Viêm màng não do virus khi giao mùa

Khi thời tiết thay đổi thất thường, đặc biệt thời điểm giao mùa sẽ là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển.

Bệnh nhi viêm màng não do virus điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC

Bệnh nhi viêm màng não do virus điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC

Khi thời tiết thay đổi thất thường, đặc biệt thời điểm giao mùa sẽ là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Trong đó, có bệnh viêm màng não do virus.

Nhiều trẻ nhập viện

Thời gian qua, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trẻ nhập viện mắc viêm màng não, nguyên nhân chủ yếu là do Enterovirus.

Trường hợp cụ thể là bé trai (7 tuổi, ở Hà Nội), có tiền sử khỏe mạnh. Khoảng 1 ngày trước khi vào viện, trẻ xuất hiện đau đầu từng cơn, kèm theo nôn và sốt. Gia đình đã đưa trẻ đến một cơ sở y tế để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ trẻ mắc viêm màng não và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.

Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Kết quả cho thấy, trong dịch não tủy của trẻ có nhiều tế bào bạch cầu, chủ yếu là bạch cầu Lympho, xét nghiệm PCR dương tính với Enterovirus. Sau 5 ngày điều trị theo phác đồ viêm màng não do virus, trẻ tỉnh táo, hết sốt, không có biến chứng và đã được xuất viện.

Cũng được chẩn đoán viêm màng não do Enterovirus là bé trai 10 tuổi ở Hà Nội. Trẻ nhập viện ngày 3/10 khi đã bị sốt trước đó một ngày tại nhà. Ngoài sốt, trẻ còn bị nôn nhiều, mệt mỏi, đau đầu và cổ cứng.

Nhận thấy đây là một trường hợp nghi ngờ viêm màng não nên các bác sĩ đã cho trẻ nhập viện và làm các xét nghiệm chẩn đoán. Kết quả cho thấy, trẻ bị viêm màng não do Enterovirus. Sau quá trình điều trị theo phác đồ, trẻ đã được ra viện và không có biến chứng.

Tương tự, trong vòng 1 tháng qua, Khoa Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt (Vĩnh Phúc) đã chẩn đoán và điều trị hơn 50 ca viêm màng não. Trong đó, số ca nhập viện do viêm màng não không ngừng gia tăng. Nguyên nhân chính đến từ Enterovirus. Một trường hợp là bệnh nhi 10 tuổi, có tiền sử khỏe mạnh, trước khi nhập viện, trẻ xuất hiện tình trạng đau đầu dữ dội, li bì, sốt không thuyên giảm dù đã uống thuốc hạ sốt.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi mắc viêm màng não nên đã nhanh chóng tiến hành thăm khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả chọc dịch não tủy xét nghiệm PCR dương tính với Enterovirus. Sau 5 ngày điều trị theo phác đồ, bệnh nhi đã hồi phục hoàn toàn và được xuất viện.

Không chữa theo kinh nghiệm dân gian

ThS.BSNT Phạm Thị Quế - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, viêm màng não virus là tình trạng viêm màng não do căn nguyên virus gây nên. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ cao hơn ở những người suy giảm miễn dịch và trẻ em.

Căn nguyên gây viêm màng não virus thường gặp nhất bao gồm: Enterovirus (nhóm Coxsackie hoặc Echovirus), Herpesvirus (HSV1 và 2, VZV, CMV, EBV, HHV6), nhóm Arbovirus (virus viêm não Nhật Bản, virus sốt xuất huyết,…).

Enterovirus là một họ virus đường ruột, gồm nhiều loại virus khác nhau và có thể gây bệnh thành dịch. Enterovirus chủ yếu lây qua đường tiêu hóa, nghĩa là người bệnh sẽ đào thải virus qua phân hoặc qua các dịch tiết của đường miệng. Từ đó, lây nhiễm cho trẻ xung quanh. Ngoài gây ra tình trạng viêm màng não, Enterovirus còn gây ra bệnh lý tay – chân – miệng.

Các triệu chứng chính của viêm màng não do virus nói chung và Enterovirus nói riêng có thể xuất hiện đột ngột bao gồm: Sốt, ớn lạnh, đau đầu, cổ cứng, buồn nôn hoặc nôn, nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng), chán ăn, mệt mỏi.

Đôi khi có các triệu chứng của nhiễm virus (như sổ mũi, ho, đau nhức cơ thể hoặc phát ban, trước khi có triệu chứng của viêm màng não). Ở trẻ sơ sinh, triệu chứng thường không đặc hiệu bao gồm: Sốt, nôn, thóp phồng, bú kém, ngủ nhiều…

Để chẩn đoán xác định, trẻ cần được chọc dịch não tủy và làm xét nghiệm PCR để xác định căn nguyên virus. Điều trị triệu chứng hiện là phương pháp chính trong quản lý bệnh viêm màng não do virus với các thuốc giảm đau, hạ sốt, giảm viêm và dinh dưỡng nâng cao thể trạng,…

Theo ThS.BS Nguyễn Hữu Hiếu - Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, phương pháp điều trị viêm màng não ở trẻ em phụ thuộc vào nguyên nhân, tình trạng của bệnh lý. Đồng thời, cần xem xét đến các yếu tố bệnh lý nền, biến chứng. Điều trị viêm màng não ở trẻ em cần dựa trên một số nguyên tắc.

Trong đó, với điều trị nguyên nhân, cần phân biệt nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn, virus hay nấm để sử dụng thuốc kháng sinh điều trị phù hợp. Ngoài ra, cần sử dụng thuốc chống phù não nhằm giảm sự phù nề mô và làm giảm áp lực trong hệ thống dịch não tủy.

Thuốc corticosteroid (Dexamethasone) trong viêm màng não nhiễm khuẩn để chống viêm, nên dùng sớm, kéo dài 3 - 4 ngày để phòng chống biến chứng, đặc biệt là điếc. Đồng thời, cần điều trị triệu chứng như: Hạ sốt, giảm đau, chống nôn,... Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng nước và điện giải nếu cần.

“Khi thấy trẻ có những dấu hiệu cảnh báo của viêm màng não, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần lập tức đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời”, chuyên gia khuyến cáo.

Bác sĩ Hiếu lưu ý, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, hoặc cho trẻ uống các loại thuốc đông y, chữa mẹo theo kinh nghiệm dân gian. Việc trì hoãn và chậm trễ đưa trẻ đến bệnh viện có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Đồng thời, làm tăng nguy cơ để lại nhiều di chứng về thần kinh do bệnh được điều trị muộn.

Bác sĩ Phạm Thị Quế cho hay, hiện bệnh viêm màng não do Enterovirus chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh. Vì vậy, để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ và người chăm sóc cần: Hướng dẫn trẻ vệ sinh tay sạch với xà phòng trước khi ăn, sau khi ho, hắt xì, đi vệ sinh. Thực hiện ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng. Vệ sinh đồ chơi chung, giữ môi trường sống sạch sẽ, khử trùng các bề mặt tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, bàn, ghế để ngăn ngừa lây lan virus. Cho trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi có dấu hiệu nôn, đau đầu, không đáp ứng với thuốc hạ sốt để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/viem-mang-nao-do-virus-khi-giao-mua-post706682.html