Vì sao UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là 'Nhân vật kiệt xuất', 'Danh nhân văn hóa thế giới'?
Tại Khóa họp lần thứ 24 cuối năm 1987, Đại Hội đồng UNESCO thông qua Nghị quyết, mang ký hiệu số 24C/16 về việc tổ chức chương trình Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trước đó, cuối năm 1974, tại tại Paris (thủ đô nước Cộng hòa Pháp), Phiên họp lần thứ 18 Đại Hội đồng Tổ chức Khoa học, Giáo dục, Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết, mang ký hiệu số 18C/4.351, trong đó viết rằng: sẽ định kỳ xét để "tổ chức lễ kỷ niệm các nhân vật kiệt xuất và sự kiện lớn tại các quốc gia thành viên nhằm góp phần làm cho mọi người biết đến tên của các nhân vật này và các sự kiện đã để lại dấu ấn trong sự phát triển của nhân loại". Nghị quyết này ghi rõ: "Cho phép ông Tổng Giám đốc "yêu cầu các Ủy ban quốc gia đệ trình danh sách đã lựa chọn các ngày lễ kỷ niệm (một trăm năm chẵn hoặc nhiều trăm năm) của các nhân vật kiệt xuất và các sự kiện lớn trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và truyền thông mà các Ủy ban quốc gia sẽ tổ chức kỷ niệm vào các năm 1977 và 1978".
Cuối năm 1976, vấn đề trên đây được nhắc lại tại phiên họp lần thứ 19 Đại Hội đồng UNESCO ở Nairobi (Thủ đô nước Kenya). Trong phần Phụ lục số OPI-78/WS/11 của Phiên họp về Lễ kỷ niệm các nhân vật kiệt xuất và các sự kiện lịch sử trọng đại 1979-1980 nêu rằng, vào đầu năm 1978, đề nghị các Ủy ban quốc gia gửi một bản danh sách có lựa chọn các lễ kỷ niệm vào năm 1979-1980 các nhân vật kiệt xuất và các sự kiện trọng đại liên quan đến giáo dục, khoa học, văn hóa và truyền thông. Danh sách các lễ kỷ niệm này sẽ được công bố vào năm 1978 và phân phát cho các Ủy ban quốc gia và các tổ chức phi chính phủ. Sau Nghị quyết trên, hưởng ứng lời đề nghị của ông Tổng Giám đốc, 35 quốc gia thành viên đã gửi danh sách các lễ kỷ niệm mà họ đề nghị tổ chức trong các năm 1979-1980. Trong số 35 quốc gia, có Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đề xuất kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi với danh nghĩa Nhà thơ, người sáng lập nền văn học cổ điển và anh hùng dân tộc của Việt Nam vào năm 1980 (Cộng hòa Dân chủ Đức cũng đề xuất kỷ niệm Nguyễn Trãi với danh nghĩa Nhà thơ và học giả người Việt Nam).
13 năm sau, tại Khóa họp lần thứ 24 cuối năm 1987, trên cơ sở đề xuất của phía Việt Nam và một số quốc gia khác, Đại Hội đồng UNESCO có một chương trình nghị sự thảo luận, xem xét và đã thông qua Nghị quyết, mang ký hiệu số 24C/16 về việc sẽ tổ chức kỷ niệm 6 nhân vật, trong đó có chương trình Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (Việt Nam).
Cuộc thảo luận về kỷ niệm các nhân vật kiệt xuất năm 1987 diễn ra trong bối cảnh nội bộ UNESCO đang diễn ra cuộc đấu tranh tập hợp lực lượng mới sau khi một số nước, trong đó có Mỹ rút khỏi UNESCO. Một số nước đề nghị để đến năm 1989, Phiên họp lần thứ 25 sẽ công nhận bởi đến lúc đó mới là kỷ niệm năm chẵn, nhưng nhiều đoàn đề nghị phải thông qua ngay trong năm 1987 thì mới đỡ cập rập cho năm 1990. Toàn bộ hồ sơ, biên bản của Phiên họp đã được in ấn, hiện Bảo tàng Hồ Chí Minh của Việt Nam đang lưu giữ quyển hồ sơ này.
Nghị quyết về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn mở đầu nhắc lại Nghị quyết Phiên họp toàn thể lần thứ 18, số 18C/4351 như là mặc định phải tuân thủ rằng: "Xét thấy việc tổ chức kỷ niệm trên quy mô quốc tế những nhà trí thức lỗi lạc và danh nhân văn hóa là góp phần vào việc thực hiện những mục tiêu của UNESCO và vào sự hiểu biết trên thế giới".
Nhìn lại bối cảnh những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 20 để thấy rằng việc UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề dễ dàng, thậm chí không thể nếu nhân vật không phải là Hồ Chí Minh, bởi lúc đó (năm 1987) vấn đề Campuchia và vấn đề người Việt Nam vượt biên đang nổi lên. Trong lúc đó, hệ thống XHCN đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng. Trong tổng số phiếu 159 nước thành viên Đại Hội đồng thì các nước XHCN chỉ có 8. Thế nhưng, cuộc thảo luận của Đại Hội đồng Phiên họp lần thứ 24 diễn ra với tình cảm chân thành đối với nhân vật được đề xuất trong hồ sơ là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gần 30 nước đã ký tên đồng tác giả dự thảo Nghị quyết về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lên Đại Hội đồng. Cuộc họp Tiểu ban các vấn đề văn hóa đã thảo luận dự thảo này và được thông qua tại Đại Hội đồng bằng biểu quyết với đa số tán thành.
Trong quá trình thảo luận, Chủ tọa phiên họp (quý bà người Thái Lan) cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản chung của nhân loại, có giá trị vĩnh hằng, là niềm tự hào của các dân tộc. Một đại biểu của Cộng hòa Dân chủ Đức cho rằng, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn của mọi thời đại. Một đại biểu của Sri Lanca cho rằng, Hồ Chí Minh là một nhà tiên tri, là ngọn hải đăng của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Còn ông Trưởng đoàn đại biểu của Ấn Độ thì cho rằng, Hồ Chí Minh là một danh xưng cao quý, không chỉ nằm ngay trong mỗi chúng ta, mà gắn với sự tiến bộ của thời đại, vì vậy việc kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Hồ Chí Minh vừa là một sự kiện quan trọng, vừa là niềm tự hào, niềm vinh dự lớn lao đối với mọi người lao động.
Nghị quyết trên đây của UNESCO ghi nhận rằng, "năm 1990 sẽ được đánh dấu bằng lễ kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc và là nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam". Nghị quyết còn khẳng định rằng: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội... Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật, là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau". Do đó, Nghị quyết của UNESCO đã nêu rõ: "Khuyến nghị các quốc gia thành viên kết hợp kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cách tổ chức những hoạt động đa dạng để tưởng niệm Người, để làm cho mọi người hiểu được tầm vóc to lớn của những tư tưởng và sự nghiệp của Người vì công cuộc giải phóng dân tộc".
UNESCO đánh giá và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh như vậy còn là vì: Người là chiến sĩ tiên phong trong thế kỷ XX, thế kỷ phi thực dân hóa; là một con người đầy lòng vị tha, khoan dung; một chiến sĩ văn hóa, một hiệp sĩ của UNESCO tích cực giải quyết những vấn đề toàn cầu, trong đó lớn nhất và vĩ đại nhất là Người đã dành cả cuộc đời của mình cũng như hướng cả dân tộc Việt Nam cùng những dân tộc khác trên thế giới vào đấu tranh giải phóng con người. Từ mục tiêu chung nhất đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên và hướng vào giải quyết vấn đề hòa bình, hòa bình cho dân tộc Việt Nam và hòa bình cho thế giới, một nền hòa bình thật sự, hòa bình bền vững mà trên đó bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Phiên họp lần thứ 24 Đại Hội đồng UNESCO năm 1987 tại Paris đã thực hiện được một sứ mệnh lớn lao, có ý nghĩa quan trọng đối với việc làm cho các dân tộc hiểu biết nhau hơn, làm cho con người xích lại gần nhau hơn, làm cho thế giới đẹp hơn lên khi khuyến nghị các quốc gia thành viên có những hoạt động kỷ niệm, tưởng niệm những danh nhân, những sự kiện văn hóa theo tiêu chí của mình, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó có ý nghĩa văn hóa thật sự lớn lao, bất chấp độ dài của thời gian phát triển nhân loại.
Bài viết tham khảo "Biên bản của Đại Hội đồng UNESCO, Phiên họp lần thứ 24 tại Paris, từ ngày 20/10 đến ngày 20/11/l987"; đồng thời tham khảo cuốn sách của các tác giả Mạch Quang Thắng, Bùi Đình Phong, Chu Đức Tính: UNESCO với sự tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013.