Vì sao cầu vượt đường sắt ở Yên Bái chưa thể thông tuyến?

Năm 2022, dự án cầu vượt đường sắt được khởi công tại xã An Bình, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái và dự kiến hoàn thiện vào đầu năm 2024, tuy nhiên cho đến nay khi đã gần hết năm, dự án này vẫn chưa thể hoàn thành và đang bị đình trệ. Nguyên nhân chủ yếu là một số hộ dân chưa chấp nhận với phương án đền bù đất nên chưa di chuyển.

Ông Nguyễn Huy Láng, 65 tuổi, ở thôn Trái Hút, xã An Bình, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái – một trong số các hộ dân chưa bàn giao toàn bộ mặt bằng cho thực hiện dự án Cầu vượt đường sắt khu vực An Bình cho biết, gia đình có hơn 2.000m2 đất tại 3 khu thuộc diện thu hồi, trong đó đã bàn giao hơn 900 mét cho tái định cư và hơn 600 m2 cho làm đường thuộc dự án cầu vượt. Nhưng với diện tích hơn 600 m2 này gia đình chưa nhận đền bù và vẫn đang đề nghị được hỗ trợ cả tiền múc đất, vì gia đình đã bỏ hơn 300 triệu đồng hạ đồi dự kiến làm nhà cho con. Hiện dự án vào nên đất của gia đình lại thuộc diện thu hồi, nếu cứ áp đền bù với 25 nghìn đồng/m2 đất nông nghiệp thì quá thiệt thòi cho gia đình. Chưa kể khu đất 360 m2 đã xây nhà mái bằng.

"Không có gì gọi là chống đối gì cả, vì nhà nước mở đường phố xá đẹp thì mình và con cái đều hưởng lợi. Thế nhưng cái nhà đấy dự án bảo hỗ trợ 40% thì thấp quá, gia đình quá thiệt thòi. Làm được 10 đồng giờ chỉ nhận lại 4 đồng, đã thế còn mất cả đất nữa nên tôi chưa đồng ý. Ý gia đình nếu không được 100% thì hỗ trợ được 70% gia đình sẽ nhất trí thôi" - ông Láng nói.

Gia đình bà Vương Thị Mai án ngữ giữa đường, trong khi hai bên đường đã cơ bản hoàn thiện và trải áp-phan phẳng đẹp

Gia đình bà Vương Thị Mai án ngữ giữa đường, trong khi hai bên đường đã cơ bản hoàn thiện và trải áp-phan phẳng đẹp

Ông Nguyễn Huy Láng chia sẻ thêm, gia đình và nhiều hộ dân khác còn lo lắng về cuộc sống sau tái định cư, vì với những nhà có nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, mất đất đồng nghĩa với mất đi nguồn sinh kế quan trọng đã đành, tiền đền bù còn không đủ mua đất ở khu tái định cư, chưa kể đến làm nhà mới.

"Bố trí kiểu này theo tôi là cũng quá là căng thẳng, bởi vì có hộ thu hồi cả nhà và đất mới được đền bù hơn 200 triệu, xong là lại phải mua 1 suất tái định cư 500 triệu thì lấy đâu ra tiền để lấy 1 suất tái định cư" - ông Láng nói.

Đoạn tiếp giáp phía sau nhà bà Mai giờ như cái ao tù

Đoạn tiếp giáp phía sau nhà bà Mai giờ như cái ao tù

Gia đình bà Vương Thị Mai cũng thuộc diện phải thu hồi hơn 1.000m2 đất, bao gồm cả đất vườn và đất thổ cư. Do chưa đồng ý với phương án đền bù nên hiện giờ nhà bà án ngữ giữa đường, trong khi hai bên đường đã cơ bản hoàn thiện và trải áp-phan phẳng đẹp. Bà Mai cho biết, gia đình mong muốn sau khi bàn giao diện tích đất này để làm đường, phần còn lại được nhà nước cho phép tái định cư tại chỗ.

"Đường vào nhưng hai bên đường nhà tôi còn đất, tôi xin là tái định cư tại chỗ, thế nhưng huyện lại muốn thu hồi hết đất của chúng tôi. Chúng tôi mất nhà rồi, các anh lại san bằng, gặt phẳng dưới kia (khu tái định cư) bán lại cho chúng tôi, chúng tôi phải mua. Ví dụ nhà tôi được đền bù 1 tỷ, mua đất dưới tái định cư hết 800 triệu rồi và mấy trăm làm nhà nữa, các con tôi lấy gì sinh sống" - bà Mai nói.

Ông Nguyễn Huy Láng cho biết, căn nhà này xây dựng 2015 với kinh phí 750 triệu đồng, giờ đền bù 40% giá trị thì quá thiệt thòi.

Ông Nguyễn Huy Láng cho biết, căn nhà này xây dựng 2015 với kinh phí 750 triệu đồng, giờ đền bù 40% giá trị thì quá thiệt thòi.

Ông Trần Thống Nhất, Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, dự án cầu vượt đường sắt khu vực An Bình, xã có 96 hộ gia đình thuộc diện thu hồi đất, đại đa số đã đồng thuận. Tuy nhiên, vẫn còn có hộ còn khó khăn do diện tích thu hồi nhiều nhưng nhận được đền bù không cao, ảnh hưởng đến cuộc sống sau này, không còn diện tích chăn nuôi, trồng trọt như nơi ở cũ.

"Xã đã phối hợp tốt với hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư của huyện trong công tác tuyên truyền, vận động và đa số các hộ dân đã đồng thuân. Còn với các hộ chưa đồng thuận, đề nghị của người dân chúng tôi đã giải quyết theo thẩm quyền; các ý kiến, vấn đề vượt thẩm quyền xã đang phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ để dự án sớm tiếp tục được triển khai thực hiện" - ông Nhất nói.

Bà Mai cho biết, gia đình mong muốn được tái định cư tại phần đất còn lại của gia đình.

Bà Mai cho biết, gia đình mong muốn được tái định cư tại phần đất còn lại của gia đình.

Dự án cầu vượt đường sắt khu vực An Bình phải thu hồi diện tích trên 72.000m2 đất của hơn 100 hộ dân, đơn vị ở xã An Bình và Đông Cuông. Các hộ được nhận từ 15.000 - 40.000 đ/m2 đất nông nghiệp và từ hơn 2,3 triệu đến gần 3,1 triệu đồng/m2 đất ở, tùy từng vị trí.

Ông Lưu Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, phạm vi dự án là nông thôn, nhận thức của người dân trước đây về đất đai còn hạn chế, do vậy, căn cứ vào quy định của pháp luật, huyện đã áp dụng các hỗ trợ có lợi nhất cho người dân, do đó đa số người dân đã đồng thuận.

Khu đất của ông Nguyễn Huy Láng đã san gạt dự kiến làm nhà cho con nhưng do ông tự ý san gạt nên hiện dự án vào không có căn cứ để hỗ trợ

Khu đất của ông Nguyễn Huy Láng đã san gạt dự kiến làm nhà cho con nhưng do ông tự ý san gạt nên hiện dự án vào không có căn cứ để hỗ trợ

Còn vấn đề thắc mắc của người dân về việc phải mua đất tái định cư thuộc dự án với giá cao ông Kiên cho biết, người dân đã được trả tiền bồi thường tại nơi ở cũ và vị trí tái định cư nằm trên mặt đường lớn, có nhiều lợi thế nên khi xây dựng giá cũng sẽ phải cao hơn để đúng với quy định. Khu tái định cư này có hơn 30 lô, mỗi lô 100m2, hiện chưa ban hành giá, khi có quyết định về giá đất huyện sẽ thông báo đầy đủ đến người dân.

"Đối với dự án cầu vượt đường sắt An Bình hiện còn vướng mắc 4 hộ dân, 3 hộ là do xây nhà trên đất nông nghiệp sau 2014, với ba trường hợp này huyện đã báo cáo tỉnh và tỉnh cũng đã có chủ trương hỗ trợ một phần để giảm thiểu thiệt thòi cho người dân. Còn một trường hợp là vướng mắc phải lập lại phương án, sau khi có văn bản của tỉnh thì Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư sẽ căn cứ để áp dụng. Đối với trường hợp nào khi đã giải quyết đầy đủ các chính sách mà không bàn giao mặt bằng thì huyện sẽ cưỡng chế thu hồi đất để sớm khơi thông đoạn tuyến" - ông Kiên nói.

Đơn vị thi công, xây lắp đã rút máy móc, phương tiện khỏi công trường

Đơn vị thi công, xây lắp đã rút máy móc, phương tiện khỏi công trường

Dự án cầu vượt đường sắt khu vực An Bình được triển khai xây dựng ở thôn Trái Hút, xã An Bình, phạm vi của dự án nằm trên địa bàn 2 xã An Bình và Đông Cuông của huyện Văn Yên. Dự án có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, khởi công vào năm 2022, dự kiến hoàn thiện trong đầu năm 2024, với các hạng mục như cầu vượt, khu tái định cư, đường tránh 2 điểm đường sắt cắt đường bộ, tổng chiều dài tuyến 2,3km do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư. Các đơn vị Công ty TNHH Chiến Công, Công ty Cổ phần Licogi 15 thầu thi công, xây lắp.

Do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, gần hết năm 2024 mà vẫn chưa thể thông tuyến, nhà thầu thi công cũng đã di chuyển máy móc, phương tiện ra khỏi công trường.

Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-cau-vuot-duong-sat-o-yen-bai-chua-the-thong-tuyen-post1132317.vov