Vì sao dạy thêm-học thêm vẫn tồn tại?
Mỗi khi nhắc đến việc dạy thêm-học thêm, nhiều người lắc đầu 'biết rồi, khổ lắm… nói mãi'; vì thực chất nó có lắm chuyện nhiêu khê từ phía người dạy cũng như người học. Ngay chính các bậc phụ huynh chấp nhận cho con em mình đi học thêm cũng phàn nàn, vì vừa mất công đưa đón vừa tốn tiền triệu cho mỗi đứa con học thêm hàng tháng. Nhưng làm thế nào để con em mình không phải học thêm ngoài những lớp học chính khóa ở trường mà vẫn tiến bộ thì dường như chưa có bậc phụ huynh nào trả lời được (!).
Những năm qua, nhiều kỳ thi quốc gia, thi đại học hay thi học sinh giỏi vẫn có nhiều học sinh ở vùng nông thôn không có điều kiện đi học thêm nhưng kết quả đạt điểm cao, thậm chí có em đạt thủ khoa. Có người lập luận rằng, những trường hợp đó là rơi vào các em có tố chất đặc biệt, vừa thông minh vừa tự giác rèn luyện theo phương pháp khoa học nên thành công. Còn lại đa số học sinh đều có chỉ số IQ trung bình thì phải có thầy hướng dẫn mới có thể vươn lên được. Kiến thức sách vở các em lĩnh hội tại trường lớp chính khóa chỉ là những gợi mở cơ bản ban đầu, người thầy có muốn đào sâu hay cho thực hành thành kỹ năng thì cũng không đủ thời gian. Chính vì thế mới sinh ra việc dạy thêm-học thêm.
Nếu vì mục đích nói trên thì dạy thêm-học thêm không phải không có yếu tố tích cực! Thực tế đang tồn tại việc dạy thêm-học thêm mang yếu tố tiêu cực, đa phần do người dạy không xuất phát từ lương tâm nhà giáo mà vì lợi ích vật chất. Cũng có giáo viên lập luận rằng, vì đồng lương viên chức không đủ sống nên phải dạy thêm. Tương tự ở nghề y, bác sĩ mở phòng mạch tư để khám bệnh ngoài giờ vừa cứu người vừa có thu nhập thêm.
Mới nghe qua thì cũng có lý nhưng đằng sau đó không phải đơn giản như vậy. Nhìn qua tầng lớp giáo chức ở đô thị hiện tại, so với mức sống của nhiều ngành nghề khác không phải quá cách biệt mà ở mức trung bình. Chỉ một số ít giáo viên có điều kiện dạy thêm thì cuộc sống khấm khá hơn, thậm chí có người giàu lên nhờ nguồn thu từ dạy thêm (tất nhiên chỉ ở những bộ môn chính có sự quyết định thành bại trong thi cử).
Hầu hết phụ huynh thường bận việc mưu sinh, không có thời gian theo dõi, kèm cặp con em mình học tập nên phó thác cho thầy cô ở trường và ở các lớp học thêm. Khi xã hội càng hiện đại, cuộc sống công nghiệp đang tác động đến từng con người, gia đình thì việc dành thời gian chăm sóc con cái càng trở nên khó khăn. Vì thế, đòi hỏi sự phân công xã hội càng rạch ròi và chuyên môn hóa hơn, trong đó lĩnh vực giáo dục cần có cơ chế mở để thích nghi với thực tế yêu cầu nhưng phải có sự quản lý chặt chẽ, phù hợp.
Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16-5-2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Quy định về dạy thêm-học thêm vẫn đang có hiệu lực thi hành. Căn cứ vào văn bản này, nhiều địa phương cũng đã ban hành các quy định cụ thể phù hợp với tình hình ở địa phương.
Đối với Gia Lai, Quyết định số 23/2012/QĐ-UBND ngày 29-10-2012 của UBND tỉnh quy định, hướng dẫn về việc dạy thêm và học thêm. Nhưng đến năm 2020 thì UBND tỉnh lại ban hành Quyết định số 18/2020/QĐ-UBND ngày 25-5-2020 về việc bãi bỏ Quyết định số 23/2012/QĐ-UBND. Như vậy, công cụ quản lý của địa phương về dạy thêm-học thêm hiện nay vẫn trên cơ sở Quy định kèm theo Thông tư số 17 của Bộ GD-ĐT và Công văn số 1565/LS:GD&ĐT-TC ngày 3-12-2012 của Sở GD-ĐT về việc thu chi, quản lý tiền học thêm trong và ngoài nhà trường.
Vẫn biết rằng, công tác quản lý hoạt động dạy thêm-học thêm ngoài nhà trường rất khó khăn và phức tạp. Tuy vậy, ngành GD-ĐT và chính quyền các địa phương không vì thế mà buông lỏng việc thanh tra, kiểm tra. Trước mắt, chính quyền địa phương cần rà soát các cơ sở dạy thêm-học thêm trên địa bàn nhằm chấn chỉnh những nơi không đáp ứng các quy định và có chế tài đối với những cá nhân và tổ chức làm trái Thông tư số 17 của Bộ GD-ĐT để lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực dạy thêm-học thêm.