Vì sao giáo viên mong sớm ban hành Luật Nhà giáo?

Lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp là hoàn toàn khả thi khi Luật Nhà giáo được ban hành.

Tại dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 3) Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và thêm nhiều phụ cấp.

Tại dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 3) Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và thêm nhiều phụ cấp.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo (lần 3) Luật Nhà giáo, nhiều giáo viên mong Luật này sớm được ban hành vì hai lí do chính sau đây.

Thứ nhất, về hành lang pháp lí, hiện nay nhà giáo các bậc học chịu ràng buộc của nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, trong đó có cả những văn bản dưới luật.

Ví dụ, giáo dục mầm non, phổ thông và đại học có Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học. Nhóm nội dung liên quan đến tuyển dụng thì có Luật Viên chức, một số trường hợp chức danh lãnh đạo do Luật Cán bộ Công chức quy định, các quan hệ khác thì có Bộ Luật Lao động, Bộ Luật Dân sự…

Đó cũng là lí do Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể bỏ việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, đồng thời bỏ luôn chứng chỉ chức danh nghề nghiệp như đề xuất của nhiều giáo viên thời gian qua.

Cụ thể, khoản 3 Điều 18 Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức yêu cầu "…Viên chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp".

Cùng với đó, Văn bản hợp nhất số: 26/VBHN-VPQH hợp nhất Luật Viên chức 2010 và Luật số 52/2019/QH14 ngày 25/11/2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tại Điều 33 có quy định hình thức đào tạo, bồi dưỡng viên chức gồm: "…Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp".

Vì vậy, khi Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua thì sẽ góp phần khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; bảo đảm tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Nhà giáo với các luật khác có liên quan.

Thứ hai, tại dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo 3) Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và thêm nhiều phụ cấp.

Theo đó, nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được hưởng lương và phụ cấp như sau: Lương theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; phụ cấp thâm niên; phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất trong các ngành, lĩnh vực được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề; phụ cấp khác theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, giáo viên đang được hưởng cả hai khoản phụ cấp bên cạnh lương là phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi. Trong đó, phụ cấp ưu đãi đang được thực hiện theo 6 mức, cao nhất là 50%.

Cần biết thêm, năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ tờ trình xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo.

Tại dự thảo này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phụ cấp ưu đãi nhà giáo được thực hiện theo 8 mức, cao nhất là 100% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Về quy định lương theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp là hoàn toàn khả thi. Bởi lẽ, qua nghiên cứu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Minh Nam chia sẻ với truyền thông rằng, trong Tờ trình của Chính phủ có khẳng định các chính sách này cơ bản không làm tăng nguồn lực.

Đáng chú ý, tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục và cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên, cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo quy định tại khoản 1 Điều 43 dự thảo Luật Nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Hiện nay, nhiều giáo viên làm việc ở các trường tư thục nhưng họ chỉ coi đó là biện pháp tạm thời trong khi chờ thi tuyển vào trường công lập. Hi vọng khi Luật Nhà giáo được ban hành, giáo viên ở các cơ sở giáo dục tư thục sẽ yên tâm làm việc vì họ sẽ nhận được mức lương ổn định, đảm bảo cuộc sống.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/vi-sao-giao-vien-mong-som-ban-hanh-luat-nha-giao-179240921225226645.htm