Việc làm đẹp trong ngày giãn cách

Tiếng loa truyền thanh của phường oang oang nói về các biện pháp thực hiện đợt giãn cách thứ hai của thành phố vừa dứt, cũng là lúc tôi thấy bác tổ trưởng tổ dân phố đến nhà phát phiếu đi chợ. Hình như bác biết tôi phải nghỉ ở nhà đã nhiều ngày nên trước khi quay xe, bác nói vọng qua lớp khẩu trang: 'Nhà mà hết gạo ăn thì lúc nào đi chợ cứ qua nhà bác đong nhé. Bác cho nợ, hết dịch đi làm có tiền rồi trả bác sau cũng được'.

Gạo là mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh nhất trước những ngày giãn cách. (Ảnh minh họa)

Chả là nhà bác tổ trưởng lâu nay bán hàng tạp hóa nhưng vì là dân nhập cư mới đến nên tôi chưa dám mua nợ bao giờ. Đúng như lời bác đoán, thùng gạo tôi mua trước hôm thành phố có thông báo thực hiện giãn cách nay cũng sắp cạn. Bữa đó mọi người nháo nhác hết cả lên, ai cũng đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ, chỉ có tôi là lương chưa có, trong nhà chỉ còn ít tiền nên muốn mua gì cũng phải tính toán. Mấy người bán hàng thấy vậy thì tỏ vẻ ái ngại lắm, bảo tôi: Mua bây giờ còn rẻ, chứ vài hôm nữa thực hiện giãn cách, xe cộ không lưu thông được, hàng hóa có nguy cơ khan hiếm, giá cả sẽ “leo thang” nhiều .

Tôi thấy lo lắm nên hôm sau dậy sớm để đi chợ rồi về mới đi làm. Nghĩ mua chỗ quen chắc sẽ không tăng giá, nào ngờ “tát nước theo mưa”, chị bán thịt lại lấy đắt cho tôi thêm một giá trong khi hàng xóm ở cạnh nhà tôi đi mua chỗ khác, giá vẫn giữ nguyên như mọi ngày. Đến chỗ làm, tôi đem chuyện kể lại thì được một chị phụ họa thêm: “Giờ mua bán khó mà tin tưởng được lắm. Tốt nhất là nên “chọn mặt gửi vàng”, đừng cứ thấy ai nói gì cũng nghe”. Rồi chị kể, hôm trước đi chợ có một bác mời chào mua tôm nhiệt tình lắm, nói giá 150 nghìn đồng/kg, chị trả giá xuống còn 130 nghìn đồng mà bà ấy cũng đồng ý bán. Tưởng mua được rẻ nhưng khi sang hàng rau, chị tiện tay cân thử túi tôm thì mới biết thiếu mất một lạng. Bực mình, chị đem hàng trả lại thì bà bán tôm nói như khinh miệt: “Mày muốn mua rẻ thì phải chịu cân điêu là đúng rồi”.

Riêng tôi thì từ bữa đó tôi trở nên đa nghi hẳn. Thế nên khi nghe bác tổ trưởng tổ dân phố nói cho nợ gạo, tôi cứ phân vân lắm. “Có khi nào bác ấy sẽ tăng giá lên hoặc là bán gạo xấu, gạo mốc để kiếm lời trong đợt giãn cách này không?”. Thế nhưng vì sắp hết tiền nên lại đành tặc lưỡi: “Thôi kệ, thời điểm này cứ có ai cho nợ đã là tốt rồi”.

Nghĩ vậy nên sau khi lấy phiếu đi chợ bỏ vào túi, tôi không quên mang theo một cái bì thật sach. Trên đường đi chợ về, tôi ghé vào nhà bác tổ trưởng tổ dân phố để đong gạo như đã định. Thấy tôi ở cổng, bác liền đeo khẩu trang vào rồi chạy ra đon đả: Cứ đứng đây chờ bác nhé. Mà cháu ăn loại gạo nào, mua nhiều không để bác cân? Tôi ấp úng: Gạo nay có lên giá không bác? Cháu mua nợ một yến có được không? Như hiểu được nỗi lo của tôi, bác nói: “Cháu yên tâm, cứ lấy cả bì về mà ăn, giá vẫn như cũ vì Nhà nước vẫn đảm bảo cung ứng đủ các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của Nhân dân. Chỉ một số mặt hàng như dầu ăn, sữa, bột dinh dưỡng, mì ăn liền… là tăng giá từ trước đó do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng cao. Giờ làm ăn khó khăn, đi đến đâu cũng nhan nhản cửa hàng tạp hóa, rồi lại chợ và siêu thị, dại gì mà tự ý tăng giá cho mất khách hả cháu?”.

Chở bì gạo về nhà, tôi cứ thầm cảm kích mãi nghĩa cử tốt đẹp của bác tổ trưởng tổ dân phố và tự trách mình trước đó đã có ý nghi ngờ lòng tốt của bác.

Nghĩ đến bác tổ trưởng tổ dân phố tôi thấy trong lòng ấm áp lạ thường. Có thể với nhiều người, mua và bán nợ là việc bình thường, nhưng với một người mới đến khu dân cư, lại không có tiền dự trữ trong những ngày giãn cách xã hội như tôi thì đó chính là một nghĩa cử.

Mai Vui

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/viec-lam-dep-trong-ngay-gian-cach/20937.htm