Vì sao em nhất quyết đoạn tình?

Bị cáo Nguyễn Văn Hoàng chắp tay, quay mặt về phía em mình, nghẹn ngào nói lời xin lỗi giữa phiên tòa, cầu mong em tha thứ. Người em gái vẫn chặt dạ lắc đầu, đoạn lìa tình cốt nhục. Hình ảnh ấy gieo vào lòng tôi một nỗi xót xa không thể diễn tả thành lời.

Biết rằng mọi hậu quả xảy ra đều có nguyên nhân sâu xa của nó nhưng tận mắt chứng kiến phiên tòa hôm ấy, ai cũng ngậm ngùi, bởi vì họ - bị cáo và bị hại - là hai anh em ruột. Càng xót xa hơn khi chủ tọa phiên tòa lẫn vị đại diện Viện kiểm sát và luật sư của bị cáo đã ân cần giải thích quy định của pháp luật: Đây là vụ án thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Nếu bà rút đơn, vụ án sẽ được đình chỉ, mâu thuẫn giữa hai anh em sẽ được hóa giải. Nhưng bà Nguyễn Thanh Hà vẫn một mực không nghe, nhất quyết yêu cầu xử lý hình sự anh trai mình.

Nguyên cớ gì khiến bà Hà quyết liệt như vậy? Quyết liệt đến độ chồng bà - cũng là nạn nhân - là người không máu mủ ruột rà còn xin rút yêu cầu xử lý hình sự và mong hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho anh vợ mà bà vẫn lòng gan dạ sắt? Kể cả lúc anh mình chắp tay, bật khóc nức nở, nghẹn ngào thốt lên lời xin lỗi khẩn thiết, cầu mong được tha thứ, bà vẫn dửng dưng. Thậm chí khi đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án tù treo đối với bị cáo Hoàng, bà còn một mực phản đối cho rằng mức án tù treo không đủ sức răn đe. Điều đó chỉ có một mình bà biết, bởi vì chỉ có một mình bà mới nghe được tiếng con tim bà mách bảo.

Nhưng dẫu con tim bà mách bảo thế nào thì mọi người vẫn muốn giúp hai người níu kéo, hàn gắn tình nghĩa anh em. Ai cũng mong bà suy nghĩ lại. Vì thế, dù phiên xử bắt đầu từ ngày 5/9/2019 nhưng hội đồng xét xử đã quyết định nghị án kéo dài, đến sáng 9/9/2019 mới tuyên án.

Theo cáo trạng, sáng 22/9/2018, bị cáo Nguyễn Văn Hoàng đến nhà em ruột là bà Nguyễn Thanh Hà (sinh năm 1966, ở quận 12) hỏi nguyên do việc bà Hà cho mẹ ruột ký tên và lăn tay vào tờ giấy trắng. Bà Hà không trả lời, còn lớn tiếng chửi bới và xưng hô mày tao, bị cáo Hoàng tức giận, tát vào mặt bà Hà một cái. Bà Hà vớ cái ly thủy tinh định đánh trả lại anh mình. Bị cáo Hoàng nhanh tay giằng lại, sau đó dùng ly đánh liên tiếp mấy cái vào đầu, cổ mặt em gái gây thương tích, được xác định là 9%.

Thấy vậy, người sống như vợ chồng với bà Hà là ông Trần Anh Tuấn chạy tới can ngăn, liền bị bị cáo Hoàng cầm ly thủy tinh đánh gây thương tích, được xác định là 4%. Sau đó, người dân đến can ngăn, đưa bà Hà và ông Tuấn đi bệnh viện. Sau khi vụ việc xảy ra, bà Hà có đơn yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hình sự anh trai.

Tại phiên tòa, bị cáo Hoàng tỏ ra ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, đồng thời có khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại. Bị cáo cho rằng chỉ vì một phút nóng nảy, bị cáo đã ra tay đánh em gái. Bị cáo biết đó là việc làm sai trái.

Bị cáo và bị hại tại phiên tòa

Bị cáo và bị hại tại phiên tòa

Được phép trình bày, bà Hà cho rằng mâu thuẫn sâu xa giữa hai anh em xuất phát từ nhà đất cha mẹ để lại. Hôm ấy, bà ký tên và lăn tay mẹ bà vào tờ giấy trắng nhằm mục đích để làm chứng minh nhân dân nhưng bị cáo Hoàng có ý nghi ngờ bà có mục đích khác nên sang gây sự. “Tôi biết anh tôi nóng tính nhưng tôi muốn qua ngày hôm nay, anh ấy nhận ra sai lầm từ bỏ việc ưa dùng vũ lực với anh em. Tôi mong Tòa xử theo đúng quy định của pháp luật”, bà Hà nói.

Trước vẻ cương quyết của bà Hà, vị chủ tọa phiên tòa cố thuyết phục: “Chúng tôi sẽ xử theo quy định nhưng rất đau lòng khi thấy cảnh anh em ruột phải đứng trước Tòa. Bị cáo Hoàng dù sao cũng là anh của chị, tuổi cũng đã lớn. Bị cáo cũng đã nhận mình sai, đã ăn năn hối cải, đã xin lỗi chị. Anh chị còn đang chăm sóc mẹ già, cũng là người anh trưởng sẽ thờ cúng khi mẹ chị xuôi tay. Trong vụ án này, chị là người quyết định tất cả, nếu chị rút đơn vụ án sẽ đình chỉ, chị có suy nghĩ lại không?”. Trước lời lẽ phân tích có lý có tình, ân cần thấu đáo của vị chủ tọa, bà Hà vẫn lạnh lùng: “Tôi xin giữ nguyên yêu cầu”.

Khi được nói lời sau cùng, bị cáo quay đầu lại nhìn em gái và nói: "Anh xin lỗi em, anh cũng rất đau lòng. Vì anh nóng tính quá nên mới có sự việc ngày hôm nay, anh thành thật xin lỗi em”. Trước những lời lẽ tha thiết của anh trai, bà Hà vẫn không chấp nhận .

Bước ra khỏi phòng xử, người anh tuổi gần 70 vẫn nhiều lần tiến đến xin lỗi em gái nhưng bà Hà vẫn dửng dưng và tỏ thái độ bực bội. Ông Hoàng nghẹn ngào: “Tôi lớn hơn nó gần 10 tuổi, hồi nó còn nhỏ tôi thương chiều nó lắm... Tôi biết đánh nó là tôi sai nhưng nó không tha thứ tôi cũng đâu biết làm cách nào bây giờ”, ông nấc lên.

Chông chênh, đau đớn, đó là cảm giác chung của những ai dự khán phiên tòa hôm ấy. Nhưng tôi biết có một người không có mặt trong phiên tòa nhưng lại là người đau đớn hơn hết thảy, khi chứng kiến cảnh các con mình cùng núm ruột sinh ra đưa nhau đến chốn công đường, đó là mẹ của bị cáo và bị hại. Dân gian có câu “Anh em như thể tay chân/Anh em hòa thuận hai thân vui vầy ”, “Tay cắt tay sao nỡ/ Ruột cắt ruột sao đành”, vậy mà.....

Tiếc thay thời gian gần đây, những vụ án mâu thuẫn, tranh chấp, bất đồng gay gắt giữa những người thân ruột thịt khiến phải đưa nhau ra chốn công đường ngày càng nhiều. Thậm chí, anh em ruột sát hại lẫn nhau phải ra tòa lĩnh án cũng không phải hiếm.

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại giềng mối gia đình với mối quan hệ gắn bó thiêng liêng của anh chị em. Sau bố mẹ, anh chị em chính là người mà chúng ta có thể tin cậy, chia sẻ, nương tựa trong cuộc sống nhất là khi gặp phải bất trắc, khó khăn. Anh chị em là người uống cùng nhau một giọt máu đào trong bụng mẹ - cái không gian vô cùng bình yên và ấm áp khi ta mới tượng hình; là những người trải qua một thời thơ ấu bên nhau dưới một mái nhà, cùng ăn chung bữa cơm mẹ nấu mỗi ngày. Đó là một yếu tố đặc biệt, không thể tìm thấy ở bất kỳ mối quan hệ nào khác khác.

Qua thời gian, tình cảm anh em còn mang thêm cái nghĩa. Đối đãi với nhau như thế nào là do từng cá nhân, từng tính cách, từng tình huống xảy ra trong cuộc sống. Nhưng khi không may xảy ra mâu thuẫn, xung đột, chỉ cần lấy tình nghĩa anh em để bao dung, tha thứ, mọi sự ắt sẽ được hóa giải.

Ngày 9/9/2019, TAND quận 12 TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 1955, TP.HCM) bị truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 mức án sáu tháng tù giam.

Đằng sau phiên tòa là những phận người
Mức án tù chung thân cho bị cáo cầm đầu đường dây mua bán ma túy liên tỉnh
“Nước mắt” của bị cáo – Kỳ 1: Căn cứ “mong manh”
Lời cảnh tỉnh từ phiên tòa “bà trùm” ma túy giả điên vẫn không thoát án tử
Níu kéo không thành, chồng đâm chết vợ tại phiên tòa hòa giải
Đằng sau những phiên tòa ma túy

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/vi-sao-em-nhat-quyet-doan-tinh-23742.html