Vì sao người dân thôn Khe Mương khiếu nại đòi quyền lợi trồng rừng

Suốt 5 năm qua, 39 hộ dân ở thôn Khe Mương, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng liên tục gửi đơn đến các ngành chức năng đòi quyền hưởng lợi từ cây rừng trên diện tích 50,8 ha thuộc dự án 661 được trồng từ năm 2004. Vậy nhưng nguyện vọng của họ vẫn chưa được chấp thuận gây bức xúc trong nhân dân.

 Người dân thôn Khe Mương kiên quyết ngăn cản không cho đơn vị khai thác rừng

Người dân thôn Khe Mương kiên quyết ngăn cản không cho đơn vị khai thác rừng

Nguyện vọng của người dân

Năm 2004 người dân thôn Khe Mương thực hiện chủ trương của Chính phủ từ dự án 661 trồng mới 5 triệu ha rừng. Sau khi được giao đất, giao cây giống, người dân phấn khởi khai hoang trồng rừng với mong muốn dự án sẽ mang lại sinh kế ổn định trong nay mai. Đến năm 2012, trên diện tích 410 ha rừng 661 của xã Hải Sơn đã được khai thác và trồng lại rừng, riêng 50,8 ha của 39 hộ ở thôn Khe Mương không được khai thác. Từ đó đến nay, người dân đã gửi hàng chục lá đơn thỉnh cầu đến huyện, tỉnh và trung ương nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng. Đến giữa năm 2019, người dân thôn Khe Mương phát hiện rừng đã bị khai thác với diện tích khoảng 2 ha. Qua tìm hiểu thì được biết Ban Quản lí (BQL) rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị) đã đưa toàn bộ diện tích rừng 50,8 ha ra bán đấu giá. Vì thế các hộ dân trồng rừng ở thôn Khe Mương đã bức xúc đứng ra cản trở việc khai thác diện tích rừng đã được thanh lí và quyết liệt đòi lại quyền lợi của mình.

Trong rất nhiều đơn thư mà 39 hộ trồng rừng ở thôn Khe Mương gửi đến các ngành chức năng nêu câu hỏi tại sao rừng thuộc dự án 661 mà các lô liền kề được khai thác, trồng lại nhưng 50,8 ha ở thôn Khe Mương không cho khai thác và trồng lại? Vì thế họ viện dẫn theo Điều 2, Khoản 1 của Quyết định 661 của Thủ tướng Chính phủ: “Nhân dân là lực lượng chủ yếu trồng, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và hưởng lợi ích từ nghề rừng. Nhà nước tạo môi trường pháp lí thuận lợi; tổ chức nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; có các chính sách khuyến khích người làm nghề rừng; hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách hoặc vốn tín dụng ưu đãi; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu”.Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 7, đối với rừng sản xuất: “Hộ đầu tư trồng rừng sản xuất là chủ rừng, có quyền quyết định thời điểm và phương thức khai thác rừng, nhưng phải có nghĩa vụ tái tạo lại rừng trong phạm vi không quá 2 năm sau khi khai thác”.

Cụ ông Trần Quốc Văn (84 tuổi) là cán bộ lão thành cách mạng bức xúc nói với chúng tôi: “Tại sao rừng của chúng tôi trồng nhưng BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn cho đấu giá, thanh lí mà không có ý kiến của người dân? Chắc chắn sẽ có gì khuất tất và lợi ích nhóm ở đây vì rừng đã trồng 15 năm (keo tai tượng) ước tính mỗi héc ta trung bình 500- 800 cây, giá thành ước tính trên 15 tỉ đồng nhưng chỉ đấu giá hơn 2,9 tỉ đồng nên thiệt hại một khoản tiền khá lớn. Còn Trưởng thôn Khe Mương Mai Văn Quốc thắc mắc: “Tại sao năm 2012 UBND tỉnh đã phê duyệt phương án chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu thành rừng sản xuất (trong đó có 50,8 ha tại Khe Mương), nhưng không biết vì lí do gì người dân vẫn chưa được bàn giao rừng và cho khai thác để thu hồi vốn. Bởi trên thực tế người dân Khe Mương đã đổ biết bao công sức để trồng rừng nhưng lại không được hưởng lợi thì đến năm 2017 lại đưa 50,8 ha rừng của dân vào diện chuyển đổi sang rừng sản xuất rồi đem đấu giá bán quá bèo bọt so với trữ lượng rừng, chất lượng rừng hiện có?”.

Lí giải của Sở Nông nghiệp và PTNT

Thắc mắc tại sao cùng một dự án trồng rừng 661, cùng một diện tích 410 ha đất trên địa bàn xã Hải Sơn nhưng người dân trồng rừng ở các thôn liền kề như Trầm Sơn, Tiên Điền lại được khai thác rừng để trồng lại theo chu kì nên suốt từ năm 2012 đến nay người dân thôn Khe Mương viết hàng chục lá đơn xin các ngành chức năng được khai thác rừng để tiếp tục trồng mới nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống. Vậy nhưng nguyện vọng chính đáng đó của người dân thôn Khe Mương đến nay vẫn chưa được chấp thuận bởi theo văn bản số 1824/SNN-KHTC ngày 1/11/2019 của Sở Nông nghiệp và PTNT do Giám đốc Hồ Xuân Hòe kí trả lời nội dung kiến nghị của nhóm hộ thôn Khe Mương, xã Hải Sơn khẳng định tại thời điểm rà soát quy hoạch 3 loại rừng theo Chỉ thị 38/2005/CT-TTg (năm 2007), diện tích này vẫn tiếp tục được quy hoạch là rừng phòng hộ đầu nguồn sông Thạch Hãn mà không thực hiện chuyển đổi sang rừng sản xuất và được BQL dự án 661 (với tư cách là đơn vị đang quản lí diện tích rừng này) bàn giao cho BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn (với tư cách là chủ rừng mới) quản lí, bảo vệ theo quy chế quản lí rừng phòng hộ.

Đến năm 2017, diện tích rừng nói trên được rà soát trong phương án rà soát chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành tại Quyết định số 845/QĐ-BNN-TCLN ngày 16/3/2016 và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3359/QĐ-UBND ngày 5/12/2017 và Quyết định 1494/QĐ-UBND ngày 3/7/2018. Trong đó, diện tích 50,8 ha tại xã Hải Sơn sẽ được bàn giao về địa phương quản lí sử dụng sau khi tài sản trên đất (khai thác rừng).

Do vậy, chính sách hưởng lợi từ diện tích rừng này trước và tại thời điểm phê duyệt phương án rà soát chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang phát triển rừng sản xuất (năm 2017) sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định 17/2015/QĐ-TTg ngày 6/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lí rừng phòng hộ và một số quyết định ban hành quy chế quản lí rừng sản xuất; chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm, nghiệp. BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn là đối tượng hưởng lợi với tư cách là chủ rừng. Việc viện dẫn Quyết định 147 và Thông tư 24 để tiếp tục kiến nghị của các hộ dân thôn Khe Mương là không có cơ sở giải quyết.

Tìm một giải pháp thỏa đáng

Trước lúc tìm ra cách giải quyết thỏa đáng nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân cần phải nói thêm rằng trước đó, ngày 29/6/2017 Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã có văn bản số 856/SNN-KHTC về việc giải quyết đơn xin chuyển đổi rừng của nhóm hộ xã Hải Sơn. Theo đó, huyện Hải Lăng được chuyển 417 ha rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, tiểu khu 853S là 90 ha, trong đó có 50,8 ha của 41 hộ tại thôn Khe Mương. Đến ngày 5/12/2017, UBND tỉnh có văn bản số 3359/QĐ-UBND quyết định việc phê duyệt phương án rà soát chuyển đổi đất rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang rừng sản xuất và huyện Hải Lăng có 417 ha được chuyển đổi. Cơ sở pháp lí đã rõ ràng, cấp chính quyền cao nhất đã thực hiện đúng với phương án chuyển đổi rừng.

Theo cụ ông Trần Quốc Văn, người dân thôn Khe Mương nhận khoán trồng rừng là để mưu cầu hưởng lợi từ nghề rừng. Trong suốt 15 năm bám víu vào rừng cây, người dân chỉ được hưởng duy nhất số tiền 2,5 triệu đồng/ha và giống cây trồng ban đầu chứ không có thêm một khoản tiền nào nên mong muốn được thanh lí rừng để đem lại thu nhập. Vì thế từ năm 2012 khi những diện tích rừng xung quanh được khai thác, người dân thôn Khe Mương đã có đơn xin khai thác thì được cấp thẩm quyền trả lời là 50,8 ha vẫn thuộc rừng phòng hộ nhưng đến năm 2017 lại quyết định chuyển sang rừng sản xuất nên gây bất bình trong người dân. Nếu 50,8 ha rừng ở thôn Khe Mương mãi mãi là rừng phòng hộ thì chắc chắn người dân sẽ không có ý kiến gì. Đằng này chỉ sau 5 năm đã thay đổi từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất nên mới sinh ra khiếu kiện của người dân.

Bây giờ trở lại thôn Khe Mương mới nhận thấy sự bất an trong đời sống của người dân. Không ai bảo ai, họ luôn cảnh giác trước mọi hiện tượng lạ tại địa bàn. Từ phản đối đến ngăn cản đơn vị vào khai thác rừng đến miếng cơm hằng ngày đều phải canh cánh lo toan. Trưởng thôn Khe Mương Mai Văn Quốc trấn an chúng tôi: “Với tư cách là công an viên thôn, bản thân tôi luôn có mặt ở các điểm nóng trên địa bàn để ổn định trật tự trị an nhưng luôn vận động người dân ý thức chấp hành luật pháp. Mình bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo vệ công sức mồ hôi nước mắt mình bỏ ra nhưng phải trong sự ôn hòa, không được quá khích. Chân lí và sự thật tất cả đều trông chờ vào sự sáng suốt của cấp trên”.

Cụ ông Trần Quốc Văn kiến nghị: “Bây giờ chúng tôi không cần xây dựng hạ tầng, thậm chí không cần đất để trồng lại rừng mà chỉ cần một thứ duy nhất đó là tài sản trên đất (cây rừng) bởi đó là mồ hôi và nước mắt của người dân Khe Mương chúng tôi đã chảy trong suốt 15 năm qua”.

Hồ Nguyên Kha

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=144007