Vì sao lợi nhuận quý III của Viglacera giảm mạnh?
Lợi nhuận sau thuế quý III của Viglacera giảm 46% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do doanh thu mảng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp giảm và do các công ty con, liên kết trong nhóm Kính gặp khó.
Tổng công ty Viglacera – CTCP (HOSE: VGC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.834 tỷ đồng, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2023, lợi nhuận gộp từ đó cũng giảm từ 1.069 tỷ đồng xuống còn 872 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của VGC giảm 40,5% về còn 11,6 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính giảm 24% so với cùng kỳ về còn 75,5 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 16% lên 215,66 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng duy trì ở mức 215 tỷ đồng.
Sau khi trừ thuế phí, Viglacera báo lãi sau thuế quý III/2024 đạt 234 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 200 tỷ đồng so kết quả đạt được trong quý III/2023. Đây là quý thứ 2 liên tiếp, lợi nhuận của VGC đi lùi so với cùng kỳ.
Theo văn bản giải trình, Viglacera cho biết lợi nhuận sau thuế quý III trong báo cáo tài chính hợp nhất giảm 46% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do doanh thu mảng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp giảm so với cùng kỳ. Ngoài nguyên nhân này còn do các công ty con, liên kết của VGC trong nhóm kính gặp khó trong công tác tiêu thụ, giá bán cũng như sản lượng tiêu thụ đều giảm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Viglacera đạt 8.185 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 909 tỷ đồng, giảm lần lượt 19,5% và 42,8% so với 9 tháng đầu năm 2023, tương ứng hoàn thành 60,5% kế hoạch doanh thu và 82% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Viglacera đạt 24.231 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm, trong đó 1.759 tỷ đồng là tiền và các khoản tương đương tiền, 1.201 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, 4.584 tỷ đồng hàng tồn kho, 5.990 tỷ đồng tài sản dài hạn…
Nợ phải trả của Viglacera đến ngày 30/9 hơn 14.277 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ đồng so với đầu năm 2024. Trong đó, nợ vay tài chính 5.018 tỷ đồng, bao gồm 2.602 tỷ đồng vay ngắn hạn và 2.416 tỷ đồng vay dài hạn.
Chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của Viglacera là 6.057 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn, chủ yếu tập trung tại dự án Khu công nghiệp Thuận Thành giai đoạn 1 (2.148 tỷ đồng), Khu công nghiệp Phú Hà giai đoạn 1 (1.036 tỷ đồng), Khu công nghiệp Tiền Hải – Thái Bình (519 tỷ đồng), Khu công nghiệp Yên Mỹ (541 tỷ đồng)…
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 25/10, cổ phiếu VGC đóng cửa ở mức 40.500 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của công ty trên thị trường đạt khoảng 18.158 tỷ đồng.
Trong năm 2024, Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Research) ước tính lợi nhuận trước thuế của Viglacera có thể giảm 17,7% so với cùng kỳ, xuống mức 1.440 tỷ đồng do nhu cầu kính xây dựng vẫn chưa phục hồi.
SSI Research kỳ vọng Viglacera sẽ cho thuê 180 ha đất khu công nghiệp, tăng 4% so với cùng kỳ trong năm 2024, chủ yếu tại các Khu công nghiệp Yên Phong IIC, Thuận Thành và Phú Hà.