Việc gia nhập FTA mang lại nhiều kết quả tích cực cho sự phát triển của đất nước

Chiều 12-10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 49.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành Phiên họp thứ 49 để chuẩn bị nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Phiên họp diễn ra trong thời điểm các địa phương tổ chức đại hội Đảng, do vậy đề nghị các Ủy viên UBTVQH tham gia đầy đủ để phiên họp đạt chất lượng yêu cầu đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, về cơ bản các cơ quan, tổ chức hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thiện nội dung trình UBTVQH cho ý kiến, xem xét có đủ điều kiện trình Quốc hội hay không. Do phiên họp kết thúc sát vào ngày khai mạc Kỳ họp thứ 10 nên sau khi kết thúc mỗi nội dung, đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ khẩn trương phối hợp nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ các Báo cáo, dự thảo Nghị quyết, dự thảo Luật kịp trình Quốc hội.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TTXVN

* Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã tiến hành giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH Nguyễn Văn Giàu đã thông tin về kết quả thực hiện các FTA. Theo đó, tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã ký kết 13 FTA và đang đàm phán 3 FTA. Trong số 13 FTA đã ký kết, có 12 FTA đã có hiệu lực đối với Việt Nam thuộc phạm vi của chuyên đề giám sát, bao gồm 1 FTA thế hệ mới là Hiệp định CPTPP đã được Quốc hội phê chuẩn trong năm 2018; Hiệp định EVFTA có hiệu lực đối với Việt Nam từ 1-8-2020 không thuộc phạm vi giám sát của chuyên đề này.

Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Đáng chú ý, kể từ năm 2004 đến nay, tốc độ tăng bình quân xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các đối tác thương mại FTA đều đạt mức 2 con số, trong đó, Chile, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ là 4 đối tác có tốc độ tăng trị giá xuất nhập khẩu trung bình năm cao hơn 20%.

Qua thảo luận, các Ủy viên UBTVQH đánh giá cao việc gia nhập FTA đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho sự phát triển của đất nước. Về chính trị ngoại giao, việc tham gia FTA cần được khẳng định là đúng đắn, kịp thời, phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của nước ta; tăng cường sự đan xen lợi ích trong mối quan hệ giữa các đối tác, đặc biệt là các nước lớn và các nước có tiềm lực về mặt kinh tế, công nghiệp hiện đại; góp phần giữ vững môi trường hòa bình và ổn định chính trị; tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối tác, nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trên trường quốc tế. Về kinh tế - xã hội, các thành viên UBTVQH cho rằng, việc gia nhập FTA đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường truyền thống...

Góp ý về nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hiện nay vẫn còn có ý kiến khác nhau về mức độ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Có ý kiến cho rằng đi nhanh quá, mở rộng quá; có ý kiến lại cho rằng cần mở rộng hội nhập hơn nữa. Do đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị báo cáo cần khẳng định là thực hiện FTA mà Việt Nam là thành viên đã đem lại lợi ích chính đáng cho Việt Nam, bước đầu có khó khăn nhưng về lâu dài có kết quả tích cực.

Cùng với đó, bên cạnh lợi ích, cơ hội, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý, việc gia nhập FTA đang tạo áp lực đối với các doanh nghiệp trong nước; đặt ra yêu cầu về nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu, định hướng lại dòng vốn đầu tư bởi “chúng ta đã hết thời kỳ "trải thảm đỏ", mà bước vào thời kỳ lựa chọn dòng vốn đầu tư”. Đồng thời, đòi hỏi các giải pháp sẵn sàng ứng phó khi bị áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại và giải quyết tranh chấp...

Từ những phân tích trên, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị phải có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia FTA; khơi dậy, phát huy năng lực doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, nâng cao vai trò của Quốc hội, UBTVQH trong giám sát việc triển khai thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội để nội luật hóa các cam kết trong FTA đúng theo lộ trình...

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/viec-gia-nhap-fta-mang-lai-nhieu-ket-qua-tich-cuc-cho-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-640606