Vì sao IHS Markit đánh giá đà tăng trưởng ngành sản xuất của Việt Nam giảm tốc?

Đà tăng trưởng mạnh mẽ gần đây trong ngành sản xuất Việt Nam đã bị thay thế bằng mức tăng trưởng khiêm tốn hơn trong tháng 7, nhưng các công ty vẫn có thể có được số lượng đơn đặt hàng mới cao hơn và từ đó tăng tương ứng sản lượng và việc làm.

Theo báo cáo vừa được IHS Markit công bố, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 7 vẫn đạt trên ngưỡng 50 điểm tháng thứ mười liên tiếp, cho thấy các điều kiện kinh doanh tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, với kết quả 51,2 điểm so với 54 điểm của tháng 6, chỉ số này cho thấy mức cải thiện tương đối yếu và là mức thấp nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây.

Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất tăng sản lượng trong tháng 7, tiếp tục ghi nhận tháng tăng thứ tư liên tiếp (Ảnh: Int)

Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất tăng sản lượng trong tháng 7, tiếp tục ghi nhận tháng tăng thứ tư liên tiếp (Ảnh: Int)

Cụ thể, ngành sản xuất của Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng vào đầu quý III/2022, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu giảm; sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm trong tháng 7 đều tăng chậm hơn so với tháng 6.

Đáng chú ý, tình trạng nguồn cung tiếp tục có dấu hiệu cải thiện. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã kéo dài với mức độ ít đáng kể nhất kể từ tháng 9/2020, trong khi tốc độ lạm phát đã chậm lại nhiều.

Số lượng đơn đặt hàng mới được ghi nhận đã tăng tháng thứ mười liên tiếp, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại thành mức yếu nhất kể từ tháng 4/2022. Tuy nhiên, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng mạnh và nhanh hơn so với tổng số lượng đơn đặt hàng mới.

Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất tăng sản lượng trong tháng 7, tiếp tục ghi nhận tháng tăng thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, tốc độ tăng chỉ ở mức nhẹ và là chậm nhất trong thời kỳ tăng hiện nay khi có các dấu hiệu cho thấy tình trạng nhu cầu giảm, khó khăn trong khâu chuyển hàng và áp lực giá cả.

Mặc dù vậy, có những dấu hiệu cho thấy áp lực giá cả và nguồn cung đã chậm lại vào đầu quý III/2022.

Theo đó, tốc độ tăng chi phí đầu vào chậm lại và là mức tăng yếu nhất kể từ tháng 10/2020 khi giá một số mặt hàng đầu vào đã giảm trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, mức tăng lần này vẫn cao hơn mức trung bình của chỉ số khi có các báo cáo cho biết chi phí dầu, khí đốt và vận tải tăng. Tương tự như vậy, giá cả đầu ra tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng đã chậm lại và mức tăng chỉ là nhẹ.

Thời gian giao hàng của nhà cung cấp gần như ổn định khi mức độ kéo dài thời gian giao hàng đã giảm tháng thứ hai liên tiếp thành mức yếu nhất trong 22 tháng. Ở những nơi thời gian giao hàng tiếp tục kéo dài, lý do được cho là do những vấn đề của khâu chuyển hàng và chi phí vận tải tăng.

Cũng liên quan đến vấn đề sản xuất công nghiệp, theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố mới đây, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2022 ước tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%. Tính chung 7 tháng năm 2022, IIP ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,6%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,7%).

Phương Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/vi-sao-ihs-markit-danh-gia-da-tang-truong-nganh-san-xuat-cua-viet-nam-giam-toc-1087050.html