trong thời gian sắp tới.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-sao-bo-cong-thuong-de-xuat-dieu-chinh-gia-dien-3-thang-lan-post271297.html