Vì sao UNRWA bị cấm hoạt đột ở Israel?
Ngày 28/10/2024, Quốc hội Israel đã bỏ phiếu cấm Cơ quan Liên Hợp quốc về cứu trợ và việc làm dành cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA), hiện đang hoạt động tại nước này cùng các vùng lãnh thổ Palestine với cáo buộc UNRWA là 'tổ chức hỗ trợ khủng bố'…
UNRWA là gì?
Được Liên hợp quốc thành lập năm 1949, thoạt đầu trách nhiệm của UNRWA chủ yếu hỗ trợ người Do Thái từ nhiều nơi trên thế giới quay về sau khi Nhà nước Israel ra đời và người Palestine sống trong lãnh thổ Israel. Đến năm 1952, Liên hợp quốc chính thức giao trách nhiệm điều hành UNRWA cho Israel và được gia hạn 3 năm 1 lần. Căn cứ theo quyết định này, việc điều hành UNRWA của Israel sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2026 nếu không được gia hạn thêm lần nữa.
Theo tôn chỉ, UNRWA có chức năng cung cấp việc làm, hệ thống giáo dục, mạng lưới chăm sóc sức khỏe, dịch vụ xã hội và các hoạt động cứu trợ trực tiếp tại 5 khu vực gồm Jordan, Lebanon, Syria, Dải Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem. Tính đến ngày 7/10/2023, là ngày mà Hamas tấn công Lễ hội âm nhạc Israel, UNRWA có hơn 30.000 nhân viên, phần lớn là người Palestine cùng số ít người của các quốc gia khác, phục vụ 6 triệu dân tị nạn, trong đó chỉ riêng Dải Gaza là 1.476.706 người Palestine sống trong 8 trại tị nạn còn ở Bờ Tây, con số này là 800.000 người.
Một quan chức Liên hợp quốc cho biết trong cuộc xung đột hiện nay ở Gaza, gần như toàn bộ dân số Gaza phải phụ thuộc vào UNRWA để có thể nhận được các nhu yếu phẩm cơ bản là thức ăn, nước uống, dụng cụ vệ sinh, chăm sóc y tế. Hơn 200 nhân viên UNRWA đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas tính từ ngày 7/10/2023 đến giờ.
Mặc dù nhận được nhiều khen ngợi từ nhiều chính phủ, các tổ chức xã hội và các giám sát viên độc lập, UNRWA cũng phải hứng chịu những chỉ trích liên quan đến phong trào Hamas mà gần đây nhất, khi quân đội Israel tiêu diệt Sinwar, người đứng đầu Hamas, họ đã tìm thấy trong túi áo Sinwar tấm thẻ chứng nhận là nhân viên UNRWA, chưa kể trước đó Israel đã đưa ra bằng chứng, khẳng định 12 nhân viên UNRWA dính líu trực tiếp đến vụ tấn công Lễ hội âm nhạc. Hệ quả là tháng 5/2024, một số nhà tài trợ lớn đã tạm thời đình chỉ những khoản tiền cung cấp cho UNRWA trong khi chờ đợi kết quả điều tra.
Một hồ sơ dài 6 trang được Israel cung cấp cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo quốc tế cho thấy 12 nhân viên UNRWA “đã trực tiếp tham gia các cuộc tấn công ngày 7/10/2023, bao gồm 9 người là giáo viên tại các trường học của UNRWA”. Hồ sơ cũng cho biết Israel có bằng chứng UNRWA đã tuyển dụng 190 chiến binh Hamas và Phong trào thánh chiến Hồi giáo Jihad, chiếm 0,64% tổng số nhân viên của UNRWA đồng thời sử dụng các cơ sở của UNRWA làm nơi chôn giấu vũ khí.
Ngược dòng thời gian, những tai tiếng về UNRWA đã xuất hiện từ năm 2021, khi Chính phủ Australia và Canada bắt đầu những cuộc điều tra về tổ chức này dựa trên những phát hiện của Chính phủ Anh, rằng “UNRWA đã biên soạn và phổ biến sách giáo khoa trong các trường học do họ điều hành với nội dung kích động bạo lực, ca ngợi hành vi khủng bố và bài Do Thái”. Đến tháng 3/2024, một cố vấn cao cấp thuộc Quỹ Bảo vệ dân chủ đã làm chứng tại Tiểu ban giám sát và trách nhiệm giải trình thuộc Hạ viện Anh, rằng “UNRWA đã truyền bá sứ mệnh cốt lõi, nhồi sọ người Palestine từ thế hệ này qua thế hệ khác lòng căm thù dân Do Thái, phá hủy Israel, sẵn sàng thể hiện mình là những kẻ làm nhiệm vụ quét sạch người Do Thái xuống Địa Trung Hải”.
Cũng trong phiên điều trần, Tổng giám đốc điều hành Viện Giám sát hòa bình và khoan dung văn hóa trong giáo dục trường học Anh quốc xác nhận: “UNRWA dạy cho học sinh Palestine thà chết còn hơn chung sống với người Israel”. Những cáo buộc đó đã dẫn đến việc tháng 9/2021, Ủy ban Kiểm soát ngân sách của Nghị viện châu Âu đồng ý giữ lại 20 triệu euro viện trợ cho UNRWA nếu không có những thay đổi ngay lập tức trong chương trình giáo dục.
Theo nghị quyết, Nghị viện châu Âu “lo ngại về lời nói thù địch và bạo lực trong sách giáo khoa, được UNRWA sử dụng trong các trường học ở Palestine…”. Tiếp theo, đầu năm 2024, Hội đồng quốc gia Thụy Sĩ cũng bỏ phiếu cắt giảm khoản tài trợ cho UNRWA với lý do “lo ngại về chủ nghĩa bài Do Thái và những mối liên hệ của UNRWA với chủ nghĩa khủng bố”.
Với Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, cơ quan này cũng đưa ra những nhận xét không mấy tốt đẹp về UNRWA, rằng có nhiều chỉ dấu cho thấy đây không phải là một tổ chức trung lập qua việc các đường hầm của Hamas được tìm thấy bên dưới các trường học của UNRWA ở Gaza, một số giáo viên và Chủ tịch công đoàn UNRWA tại Gaza là ông Suhail al-Hindi được bầu vào ban lãnh đạo Hamas, các tên lửa được bắn ra từ trong khuôn viên các trường học do UNRWA điều hành, mỗi trường học của UNRWA đều có một đại diện do Hamas chỉ định để tuyển sinh vào khối Hồi giáo, một số nhân viên UNRWA đã lợi dụng các đặc quyền của mình trong nhiều năm, bao gồm cả việc sử dụng xe UNRWA để vận chuyển vũ khí cho Hamas.
Một quan chức thuộc Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc nói: “Việc một cơ quan trung lập của Liên hợp quốc lại có mối quan hệ chặt chẽ với Hamas quả là điều đáng kinh ngạc. Nhưng sự thật này phù hợp với cuộc kiểm toán nội bộ của Liên hợp quốc với UNRWA, rằng UNRWA đã không giám sát chặt chẽ các cơ sở của mình”.
Những hệ lụy từ việc UNRWA bị Israel cấm hoạt động
Trước những cáo buộc của một số quốc gia về những hoạt động của UNRWA cùng những chứng cứ do Israel thu thập, nhất là sau khi chiến tranh Israel, Hamas, Hezbollah và gần đây là với Iran nổ ra, hôm thứ Hai 28/10/2024, 92 nghị sĩ Israel đã bỏ phiếu cấm các hoạt động của UNRWA ở Israel trong lúc chỉ có 10 phiếu chống. Bên cạnh đó, 92 nghị sĩ nêu trên cũng nhất trí với dự luật cắt đứt quan hệ với tổ chức này đồng thời ông Netanyahu, Thủ tướng Israel còn kêu gọi nước Mỹ, đồng minh hàng đầu của Israel và là nhà tài trợ lớn nhất cho UNRWA rút lại sự ủng hộ của mình vì “UNRWA đã bị Hamas đục lỗ”.
Theo ông Dan Illouz, phát ngôn viên của Quốc hội Israel, dự luật sẽ có hiệu lực trong vòng 60 đến 90 ngày kể từ khi thông báo của Bộ Ngoại giao Israel gửi tới Liên hợp quốc. Bà Sharren Haskel, nhà lập pháp Quốc hội Israel nói: “Nếu Liên hợp quốc không sẵn sàng xóa bỏ chủ nghĩa khủng bố khỏi tổ chức này thì chúng ta phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng họ không thể làm hại người dân của chúng ta được nữa”.
Vẫn theo bà Haskel: “Hiện vẫn có các cơ quan Liên hợp quốc hoạt động cứu trợ nhân đạo như Tổ chức Lương thực thế giới (FAO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cùng nhiều tổ chức khác. Cộng đồng quốc tế hoàn toàn có thể sử dụng các tổ chức này cho các hoạt động cứu trợ chứ đâu nhất thiết phải là UNRWA”. Còn với Thủ tướng Israel, ông viết trên mạng xã hội: “Những nhân viên UNRWA đã tham gia các hoạt động khủng bố chống lại Israel sẽ phải chịu trách nhiệm, nhưng việc tránh khỏi một thảm họa nhân đạo cũng rất cần thiết. Viện trợ phải luôn có sẵn ở Gaza vào thời điểm hiện tại và trong tương lai".
Tuy nhiên, ông Matthew Miller, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ khi trả lời các nhà báo đã nói rằng “chính quyền Tổng thống Biden quan ngại sâu sắc về luật cấm vì không ai có thể sẵn sàng thay thế UNRWA ngay lập tức giữa cuộc khủng hoảng này…”.
Với những người phản đối, việc Quốc hội Israel cấm UNRWA hoạt động sẽ gây nguy hiểm cho quá trình phân phối hàng viện trợ vốn đã rất mong manh ở Dải Gaza, nhất là thời điểm Israel đang tăng cường các nỗ lực nhằm đánh bại Hamas bởi hầu hết các hoạt động của UNRWA đều diễn ra ở Bờ Tây và Dải Gaza. Nó phụ thuộc rất nhiều vào những thỏa thuận với Israel trong việc tiếp cận các cửa khẩu biên giới. Ông Ismail, thành viên cao cấp của UNRWA nói: “Trong quá khứ, Israel đã nhiều lần ngăn cản các đoàn xe chở hàng cứu trợ của Liên hợp quốc vào Gaza còn lần này, họ cấm tất cả mọi hoạt động của UNRWA, là đầu mối tiếp nhận hàng viện trợ mà không hề có các điều khoản nào cho phép các tổ chức khác làm nhiệm vụ thay thế. Câu hỏi đặt ra là số phận của 1,9 triệu người Palestine ở các trại tị nạn sẽ như thế nào?”.
Ông Philippe Lazzarini, Tổng ủy viên của UNRWA viết trên trang X: “Luật này sẽ chỉ làm sâu sắc thêm sự đau khổ của người Palestine, đặc biệt là ở Gaza, nơi họ đã trải qua hơn một năm địa ngục. Nó sẽ tước đi quyền được đi học của hơn 650.000 trẻ em trai và trẻ em gái Palestine, gây nguy hiểm cho cả một thế hệ, làm tăng thêm sự đau khổ của người Palestine. Nó chẳng khác gì hơn là sự trừng phạt tập thể”.
Còn với ông Juliette Touma, giám đốc truyền thông UNRWA thì: “Nếu luật cấm được thực hiện, đó sẽ là thảm họa. UNRWA là tổ chức nhân đạo lớn nhất ở Gaza. Ai có thể thay nó làm công việc này? Thật vô lý khi một quốc gia thành viên của Liên hợp quốc lại tìm cách giải thể một cơ quan của Liên hợp quốc…”.
Để dẫn chứng, ông Juliette Touma đưa ra con số đã được các phương tiện truyền thông thế giới công bố: Gần 1 triệu người Palestine ở Gaza - trong đó khoảng 300 nghìn trẻ em đang lâm vào cảnh đói ăn cùng cực và con số này chắc chắn sẽ không dừng lại nếu không còn UNWAR. Đáp lại, Thủ tướng Benjamin Netanyahu khẳng định: “Trong 90 ngày trước khi luật có hiệu lực cũng như sau đó, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế để bảo đảm rằng Israel sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho hàng viện trợ nhân đạo đến với người dân ở Gaza miễn là nó không đe dọa an ninh của Israel”.
Với các quốc gia đồng minh của Israel, trước khi luật cấm UNRWA được Quốc hội Israel thông qua, các bộ trưởng ngoại giao Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Australia đã ra tuyên bố bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về sự sống còn của người Palestine trước cái đói, thiếu thốn nước sạch, thuốc men, vật tư y tế cùng các cơ sở khám chữa bệnh và sự an toàn ở nơi cư trú. Tất cả đều cho rằng Liên hợp quốc cần nhanh chóng có những cải tổ sâu sắc để UNRWA trở thành một tổ chức thuần túy nhân đạo bởi lẽ “thay vì phải trực thuộc Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), người tị nạn Palestine là nhóm người duy nhất trên thế giới được Liên hợp quốc giao cho một cơ quan chuyên trách là UNRWA. Vì thế, cộng đồng quốc tế phải đưa UNRWA về đúng vị trí của mình...".
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/vi-sao-unrwa-bi-cam-hoat-dot-o-israel--i749283/