Việc cần làm để lấp 'khoảng trống miễn dịch' ở TP.HCM

Không tiêm phòng đầy đủ là nguyên nhân chính tạo ra khoảng trống miễn dịch, khiến nhiều bệnh truyền nhiễm dễ bùng phát thành dịch.

 Khoảng trống miễn dịch càng lớn, bệnh càng có nguy cơ cao bùng phát và gây biến chứng ở trẻ nhỏ. Ảnh: Liêu Lãm.

Khoảng trống miễn dịch càng lớn, bệnh càng có nguy cơ cao bùng phát và gây biến chứng ở trẻ nhỏ. Ảnh: Liêu Lãm.

"Khoảng trống miễn dịch" nhiều lần được các chuyên gia tại Việt Nam cảnh báo thời điểm một năm sau đại dịch Covid-19. Năm nay, khái niệm này một lần nữa được đưa ra tại hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

Thời gian gần đây, các bệnh vốn có vaccine như sởi, ho gà tại TP.HCM cũng như các tỉnh phía Nam đang có xu hướng tăng cao. Lý giải điều này, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trẻ em không được tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch vậy nên độ bao phủ vaccine thấp.

Bệnh sởi, ho gà tăng cao

Đầu tuần nay, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay đơn vị này đang điều trị cho 5 trẻ mắc sởi có biến chứng. Trong đó, hai bé song sinh 8 tháng tuổi (quê Bến Tre) nhập viện với chẩn đoán sởi biến chứng viêm phổi. Ba trẻ còn lại cũng gặp biến chứng tương tự.

Lý do chung dẫn đến lây nhiễm sởi và biến chứng đều là sau dịch Covid-19, gia đình quên lịch tiêm đủ mũi vaccine cho trẻ. Ngoài ra, một bé 4 tuổi bị não úng thủy nên nhân viên y tế ngại tiêm vaccine.

 Một bệnh nhi sốt phát ban nghi sởi được chuyển ngay vào phòng cách ly tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Duy Hiệu.

Một bệnh nhi sốt phát ban nghi sởi được chuyển ngay vào phòng cách ly tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Duy Hiệu.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cũng cho hay các bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại đây cũng đều không được tiêm vaccine đủ mũi.

"Một số trẻ không tiêm vaccine là do chưa đủ tuổi tiêm chủng, ốm vào ngày tiêm. Một số khác lại bị gián đoạn quá trình tiêm do dịch Covid-19, bố mẹ bận rộn không có thời gian đưa con đi tiêm phòng", bác sĩ Nam cho hay.

Bên cạnh sởi, ho gà cũng là căn bệnh có chiều hướng bất thường trong năm nay. Theo số liệu báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM về tình hình bệnh truyền nhiễm tại khu vực phía nam trong 5 tháng đầu năm, số ca ho gà đang gia tăng với 40 ca bệnh. 67,5% trong số đó ở nhóm trẻ dưới 3 tháng tuổi. 75,7% trẻ chưa tiêm hoặc chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng bệnh.

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 2, khoảng 1/3 trường hợp ho gà điều trị tại đây cần thở oxy cannula, hơn 1/4 trường hợp có chẩn đoán kèm với viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản phổi, trào ngược dạ dày thực quản. Qua điều tra dịch tễ, các ca bệnh này xuất hiện rải rác và hiện chưa ghi nhận mối liên hệ dịch tễ với nhau.

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho hay trong năm nay, số ca mắc và nhập viện vì ho gà cao hơn các năm trước rất nhiều. Tất cả bệnh nhi đều là trẻ dưới 1 tuổi, đa số chưa được tiêm hoặc mới tiêm một mũi, chưa đủ kháng thể phòng bệnh.

Theo đánh giá của các bác sĩ, việc chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm không đủ vaccine chính là nguyên nhân chính tạo ra khoảng trống miễn dịch, khiến dịch bệnh trong năm nay lây lan nhiều hơn.

 Bệnh nhi mắc sởi do tiêm không đủ mũi vaccine. Ảnh: Duy Hiệu.

Bệnh nhi mắc sởi do tiêm không đủ mũi vaccine. Ảnh: Duy Hiệu.

Nhanh chóng thu hẹp khoảng trống miễn dịch

Trao đổi với Tri thức - Znews, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, lý giải khoảng trống miễn dịch là hiện tượng một nhóm trong quần thể không có miễn dịch với một số bệnh.

Khoảng trống miễn dịch có thể tạo ra bởi nhiều nguyên nhân như không tiêm chủng, tiêm không đầy đủ mũi hoặc tiêm rồi nhưng không đảm bảo miễn dịch do vaccine không được bảo quản đúng cách, tiêm sai kỹ thuật... Hiện nay, khoảng trống miễn dịch tốt nhất cần phải dựa trên báo cáo về tỷ lệ tiêm chủng.

"Tỷ lệ người dân không có miễn dịch càng lớn thì khoảng trống miễn dịch càng lớn, miễn dịch cộng đồng mất đi. Điều này rất dễ dẫn đến các vụ bùng phát dịch bệnh, như hiện nay là sởi", PGS Dũng cho biết.

Lấy bối cảnh hiện tại, khi dịch sởi có nguy cơ bùng phát tại nhiều tỉnh thành, PGS Dũng cho rằng nguyên nhân chính là người dân chưa tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.

Sởi là bệnh điển hình, nếu không tiêm vaccine, mọi người đều mắc sởi một lần trong đời. Vì những đặc tính này, nếu khoảng trống miễn dịch lớn, bệnh sẽ rất dễ lây lan trong cộng đồng.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính đến hết tháng 4, tỷ lệ trẻ đủ 18 tháng đã tiêm đủ 2 mũi sởi đối với lứa trẻ sinh năm 2018, 2019, 2020, 2021 lần lượt là 93,2%; 90,1%; 91,7% và 93,6%.

Nếu triển khai tiêm chủng nhanh, tôi dự đoán sau 1,5 tháng, dịch sởi sẽ được khống chế

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM

Mức bao phủ này đạt chỉ tiêu tối thiểu theo yêu cầu của Bộ Y tế, nhưng chưa đạt chỉ tiêu của TP.HCM đề ra là trên 95%. Đây là mức bao phủ cần thiết để có thể tạo miễn dịch cộng đồng ngăn ngừa bệnh bùng phát và tiến đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

"Kể cả ở Mỹ, đất nước có chính sách tiêm chủng rất tốt, dịch sởi vẫn bùng phát do một số người, vì một số niềm tin nhất định, không tiêm vaccine", PGS Dũng cho hay.

Theo ông, cách tốt nhất để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh là tiêm vaccine cho trẻ em trong độ tuổi và tăng cường tiêm vét cho các bé chưa được tiêm ngừa đầy đủ. Hiện, Sở Y tế TP.HCM cũng có các chương trình tiêm vét vaccine sởi cho trẻ em chưa tiêm đủ mũi.

"Nếu triển khai tiêm chủng nhanh, tôi dự đoán sau 1,5 tháng, dịch sởi sẽ được khống chế", PGS Dũng chia sẻ.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, sởi là bệnh xảy ra hàng năm với số lượng trẻ mắc rất cao. Kể cả khi có vaccine, mức độ phủ rộng vẫn không thể đạt 100%, dẫn đến việc sởi sẽ diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm/lần.

Trước đây, dịch sởi cũng bùng phát mạnh hồi năm 2014 và 2019, khiến nhiều trẻ em không qua khỏi. Vào những mùa dịch này, ngành y tế phải triển khai các phương án tiêm vét, tiêm bù mới thể giảm sự lây lan virus sởi.

Theo bác sĩ Khanh, trong bối cảnh bệnh truyền nhiễm gia tăng như hiện nay, bên cạnh giữ vệ sinh môi trường, cơ thể trẻ, phụ huynh nên rà soát lại lịch tiêm của con mình và tiêm bổ sung những loại vaccine còn thiếu.

"Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, cha mẹ cần chú trọng vaccine sởi vì căn bệnh này đang quay lại tại TP.HCM và các tỉnh phía nam. Chỉ cần tiêm phòng đầy đủ, đẩy tỷ lệ bao phủ vaccine lên trên 95% là bệnh sởi có thể được đẩy lùi", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/viec-can-lam-de-lap-khoang-trong-mien-dich-o-tphcm-post1481547.html