Việc Honduras cắt đứt với Đài Loan 'không đến trong một buổi sáng'
Việc Honduras cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc và thiết lập quan hệ với Bắc Kinh được coi là điều tất yếu khi tiềm lực và vị thế của Trung Quốc ngày một lớn.
“Thông cáo: Honduras tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan”, Bộ Ngoại giao Honduras đăng tải dòng thông báo trên lên tài khoản Twitter chính thức vào đúng 7h sáng 26/3 (giờ Việt Nam).
Vài giờ sau đó, Ngoại trưởng Honduras Eduardo Enrique Reina cụng ly với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương tại nhà khách Điếu Ngư Đài tại Bắc Kinh, động thái đánh dấu việc hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, theo AP.
Chuỗi sự việc ngày 26/3 là điều đã được giới phân tích dự đoán từ trước. Với quyết định của Honduras, Đài Bắc mất thêm một đồng minh ngoại giao trên trường quốc tế giữa lúc vấn đề eo biển Đài Loan vẫn liên tục nóng.
Diễn biến sự việc
Theo tuyên bố được đăng tải trên Twitter của Bộ Ngoại giao Honduras, chính phủ nước này công nhận “chỉ một Trung Quốc trên thế giới”, và Bắc Kinh “là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện toàn bộ Trung Quốc”.
“Đài Loan là một bộ phận không thể chia tách của lãnh thổ Trung Quốc. Hôm nay, chính phủ Honduras đã thông báo với Đài Loan về việc cắt đứt quan hệ ngoại giao, cam kết không có quan hệ hay mối liên hệ chính thức nào với Đài Loan", Bộ Ngoại giao Honduras tuyên bố.
Ngay trong sáng 26/3, cơ quan đối ngoại Đài Loan tổ chức một cuộc họp báo để ra tuyên bố tương tự. Ông Ngô Chiêu Nhiếp, người đứng đầu cơ quan trên, tuyên bố Đài Bắc “rất lấy làm tiếc” khi chính phủ Honduras “không quan tâm đến” mối quan hệ song phương kéo dài nhiều thập kỷ, theo Focus Taiwan.
“Đài Loan đã quyết định đình chỉnh quan hệ ngoại giao với Honduras. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức”, ông Ngô nói. Ông cho biết thêm Đài Bắc sẽ chấm dứt mọi chương trình hợp tác và viện trợ song phương, cũng như đưa nhân viên từ các cơ quan đại diện tại Honduras về Đài Loan.
Khi giới chức Đài Loan vẫn còn đang phản ứng, tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Honduras Eduardo Enrique Reina và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương ký thông cáo chung về việc thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong thông cáo chung, Trung Quốc và Honduras khẳng định quyết định này "phù hợp với lợi ích và mong muốn của nhân dân, (hai nước) công nhận lẫn nhau và thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ, có hiệu lực kể từ ngày ký thông cáo".
Honduras và chính phủ Trung Hoa Dân quốc thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1941. Quan hệ này vẫn được tiếp tục kể cả khi đại đa số quốc gia chuyển sang công nhận chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau khi nội chiến Trung Quốc kết thúc năm 1949 và Bắc Kinh giành ghế của Đài Bắc tại Liên Hợp Quốc năm 1971.
Tới đầu năm 2023, Honduras là một trong số ít ỏi 13 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc (cùng với Tòa thánh Vatican) giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Tuy vậy, giới quan sát nhận định việc mối quan hệ này chấm dứt chỉ còn là vấn đề “một sớm một chiều”.
Năm 2021, khi ra tranh cử, đương kim Tổng thống Honduras Xiomara Castro đã đề cập đến khả năng thiết lập quan hệ với Bắc Kinh, dù sau đó lại bày tỏ ý định giữ quan hệ với Đài Bắc. Tuy nhiên, khi ngoại trưởng Honduras công bố lịch trình thăm Trung Quốc vào tháng 3 năm nay, ai cũng hiểu rằng điều gì sẽ đến.
Nguyên nhân và phản ứng
Một trong những chiến lược được Đài Loan sử dụng để “níu chân” các nước còn ủng hộ mình là các chương trình hỗ trợ tài chính, y tế hay cấp học bổng cho sinh viên. Sau khi bị Honduras cắt quan hệ, cơ quan đối ngoại Đài Loan đã xác nhận 170 sinh viên Honduras sẽ bị cắt học bổng ngay sau khi kết thúc học kỳ hiện nay.
Tuy nhiên, khi tiềm lực và vị thế của Trung Quốc ngày càng gia tăng, các khoản tiền từ Đài Bắc ngày càng tỏ ra kém hấp dẫn. Bắc Kinh giờ đây sẵn sàng chi ra các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng “khủng” để thu hút các nước chưa thiết lập quan hệ với mình.
Bản thân Đài Bắc dường như cũng nhận ra điều này. Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 26/3 tuyên bố Đài Bắc sẽ không “tham gia vào cuộc cạnh tranh ‘ngoại giao dollar’ vô nghĩa” với Bắc Kinh, AP cho biết.
Giới chức Đài Loan nói rằng Honduras đòi hỏi Đài Bắc viện trợ khoản tiền khoảng 2,5 tỷ USD ngay trước khi thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Trong khi đó, phía Honduras cho rằng đây chỉ là một cuộc đàm phán về tái cơ cấu nợ.
Trong khi đó, công ty SINOHYDRO của Trung Quốc đang xây dựng một dự án đập thủy điện ở miền Trung Honduras với khoảng 300 triệu USD trợ cấp từ Bắc Kinh.
Honduras là quốc gia thứ 9 cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan kể từ khi nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nhậm chức năm 2016, Guardian cho biết.
Giữa lúc Bắc Kinh liên tục giành thắng lợi về ngoại giao trên “mặt trận” Đài Loan, Mỹ dường như đang theo dõi sát sao tình hình.
Sau quyết định của Honduras, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố dù đây là hành động của một quốc gia có chủ quyền, Honduras vẫn cần cảnh giác trước lời hứa của Bắc Kinh.
“Bất chấp quyết định của Honduras, Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường tương tác với Đài Loan cả về chiều rộng lẫn chiều sâu”, cơ quan trên nói, theo Reuters.
Một số nhà phân tích cũng chỉ ra việc Bắc Kinh thiết lập quan hệ với Honduras ngay trước chuyến thăm của bà Thái Anh Văn tới Guatemala và Belize - hai quốc gia Trung Mỹ vẫn công nhận Đài Loan - là lời cảnh báo dành cho Đài Bắc.
“Đây là lời cảnh báo trước khi bà Thái bắt đầu chuyến thăm Trung Mỹ ngày 29/3. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ có thêm động thái ngoại giao trong chuyến thăm”, ông Kuo Yu-jen, nhà phân tích chính trị tại Đại học Quốc lập Trung Sơn ở Đài Loan, nói với AFP.