Vị trí, mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc với nhân dân, các tổ chức trong hệ thống chính trị

Theo Hiến pháp năm 2013, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

 Hội nghị Giao ban công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.

Hội nghị Giao ban công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.

Vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ngay sau khi giành được chính quyền về tay Nhân dân, Mặt trận đã trở thành một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị nước ta. Mặt trận và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị ở nước ta tuy có vai trò, vị trí, chức năng và phương thức hoạt động khác nhau nhưng đều là công cụ thực hiện và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân nhằm một mục đích chung là: Phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.

Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015 khẳng định nguyên tắc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát triển đa dạng các hình thức tổ chức, hoạt động để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, không phân biệt thành phần giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, quá khứ nhằm động viên mọi nguồn lực góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Điều 12).

Như vậy, vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do chính Nhân dân, chính lịch sử cách mạng Việt Nam thừa nhận và được hiến định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.

Mối quan hệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức trong hệ thống chính trị

Mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Đảng Cộng sản Việt Nam

Đảng lãnh đạo Mặt trận để thực hiện sự liên minh giữa Đảng với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, với các cá nhân tiêu biểu của các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo. Những yếu tố cơ bản xác định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận là:

- Đảng ban hành chủ trương, đường lối, chính sách xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng quy luật khách quan, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của các tầng lớp Nhân dân.

- Đảng lãnh đạo thông qua công tác tuyên truyền vận động, thuyết phục, bằng công tác kiểm tra, bằng công tác cán bộ và nêu cao vai trò gương mẫu của đảng viên theo khẩu hiệu: "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau".

- Đảng lãnh đạo thông qua Đảng đoàn, thông qua đại diện của tổ chức Đảng tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, trực tiếp trình bày chủ trương, đường lối của Đảng và kiến nghị với Mặt trận những vấn đề cần bàn bạc và phối hợp thực hiện.

- Đảng lãnh đạo sự phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, sự phối hợp giữa Mặt trận và chính quyền; đồng thời Đảng là một thành viên của Mặt trận. Cấp ủy đảng không đứng ra thực hiện sự phối hợp đó mà thông qua Ban Thường trực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Để làm tốt vai trò lãnh đạo, Đảng không chỉ làm tròn trách nhiệm của một thành viên như mọi thành viên khác, mà phải là thành viên hoạt động nhất, gương mẫu nhất. Đại diện cấp ủy tham gia Ủy ban Mặt trận cùng cấp có trách nhiệm sinh hoạt đầy đủ, chủ động, trình bày chủ trương, đường lối và kiến nghị của Đảng với Mặt trận; đồng thời lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các thành viên, đối thoại, thuyết phục, thực hiện hiệp thương dân chủ và phối hợp thống nhất hành động. Cấp ủy đảng phải giáo dục đảng viên gương mẫu thực hiện chương trình hành động chung, đã được các tổ chức thành viên nhất trí thông qua. Đảng tôn trọng, khuyến khích các tổ chức thành viên, Nhân dân thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội với việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức, cán bộ.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu tại Hội nghị Giao ban công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu tại Hội nghị Giao ban công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.

Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước

Điều 7 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định: Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước là quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và quy chế phối hợp công tác do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan nhà nước có liên quan ở từng cấp ban hành.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhà nước đều do Đảng lãnh đạo, đều là bộ phận hợp thành của hệ thống chính trị, đều là công cụ để Nhân dân thực hiện và phát huy quyền làm chủ của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên theo quy định của Hiến pháp, pháp luật là một tất yếu, là xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi bên.

Quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức thành viên cùng cấp

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc mỗi cấp chủ trì việc hiệp thương dân chủ giữa các thành viên để bàn bạc thực hiện những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương, của cuộc sống Nhân dân, phối hợp xây dựng chương trình hành động chung và cùng nhau thực hiện chương trình thống nhất hành động đó.

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 sẽ diễn ra trong các ngày 16, 17 và 18/10/2024 tại Thủ đô Hà Nội.

Dự kiến số lượng đại biểu tham dự Đại hội là gần 1.400 đại biểu. Trong đó, đại biểu là nữ có 324 vị (tỷ lệ 30,7%); Đại biểu là người ngoài Đảng có 492 vị (tỷ lệ 46,7%); Đại biểu là người dân tộc thiểu số có 267 vị (tỷ lệ 25,3%); Đại biểu là người tôn giáo có 198 vị (tỷ lệ 18,8%); Đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài có 20 vị (tỷ lệ 1,9%).

Trẻ tuổi nhất là đại biểu Thị Hà (SN 2004). Đây là cá nhân tiêu biểu dân tộc S'Tiêng, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Đại biểu cao tuổi nhất là thiếu tướng Võ Sở (SN 1929), Chủ tịch Hội truyền thống Trường sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.

Đề án nhân sự trình Đại hội, dự kiến số lượng Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa X là 405 vị (tăng 20 vị so với khóa IX). Trong đó, tái cử là 249 vị (tỷ lệ 61,5%), mới là 156 vị (tỷ lệ 38,5%). Số lượng Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa X là 72 vị (tăng 10 vị so với khóa IX). Trong đó tái cử là 49 vị (tỷ lệ 68,1%), mới là 23 vị (tỷ lệ 31,9%).

Nguồn: mawttran.gov.vn

BT (Tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vi-tri-moi-quan-he-giua-mat-tran-to-quoc-voi-nhan-dan-cac-to-chuc-trong-he-thong-chinh-tri-20241014114358783.htm