Vị thế thật sự của Eximbank là gì, ở đâu?

Vấn đề chuyển trụ sở của Eximbank đã được đưa ra bàn luận tại nhiều kỳ đại hội đồng cổ đông trước đó.

Sáng 24-10, Báo Người Lao Động đã có bài "Nói thẳng" về việc Eximbank đang "cột giày giữa ruộng dưa"? Đến cuối ngày, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) phát thông cáo báo chí cho biết ngân hàng có nhận được thông tin về một số văn bản lan truyền trên mạng xã hội, xuất hiện trên báo chí liên quan hoạt động của đơn vị về chủ trương chuyển trụ sở; cấp tín dụng cho khách hàng…

Eximbank từng có phương án xây dựng trụ sở mới tại lô đất số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1.

Eximbank từng có phương án xây dựng trụ sở mới tại lô đất số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1.

Theo Eximbank, các thông tin này đã gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, khách hàng, xâm phạm quyền lợi của cổ đông ngân hàng. Đặc biệt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, thương hiệu, uy tín của Eximbank.

Thế nhưng, từ trưa cùng ngày (24-10), theo tìm hiểu của phóng viên, cộng tác viên Báo Người Lao Động thì Hội đồng quản trị Eximbank đã ra Nghị quyết số 307/2024/EIB-HĐQT chấp thuận chuyển trụ sở từ TP HCM ra Hà Nội theo tờ trình ngày 26-9-2024 của quyền Tổng Giám đốc ngân hàng Nguyễn Hoàng Hải.

Ngoài ra, vấn đề chuyển trụ sở của Eximbank cũng đã được đưa ra bàn luận tại nhiều kỳ đại hội đồng cổ đông trước đó. Vì vậy, đây là thông tin chính thức đã được "chính chủ" phát đi, có độ phổ biến rộng rãi, công khai, chứ không thuộc dạng "một số văn bản lan truyền trên mạng xã hội, xuất hiện trên báo chí".

Hơn nữa, trong lập luận của quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cũng nêu rằng, Hà Nội là trung tâm kinh tế, tài chính, chính trị của cả nước. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Phần lớn các ngân hàng thương mại cổ phần hiện có trụ sở chính tại Hà Nội. Thế nên, ông Hải cho rằng việc đặt trụ sở chính tại Hà Nội sẽ giúp Eximbank nâng cao được vị thế tại Hà Nội và khu vực phía Bắc, giúp cân bằng phát triển giữa hai miền, hướng tới việc thực hiện mục tiêu chiến lược là trở thành ngân hàng hàng đầu Việt Nam với thương hiệu bao phủ khắp toàn quốc.

Không phủ nhận mục tiêu của người đại diện điều hành Eximbank nhưng có quyền hoài nghi về hiệu quả cân bằng thực sự đối với một khu vực mà tỉ trọng hoạt động của ngân hàng lên tới 65%, tức tính thu hút của vùng hoạt động đạt hiệu quả cao - hiệu ứng của việc định vị, trưởng thành và phát triển qua gần 40 năm thương hiệu của một ngân hàng xuất nhập khẩu đầu tiên thời kỳ Đổi Mới.

Đặt trong quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ mới và các nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị về phát triển TP HCM và Đông Nam Bộ, của Quốc hội về phát triển thành phố theo cơ chế đặc thù thì cần tính cả vùng ảnh hưởng để từ đó, cùng vùng thu hút tạo nên tuyến lực để khơi thông, bổ trợ nội lực trong cấu trúc phát triển trung tâm (TP HCM) với liên kết vùng (Đông Nam Bộ với tư cách là cực tăng trưởng phía Nam và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để tiến nhanh ra khu vực ASEAN) - mục tiêu và cũng là nhiệm vụ của mô hình Trung tâm tài chính quốc tế TP HCM mà văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã thông qua.

Chưa kể, trong thời đại kinh tế số, với tính năng và hiệu quả của công cuộc chuyển đổi số, cần cân phân kỹ, thấu đáo giữa việc duy trì thị phần đang chiếm tỉ trọng cao của đơn vị với mạo hiểm chuyển dịch trụ sở mà theo xu thế, số hóa, kể cả online hóa không gian làm việc là một lựa chọn tối ưu.

Dù gì thì vị thế của một ngân hàng chính là uy tín, sự ổn định và hiệu quả trong chính sách điều hành vốn được thể hiện qua mãi lực thị trường và nội lực hoạt động của một đội ngũ chuyên nghiệp, trách nhiệm không chỉ với đơn vị mà còn hướng tới phát triển hệ sinh thái chung.

Bảo An

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vi-the-that-su-cua-eximbank-la-gi-o-dau-196241025125115745.htm