Vì sao lãnh đạo cấp cao phải đến hiện trường chống bão?
Việc lãnh đạo Trung ương trực tiếp tới hiện trường chỉ đạo, động viên tinh thần các lực lượng và người dân rất quan trọng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp
Chia sẻ câu chuyện hậu trường phòng chống thiên tai (PCTT) năm vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, việc lãnh đạo Trung ương trực tiếp tới hiện trường chỉ đạo, động viên tinh thần các lực lượng và người dân rất quan trọng. Điều này giúp các lực lượng có trách nhiệm hơn trong thực thi nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Hai điều lo ngại nhất
Nhìn lại những gì đã xảy ra trong năm qua, ông nhận định thế nào về diễn biến và mức độ ảnh hưởng của thiên tai tới đời sống người dân?
Ngay từ cuối năm 2019, chúng ta đã có dự báo 2020 là một năm thiên tai bất thường với trọng tâm là hạn hán, xâm nhập mặn ở miền Nam và bão lũ lớn ở miền Trung.
Tuy nhiên, so với dự báo những gì thực tế xảy ra khốc liệt hơn, vượt qua rất nhiều mốc lịch sử. Chu kỳ 20 năm đã diễn ra, thay vì trước đó là 30 năm, 60 năm… Thêm vào đó, tính dị thường đã vượt ra khỏi dự báo dài hạn.
Cụ thể, đầu năm hạn mặn tại ĐBSCL vượt qua rất nhiều mốc lịch sử 2016. Tới giữa năm hạn hán lan ra Bình Thuận, Ninh Thuận. Bên cạnh đó, dự báo năm 2020 có khoảng 5 cơn bão ảnh hưởng tới miền Trung nhưng thực tế có 6 cơn liên tiếp, dồn dập không có thời gian để “thở” và chuẩn bị.
Với diễn biến dị thường, nằm ngoài dự báo của thiên tai thời gian gần đây, ông lo ngại điều gì nhất?
Có hai điều khiến tôi lo ngại nhất. Trước hết thiên tai sẽ không đi theo quy luật. Nguyên tắc dự báo phải dựa trên dữ liệu thì tới nay rất nhiều quy luật đã bị phá vỡ. Một khi không thể dự báo dài hạn sẽ gây mất tính chủ động trong PCTT.
Thứ hai, tính dị thường của thiên tai cũng khiến sức chống chịu của con người và cơ sở hạ tầng không đảm bảo, hậu quả khó lường. Đây chính là lo ngại hiện hữu. Ví như, lâu nay người miền Trung quen với ngập lụt, tạo lập thói quen để sinh tồn. Nước ngập trong vài ba ngày thì không sao nhưng ngập sâu tới 15 ngày như tại Quảng Bình hồi tháng 10/2020 thì đã quá sức chịu đựng…
Áp lực khi cùng cán bộ Trung ương vào điểm nóng, nguy hiểm
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (đầu tiên bên trái) cùng đoàn công tác vào Quảng Trị, phối hợp với địa phương tổ chức các phương án phòng chống bão lũ, tối 14/11/2020
Ông có thể chia sẻ một số câu chuyện hậu trường chỉ đạo ứng phó với thiên tai trong năm qua?
Tôi nhớ nhất là cuộc họp ứng phó với bão số 6, dự báo 15 ngày sau đó sẽ có đợt mưa lũ lớn đổ xuống miền Trung. Tôi cùng Ban chỉ đạo PCTT mở các kênh khí tượng quốc tế thì họ đều xác định có đợt mưa khủng khiếp kéo dài.
Vậy là khi trời còn nắng, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo toàn vùng rà soát thu hoạch thủy sản, thông báo người dân kê thóc gạo lên cao…
Ngoài đường văn bản còn phải đốc thúc trực tiếp bởi tâm lý cấp dưới thường cho rằng ở trên nói quá lên để chỉ đạo. Và thực tế, đợt đó dự báo lượng mưa khoảng 1.700mm nhưng có nơi lên tới hơn 3.000mm.
Còn nhớ, đợt bão lũ năm 1999 xảy ra chủ yếu tại 3 tỉnh miền Trung trong 3 ngày khiến 315 người chết. Trong khi đó, đợt mưa lũ 2020 kéo dài trên diện rộng từ Hà Tĩnh tới Quảng Ngãi, các dấu mốc lịch sử đều bị phá vỡ, số người chết trực tiếp khoảng 124 người, còn lại phần lớn do sạt lở đất (132 người).
Bên cạnh nỗ lực cố gắng đáng ghi nhận của các lực lượng PCTT, cũng có ý kiến cho rằng cần rút kinh nghiệm từ hoạt động ứng cứu chậm, nhất là trong những thời điểm nóng, ông nghĩ sao?
Trước khi nhắc về ứng cứu chậm, tôi muốn kể ra câu chuyện trong vụ lũ quét tại bản Sa Ná năm 2019. Một thanh niên sau khi cứu được người đuối nước, lũ dâng lên đột ngột, anh ta phải bám vào cành cây giữa lòng suối.
Khi đó, có khoảng 200 người trên bờ, khoảng cách từ bờ tới lòng suối khoảng 40m nhưng không có phương tiện nào để ứng cứu. Cuối cùng thanh niên đó phải tự bơi vào bờ sau 8 tiếng treo mình trên ngọn cây. Biết chuyện, tôi đặt vấn đề tại sao lực lượng PCTT lại không có súng bắn dây, trong khi giá thiết bị này chỉ khoảng 1 triệu đồng/cái.
Trong các tình huống ứng cứu chậm, ngoài lý do thiếu thông tin thì phần lớn bởi không có phương tiện tiếp cận. Lấy ví dụ trong trường hợp địa hình bị chia cắt, cô lập, tối thiểu phải có máy bay không người lái, nhưng tới nay chúng ta cũng chưa có.
“
Nước ta còn nghèo, để đầu tư cơ sở hạ tầng PCTT đòi hỏi kinh phí lớn mà ngân sách chưa đáp ứng nổi. Tuy nhiên, có những giải pháp không cần tiền như ý thức người dân hay trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương… Đây mới là những yếu tố mang lại hiệu quả cao, bền vững. Tiếp theo đó, chúng ta cần lực lượng chuyên nghiệp và thiết bị chuyên nghiệp tối thiểu để trong bất cứ tình huống nào, địa hình nào cũng có thể ứng cứu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp
”
Hình ảnh lãnh đạo Trung ương mặc áo mưa, đội mũ cối lao vào tâm bão trong những năm gần đây xuất hiện thường xuyên trên báo đài. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thắc mắc, tại sao cứ phải vào tận nơi mới chỉ đạo được?
Cơn bão số 2 năm 2019 là cơn bão đầu tiên tôi tham gia cùng đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT với tư cách là Thứ trưởng Bộ NN&PTNT.
Khi đó, ở tâm bão Quảng Ninh có mưa to, gió giật mạnh. Đoàn chúng tôi mặc áo mưa quân đội, chân đi ủng, đầu đội mũ cối nhưng chỉ được một đoạn, mưa đã thấm vào người, rất lạnh, gió giật cấp 8 - 9 bay ngay mũ.
Từ chuyến đi này, tôi đã thấy có gì đó không ổn. Trao đổi lại với anh Hoài (Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT - PV), tôi yêu cầu cần phải thiết kế trang phục chuyên nghiệp đủ sức cơ động, gọn nhẹ đi kèm mũ bảo hiểm cho người đi chống bão. Kết quả tới nay, Tổng cục PCTT đưa ra 5 bộ trang phục kèm mũ nhưng vẫn chưa được ổn.
Nhiều khi nhìn vào, mọi người cũng đặt câu hỏi, cán bộ Trung ương điều hành chuyên nghiệp thì phải ngồi nhà tỉnh táo để nghĩ giải pháp, còn việc lao vào tâm bão để cho các lực lượng khác chứ. Ngay cả khi làm việc với các tổ chức quốc tế, họ cũng bày tỏ quan ngại khi thấy lãnh đạo của mình trực tiếp vào vùng nguy hiểm.
Rõ ràng cách đặt vấn đề trên là hoàn toàn có lý, không sai. Tuy nhiên, cũng phải xét trên tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Thông tin liên lạc là yếu tố quyết định, nhưng khi bão lũ, chuyện mất liên lạc là bình thường mà đã mất liên lạc thì chỉ đạo kiểu gì? Đó chính là lý do phải lập sở chỉ huy tiền phương.
Hơn nữa, đối với người Việt, việc động viên tinh thần rất quan trọng. Cảm giác khi đoàn công tác Trung ương trực tiếp tới chỉ đạo thì lãnh đạo địa phương cũng có trách nhiệm cao hơn.
Cuối cùng, muốn chỉ đạo chuyên nghiệp phải có hệ thống chuyên nghiệp, nhưng thực tế vẫn có mắt xích chưa chuyên nghiệp nên lãnh đạo cấp cao vẫn phải xuống địa bàn chỉ đạo, nhiều lúc cân não lắm…