Vì sao doanh nghiệp không hạnh phúc?

Lãnh đạo không tự chăm lo được cho chính mình thì khó tạo động lực cho nhân viên và xây doanh nghiệp hạnh phúc vì năng lượng của lãnh đạo là sinh khí của tổ chức.

Vòng xoáy bế tắc

Tôi từng điều hành một doanh nghiệp không hạnh phúc. Ở đó, bản thân tôi luôn cảm thấy đơn độc và quá tải. Nhân viên làm việc thiếu năng lượng, không chủ động và hời hợt. Tình trạng nhân viên nghỉ việc diễn ra thường xuyên, đôi khi chưa kịp mừng vì đào tạo được một nhân viên bán hàng giỏi, họ đã bất ngờ xin nghỉ.

Quãng thời gian đó, tôi ở trong một vòng xoáy rất tiêu cực của công việc không trôi chảy và mối quan hệ với gia đình mất kết nối.

Do phải xử lý nhiều vấn đề liên quan đến nhân viên và điều hành, thời gian dành cho gia đình trở nên hạn hẹp, luôn trở về nhà trong trạng thái kiệt sức. Cuối tuần, dù có ở cạnh người thân, cơ thể tôi vẫn rã rời vì quá nhiều lo toan. Có nhiều ngày trở về nhà mà cảm giác như mình đang bước vào một không gian không còn là tổ ấm.

Sự mất kết nối trong gia đình, chiến tranh lạnh trong mối quan hệ vợ chồng khiến tôi mang theo rất nhiều sự căng thẳng vào công việc. Tôi đến văn phòng với nét mặt mệt mỏi, không nở nổi nụ cười, rất thiếu kiên nhẫn với nhân viên. Điều này lại càng khiến nhân viên tiêu cực hơn, hoặc là ở lại làm việc trong trạng thái thụ động “chỉ đâu đánh đấy” hoặc là xin nghỉ việc.

Vòng xoáy "công ty không hiệu quả - gia đình không hạnh phúc - công ty càng kém hiệu quả" tiếp tục kéo dài đến mức tôi nhận ra rằng: không thể tiếp tục như vậy nữa, tôi phải thay đổi.

Nhiều lãnh đạo rơi vào vòng xoáy "công ty không hiệu quả - gia đình không hạnh phúc - công ty càng kém hiệu quả". Ảnh: kevin Ku

Nhiều lãnh đạo rơi vào vòng xoáy "công ty không hiệu quả - gia đình không hạnh phúc - công ty càng kém hiệu quả". Ảnh: kevin Ku

Một trong những bước đầu tiên để thoát khỏi vòng xoáy tiêu cực này là tìm ra nguyên nhân. May mắn, trong một lớp học về lãnh đạo mà tôi tham gia, tôi học được rằng để tạo động lực cho nhân viên, người lãnh đạo phải tự chăm lo và tạo động lực cho chính mình. Năng lượng của lãnh đạo là sinh khí của doanh nghiệp.

Tôi giật mình nhận ra, bản thân luôn cố gắng tạo động lực cho nhân viên nhưng lại chưa thực sự chăm lo cho hạnh phúc và sự cân bằng của chính mình.Tôi gồng lên để trông có vẻ tích cực nhưng thực chất bên trong là rất nhiều sự sốt ruột, căng thẳng, tiêu cực và bất mãn với cả thế giới. Tôi nhận ra rằng, trước tiên tôi cần tập trung giúp chính mình vui hơn, có động lực hơn và hạnh phúc hơn.

Càng tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, tôi càng nhận ra rằng có nhiều CEO cũng ở trong vòng xoáy tiêu cực giống tôi ngày trước.

CEO của một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực sức khỏe từng gặp tôi trong trạng thái cực kỳ mệt mỏi, đôi lúc còn không kìm được nước mắt. Thời điểm đó, cô chia sẻ rằng công ty đang trong tình trạng bế tắc, nhân viên thiếu chủ động và trách nhiệm, khiến mọi việc trở nên rối tung. Dù cố gắng dành thời gian nghỉ ngơi nhưng cô không thể thả lỏng vì lo lắng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn khi vắng mặt. Từng rời vị trí quản lý tại một công ty lớn để khởi nghiệp với niềm đam mê, cô trở nên cảm thấy chán nản và mệt mỏi với chính công ty mà mình đã tạo dựng.

Điều khiến cô đau lòng hơn là việc nhân viên tỏ ra sợ hãi và không muốn gần gũi với cô. Có lần, nhóm nhân viên tổ chức tụ tập đầu năm mà không mời cô tham gia. Khi thấy hình ảnh buổi gặp mặt trên mạng xã hội, cô cảm thấy tổn thương vì dù luôn nỗ lực để công ty phát triển và chăm lo cho nhân viên, cô lại bị bỏ rơi trong các hoạt động kết nối.

Ngoài sự mệt mỏi vì công ty hoạt động kém hiệu quả, cô còn phải đối mặt với sự căng thẳng trong mối quan hệ hôn nhân.

Quá trình chuyển hóa của CEO tập trung vào việc nâng cao hạnh phúc cá nhân và phát triển năng lực tạo hạnh phúc cho nhân viên.

Kết quả là, CEO không còn là "nỗi sợ" của nhân viên, các buổi liên hoan trở nên sôi nổi như những buổi tụ họp bạn bè. Nhân viên làm việc chủ động, trách nhiệm hơn, giúp CEO có thời gian tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng, và mối quan hệ gia đình cũng được cải thiện đáng kể.

Vì đâu nên nỗi?

Người lãnh đạo trước hết cần có năng lực tự chăm sóc và tạo động lực cho chính bản thân mình.

Người lãnh đạo trước hết cần có năng lực tự chăm sóc và tạo động lực cho chính bản thân mình.

Nhìn sâu vào các doanh nghiệp không hạnh phúc có thể thấy, nguyên nhân phổ biến nhất là có xung đột nội bộ, sự mất kết nối trong đội ngũ. Tình trạng này thường xảy ra do nhiều vấn đề, trong đó có việc giao tiếp thiếu hiệu quả.

Một số doanh nghiệp có sự xung đột từ “thượng tầng” giữa những lãnh đạo có ảnh hưởng trong doanh nghiệp, có thể là xung đột giữa 2 vợ chồng là thành viên trong ban giám đốc, tạo ra những phe khác nhau trong công ty và kéo theo nhiều xung đột khác ở phía dưới.

Có những nhân sự có ảnh hưởng, tính cách rất mạnh mẽ, có năng lực tốt về một vài khía cạnh, thậm chí là “công thần”, nhưng lại là người tiêu cực, có nhiều sự bất mãn ngầm nên mất kết nối với ban lãnh đạo/CEO của doanh nghiệp. Những người này dần trở thành người thúc đẩy sự tiêu cực trong nhân sự, tạo ra một nhóm người tiêu cực ngày càng mở rộng trong doanh nghiệp.

Tốc độ phát triển của doanh nghiệp quá nhanh, doanh nghiệp chỉ dành ưu tiên cho phát triển kinh doanh, chưa chú trọng phát triển con người khiến năng lực của con người không bắt kịp với tốc độ của kinh doanh.

Ngoài yếu tố xung đột, còn một số nguyên nhân có thể khiến doanh nghiệp không hạnh phúc. Phổ biến nhất là tình hình kinh doanh của doanh nghiệp không tốt, ảnh hưởng đến thu nhập của nhân viên, sự yên tâm gắn bó lâu dài của đội ngũ.

CEO và những người lãnh đạo trong doanh nghiệp không hạnh phúc, có nhiều nỗi lo, sự bất mãn, sốt ruột, giảm động lực...từ đó lây lan cảm xúc tiêu cực cho những người khác trong doanh nghiệp.

Trong quá trình đào tạo và tư vấn, tôi cũng chứng kiến không ít doanh nghiệp dù đầu tư tiền bạc, thời gian và công sức cũng không giải quyết được vấn đề. Nguyên nhân mấu chốt vẫn là lãnh đạo chưa đủ quyết liệt để thay đổi bản thân và dẫn dắt đội ngũ thay đổi. Kể cả khi hiểu được tầm quan trọng của hạnh phúc và quyết tâm thay đổi thì khi trở về với bối cảnh kinh doanh hàng ngày, đối diện với áp lực “chạy số”, sự thờ ơ của cộng sự, thậm chí là sự phản đối của một số nhân viên trong doanh nghiệp, họ đã không kiên trì được với sự thay đổi, và tất cả lại trở về vạch xuất phát.

Hạnh phúc để kinh doanh hiệu quả hơn

Từ những trải nghiệm của chính mình và với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác, tôi hiểu rất rõ tầm quan trọng của hạnh phúc của CEO và đội ngũ với hiệu quả kinh doanh. Nhưng đến năm 2021, tôi đã vỡ òa khi hiểu được mối liên hệ mật thiết giữa hạnh phúc của con người với hiệu quả công việc, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thông qua cuốn sách “Hạnh phúc trong công việc” của nhà tâm lý học Shawn Achor.

Cụ thể, nghiên cứu cho thấy, người lao động không hạnh phúc sẽ khiến thời gian nghỉ ốm tăng thêm 15 ngày mỗi năm. Điều này có nghĩa rằng một môi trường làm việc hạnh phúc sẽ không chỉ giúp nhân viên làm việc hiệu quả và năng suất hơn mà còn ít gặp phải tình trạng vắng mặt của nhân viên và giữ được chi phí y tế ở mức thấp hơn.

Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra các nhóm dự án có người lãnh đạo biết khuyến khích sẽ hoạt động hiệu quả hơn 31% so với các nhóm có người lãnh đạo kém tích cực và ít khen ngợi. Trên thực tế, sự ghi nhận được thực hiện một cách chủ động và cụ thể sẽ đem lại nhiều động lực hơn cả tiền thưởng.

Những nhà lãnh đạo tài giỏi nhất dùng lợi thế của hạnh phúc làm công cụ để tạo động lực và tối đa hóa tiềm năng của nhân viên.

Google nổi tiếng vì có xe đẩy chân trong hội trường, trò chơi điện tử trong phòng giải lao và những đầu bếp sành sỏi trong nhà ăn. Số liệu cho thấy rất rõ ràng rằng những chính sách này - cùng với các biện pháp thúc đẩy hạnh phúc truyền thông hơn như thẻ hội viên câu lạc bộ thể hình, quyền lợi về y tế và khu trông trẻ tại nơi làm việc - đã đem lại lợi ích lớn lao và lâu dài cho các công ty.

Với hãng bia Coors Brewing (Mỹ), mỗi 1 USD chi cho chương trình tập luyện thể thao của nhân viên thu về cho công ty 6,15 USD lợi nhuận. Toyota cũng ghi nhận sự nhảy vọt về năng suất tại Trung tâm linh kiện Bắc Mỹ sau chương trình huấn luyện thể lực cho nhân viên...

Tôi tin rằng, nếu môi trường làm việc không mang lại hạnh phúc thì không chỉ con người trong doanh nghiệp nghỉ ốm nhiều hơn mà cả doanh nghiệp cũng sẽ “ốm yếu”.

Hạnh phúc của con người có mối quan hệ mật thiết với hiệu quả công việc, hiệu quả kinh doanh. Ảnh: Vạn Đắc Phúc

Hạnh phúc của con người có mối quan hệ mật thiết với hiệu quả công việc, hiệu quả kinh doanh. Ảnh: Vạn Đắc Phúc

Với kinh nghiệm của bản thân, dưới đây là một số việc tôi đã làm để giải bài toán hạnh phúc cho doanh nghiệp của mình.

Một là, nâng cao mức độ hạnh phúc của chính mình thông qua việc cài đặt các thói quen giúp “sạc pin” mỗi ngày. Để tăng mức độ hạnh phúc của mình một cách bền vững, lãnh đạo cần loại bỏ những thói quen có hại, tiêu tốn năng lượng như sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử quá nhiều, ăn nhiều thức ăn nhanh, thức quá khuya… Người lãnh đạo cũng cần cài đặt nhiều thói quen có lợi cho sự phát triển của cả thân – tâm – trí như sinh hoạt điều độ, tập thể dục, thiền định, thực hành lòng biết ơn, đọc sách/ học hỏi hàng ngày, đặc biệt là học hỏi để phát triển sự bao dung, tình yêu thương...

Hai là, thay đổi cách giao tiếp với nhân viên để họ cảm nhận được sự tôn trọng, quan tâm, lây lan năng lượng tích cực ra xung quanh.

Ba là, thúc đẩy sự kết nối con người trong doanh nghiệp. Bốn là linh hoạt trong việc tạo động lực cho nhân viên.

Năm là, tạo môi trường để mỗi người đều đẩy nhanh tốc độ học hỏi, phát triển của chính mình và tạo điều kiện giúp người khác học hỏi phát triển.

Khi áp dụng các giải pháp trên để giúp gia tăng mức độ hạnh phúc của bản thân và đội ngũ nhân sự, nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận những mức tăng trưởng vượt bậc, thậm chí tăng liên tiếp 20%/ tháng trong ba tháng liên tục về doanh thu. Chính doanh nghiệp của tôi cũng đã đạt được nhiều thành quả.

Cụ thể, nhân viên tràn đầy sự chủ động và nhiệt huyết với công việc, có nhiều khách hàng còn tò mò hỏi “không biết chị Hoa đã làm gì để có được những nhân viên sales trẻ mà thực sự tận tâm, nhiệt tình với khách hàng như vậy”.

Tính chủ động của đội ngũ quản lý cấp trung rất cao. Họ chủ động họp với nhau để bàn bạc giải quyết vấn đề, chủ động đào tạo kèm cặp nhân viên, có các hoạt động để gắn kết đội nhóm khiến nhân viên rất thích đi làm, rất yêu quý và gắn bó với người quản lý của mình. Đội ngũ nhân sự bán hàng mất ngủ để nghĩ cách hoàn thành KPI.

Đội ngũ rất ham học hỏi, tốc độ phát triển con người trong đội ngũ rất cao, nhân viên còn nói rằng “em không muốn nghỉ phép vì ở công ty mình mà chỉ nghỉ vài ngày thì khi quay lại đã thấy mọi người biết bao nhiêu cái mới mà mình chưa biết”.

Tính gắn kết của đội ngũ rất cao, những giai đoạn công ty gặp khó khăn, nhân viên sẵn sàng đồng cam cộng khổ cùng công ty, dù công ty khác đưa ra nhiều quyền lợi lương thưởng cao hơn hẳn nhưng từ quản lý cấp trung đến nhân viên đều rất gắn bó với công ty, thậm chí còn rủ thêm bạn bè, người quen đến làm việc tại công ty.

Vũ Hạnh Hoa

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/vi-sao-doanh-nghiep-khong-hanh-phuc-d37624.html