Vỉa hè, công viên đường nghìn tỷ không có lối dành cho người khuyết tật

Được đánh giá là tuyến đường bao biển đẹp nhất tỉnh Quảng Ninh, thế nhưng khu vực vỉa hè, công viên của đường Trần Quốc Nghiễn ở TP Hạ Long lại không có lối dành cho người khuyết tật.

Ước ao có lối lên vỉa hè, vào công viên

Chiều hè nóng nực, dựng chiếc xe 3 bánh sát vỉa hè rồi loay hoay chống nạng, khập khễnh vượt vỉa hè, ông Trần Văn Lâm (65 tuổi, nhà ở phường Hòn Gai, TP Hạ Long) cho biết, ông bị tai nạn lao động khiến chân bị khuyết tật từ nhiều năm trước.

Từ khi tuyến đường này khánh thành có công viên với nhiều hoa, cây xanh, ông Lâm thường xuyên ra đây đi dạo. Do không có đường lên cho phương tiện của người khuyết tật, nên ông Lâm phải để xe dưới lòng đường, chống nạng vào phía trong.

"Nếu như có lối lên cho người khuyết tật, chúng tôi sẽ di chuyển dễ dàng, an toàn hơn", ông Lâm kiến nghị.

Không có lối vào vỉa hè, công viên đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, người khuyết tật muốn đi dạo phải điều khiển xe lăn đi ở đường xe cơ giới.

Không có lối vào vỉa hè, công viên đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, người khuyết tật muốn đi dạo phải điều khiển xe lăn đi ở đường xe cơ giới.

Trên tuyến đường Trần Quốc Nghiễn kéo dài từ phường Bạch Đằng qua phường Hồng Hải đến phường Hồng Hà (TP Hạ Long), thi thoảng vẫn bắt gặp hình ảnh người khuyết tật điều khiển phương tiện đi vào làn của ô tô, xe máy, rất nguy hiểm.

Mải miết dùng 2 tay để guồng chiếc xe 3 bánh len lỏi trong dòng ô tô, xe máy nườm nượp trên đường Trần Quốc Nghiễn, ông Nguyễn Tuấn (72 tuổi, nhà ở khu 6 phường Hồng Hà, TP Hạ Long) kể, ông bị bệnh viêm xương trước tủy, hai chân bị ảnh hưởng, phải ngồi xe lăn.

"Các lối lên vỉa hè, vào công viên bị rào lại hết, người khỏe có thể dễ dàng bước qua, nhưng khuyết tật như chúng tôi thì rất khó khăn", ông Tuấn cho hay.

Mỗi lần đi dạo ở đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, ông Tuấn phải để xe ở lòng đường rồi chống nạng vào công viên.

Mỗi lần đi dạo ở đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, ông Tuấn phải để xe ở lòng đường rồi chống nạng vào công viên.

Đường Trần Quốc Nghiễn, đoạn từ cầu Bài Thơ đến điểm đấu nối đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả dài 4,7km, 6 làn xe, vỉa hè bên trong 5m, phía ngoài kết hợp với khuôn viên cảnh quan ngắm vịnh Hạ Long rộng tới 28m.

Trong khu vực vỉa hè, công viên được trồng rất nhiều hoa, cây xanh và được lắp đặt rất nhiều dụng cụ phục vụ nhân dân thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe với nhiều tiểu cảnh được kế độc đáo, ấn tượng.

Đặc biệt, tại khu vực cuối tuyến ở phường Hồng Hà được bố trí bãi tắm công cộng dài 900m là nơi người dân, du khách thường xuyên đến tắm, ngắm cảnh lúc hoàng hôn, chiều tà...

Trong quá trình thiết kế, thi công, có khá nhiều lối lên công viên, vỉa hè dành cho xe đạp, xe máy, nhưng thời gian gần đây đã bị rào lại, khiến người khuyết tật không còn lối vào.

Có nên không quản được thì cấm?

Trao đổi với PV Báo Giao thông về vấn đề này, bà Phạm Thị Minh Nguyệt, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hồng Hà cho biết, thời gian trước, do xe máy lưu thông rất nhiều trên vỉa hè, công viên, nên Ban Quản lý dự án đầu tư Xây dựng thành phố đã cho rào lại các lối lên.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Hạ Long cũng cho biết, trước đây, tình trạng người dân đi xe máy lên vỉa hè diễn ra nhiều, làm ảnh hưởng đến an toàn và nguy cơ làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình. Vì thế, cơ quan chức năng đã phải rào lại để đảm bảo an toàn.

Những người khỏe mạnh vẫn bê xe đạp đi lên vỉa hè, vào công viên tuyến đường bao biển, nhưng người khuyết tật thì không thể.

Những người khỏe mạnh vẫn bê xe đạp đi lên vỉa hè, vào công viên tuyến đường bao biển, nhưng người khuyết tật thì không thể.

Theo một cán bộ Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo quy định, nếu người điều khiển xe máy đi trên vỉa hè sẽ bị phạt từ 400-600 nghìn đồng. Trường hợp này không áp dụng đối với trường hợp người điều khiển xe máy qua hè phố để vào nhà.

Ông Vũ Minh Thiết, cán bộ hưu trí ở khu 2, phường Hồng Hà, TP Hạ Long cho biết, vỉa hè đường Trần Quốc Nghiễn rất rộng và thoáng, nhưng không có lối lên cho người khuyết tật, nên họ phải đi dưới lòng đường chung các phương tiện cơ giới.

"Các công trình công cộng đều thiết kế lối đi riêng cho người khuyết tật. Nếu người đi xe máy trên vỉa hè đường bao biển Trần Quốc Nghiễn thì cơ quan chức năng phải bố trí tuần tra, xử lý theo quy định chứ không phải quản lý không được thì rào cứng lại, gây khó khăn cho người khuyết tật", ông Thiết đề xuất.

Quang Minh

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/via-he-cong-vien-duong-nghin-ty-khong-co-loi-danh-cho-nguoi-khuyet-tat-192240619133202066.htm