Vì sự phát triển bền vững

Trong những năm qua, du lịch đã trở thành ngành kinh tế có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về 'Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo', ngành Du lịch Thủ đô đã trở thành điểm sáng của cả nước.

Điểm nổi bật là Hà Nội có thêm nhiều điểm đến mới, nhiều sản phẩm du lịch mang tính đặc thù trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, hệ thống di sản đồ sộ, danh thắng đặc sắc cùng nếp sinh hoạt riêng có của người dân Thủ đô. Trong đó, phải kể đến các sản phẩm du lịch đã trở thành thương hiệu của Hà Nội, như: Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; vận hành tuyến buýt City Tour…

Ngành Du lịch Thủ đô cũng đã kết nối các chuỗi di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Hà Nội để tạo sức hút riêng với du khách. Ngoài ra, những sản phẩm làng nghề, các món ăn đường phố mang thương hiệu “ẩm thực Hà thành”… được đẩy mạnh khai thác để phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm “chất” kinh đô ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội.

Hà Nội cũng chú trọng hoàn thiện, xây dựng hạ tầng du lịch ở các điểm đến, cơ sở lưu trú, hạ tầng giao thông…; thích ứng với du lịch thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua việc áp dụng công nghệ. Đặc biệt, quá trình phát triển du lịch đã thu hút được sự tham gia tích cực, hiệu quả của nhiều doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Với lợi thế vốn có cùng những thành quả đã đạt được, việc Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là hoàn toàn có cơ sở. Tuy vậy, để hiện thực hóa mục tiêu này, ngay trước mắt, ngành Du lịch Thủ đô cần hóa giải những thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây cũng là cơ sở để lĩnh vực du lịch hoàn thành các mục tiêu dài hạn đề ra tại Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 30-9-2020 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cách thức hiệu quả, bài bản nhất vẫn là từng bước hoàn thiện các sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời tập trung mở rộng, phát triển sản phẩm mới theo hướng kết hợp giữa nét văn hóa truyền thống đặc sắc Thăng Long - Hà Nội với việc ứng dụng công nghệ hiện đại.

Song song với các giải pháp trên, ngành Du lịch Thủ đô cần phát huy vai trò là trung tâm kết nối các tour, tuyến du lịch quốc tế và tour, tuyến với các tỉnh, thành phố trong nước bảo đảm chất lượng, sức cạnh tranh cao. Đây cũng là cách xây dựng được những sản phẩm du lịch có tính liên vùng, liên địa phương, từ đó đáp ứng được nhiều đối tượng du khách.

Đi đôi với việc hoàn thành xây dựng các dự án du lịch quy mô lớn đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, ngành Du lịch Thủ đô cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ thu hút các doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội, triển khai các dự án phát triển du lịch trên địa bàn, ưu tiên các dự án phát triển hạ tầng du lịch như cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí; tiếp tục mở rộng, hoàn thiện mạng lưới giao thông đến những điểm du lịch…

Bên cạnh đó, những giải pháp trọng tâm như quảng bá, xúc tiến du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện chất lượng dịch vụ… cần được đầu tư mạnh mẽ, góp phần đạt mục tiêu đưa ngành Du lịch phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bắc Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/980195/vi-su-phat-trien-ben-vung