Viện KSND đặt vấn đề về nguồn tài liệu mà ông Ngô Nhật Phương công bố: Có dấu hiệu làm lộ bí mật Nhà nước!
Tại phiên tranh luận cuối cùng vụ xử VN Pharma sáng 30/9, đại diện Cục Quản lý Dược tiếp tục có ý kiến về nội dung thuốc giả hay thuốc kém chất lượng. Trong khi đó, Viện KSND khẳng định lô hàng này là thuốc giả. Đồng thời, Viện KSND kiến nghị HĐXX yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra, xác minh làm rõ các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước liên quan đến các tài liệu mật của Bộ Y tế trong vụ án này.
Công văn khẩn số 16656 do Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường ký ngày 27/9 gửi phiên tòa xử vụ VN Pharma, về việc kết luận thuốc H-Capita là kém chất lượng, chứ không phải thuốc giả, đã gây nên dư luận ồn ào về việc cố tình làm nhẹ tội cho các bị cáo và che mờ trách nhiệm của Bộ Y tế trong vụ việc.
Ở phần tranh luận sáng 30/9, ý kiến của một số luật sư vẫn cho rằng lô thuốc H-Capita chỉ giả về xuất xứ, không giả chất lượng. Nhưng đại diện Viện KSND khẳng định giữ nguyên quan điểm về việc Công ty Helix Canada đã là giả thì lô thuốc H-Capita cũng là giả.
Các bị cáo Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường có mặt tại phiên tòa sáng 30/9
“Về các căn cứ xác định hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, vấn đề chính là thuốc giả hay chỉ giả xuất xứ, chúng tôi xin nhắc lại là hậu quả đã xảy ra. Toàn bộ lô thuốc giả đã được nhập khẩu trót lọt và đấu thầu thành công tới các bệnh viện. Ngoài việc nhập khẩu thuốc nhưng không tiêu thụ được gây thiệt hại cho Công ty VN Pharma hơn 6 tỉ đồng, còn hơn 6 tỉ đồng khác là thiệt hại do tiền nâng khống giá thuốc thu lời.
Đặc biệt lô thuốc này nếu không ngăn chặn kịp thời thì sẽ đưa vào các bệnh viện sử dụng chữa bệnh cho các bệnh nhân ung thư. Khi đó thì các bị cáo có thể bị xử ở khung cao nhất của mức hình phạt. Chúng tôi bảo lưu toàn bộ quan điểm trong cáo trạng truy tố và phần luận tội, cũng như đã tranh luận, đề nghị HĐXX xem xét” – Công tố viên nói.
“Tôi xin nhắc lại rằng Khoản 23 Điều 2 luật Dược quy định thuốc đã bị làm giả so với đăng ký về chất lượng, cho nên không thể so sánh với đăng ký giả, mà phải xác định đây là giả về chất lượng chứ không phải chỉ giả xuất xứ. Tóm lại đây là thuốc giả” – Đại diện VKSND tuyên bố.
“Thuốc chữa bệnh cho người là một hàng hóa tiêu dùng đặc biệt, đòi hỏi nhà nước phải có những điều kiện, quy định, quy trình cụ thể, khắt khe để thực hiện nhập khẩu, quản lý sử dụng. Tính chất chữa bệnh là liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Nếu là hàng hóa thông thường bị giả có thể vẫn có thể sử dụng được, chỉ là chất lượng không tốt như hàng thật. Nhưng với thuốc chữa bệnh thì tuyệt đối không thể sử dụng để chữa bệnh. Đại diện Cục Quản lý Dược trước HĐXX luôn cho rằng lô thuốc H-Capita chỉ là thuốc giả về xuất xứ, theo các chứng cứ thu được từ chuyến đi điều tra của Bộ Y tế, chúng tôi thấy cần phải có một số vấn đề phải làm rõ như sau:
Một là: Bộ Y tế cho rằng chỉ có 1 chỉ số không đạt còn các chỉ số khác đều đạt. Nhưng tài liệu điều tra cho thấy có nhiều chỉ số không đạt. Đây là những cơ sở quan trọng để chúng tôi khẳng định lô thuốc 9.300 hộp chữa bệnh ung thư có tên H-Capita là thuốc giả cả về xuất xứ lẫn chất lượng.
Hai là lô thuốc H-Capita được Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu với tên Helix Canada, nhưng Bộ Y tế luôn cho rằng nó đạt tiêu chuẩn xuất xưởng của một nhà máy ở Ấn Độ? Vậy tiêu chuẩn của Canada và Ấn Độ có gì khác nhau? Chất lượng có gì khác nhau? Và giá có khác nhau hay không mà VN Pharma lại phải làm giả xuất xứ Canada, nâng khống giá, chuyển tiền ra nước ngoài rồi lại chuyển về để thu lời bất chính hơn 6 tỉ đồng?
Là cơ quan nhà nước có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Cục Quản lý Dược phải có trách nhệm hướng dẫn nhập khẩu thuốc tốt để bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhưng thông tin nhập khẩu thuốc lại không có thật, mà Cục vẫn né tránh trách nhiệm trước dân? Các câu hỏi này đề nghị Cục Quản lý Dược và Bộ Y tế cần trả lời rõ ràng” – đại diện Viện KSND nói.
Đưa bị cáo Võ Mạnh Cường trở lại trại tạm giam
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng về trại tạm giam chờ tòa tuyên vào chiều mai 1/10
Có dấu hiệu làm lộ bí mật Nhà nước!
“Thứ ba, trong quá trình điều tra vụ án này, Bộ Y tế đã gửi Bộ Công an công văn số 77 (ngày 27/4/2018) về việc cung cấp thông tin điều tra. Tài liệu này được đóng dấu mật, đồng nghĩa với việc Bộ Y tế xác định các nội dung trong bộ tài liệu này là “mật” kể từ ngày ban hành. Tài liệu này được Bộ Y tế giải mật vào ngày 20/9/2019, gửi HĐXX. Tức là từ ngày 27/4/2018 đến 20/9/2019 việc quản lý, khai thác, sử dụng các thông tin trong bộ tài liệu này phải được tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Do đó, tài liệu đã gửi tới Viện KSND nhưng Viện KSND chưa đề cập đến việc sử dụng các tài liệu này. Tuy nhiên, ngày 4/6/2018, trong thời điểm tài liệu này chưa được giải mật, ông Ngô Nhật Phương (địa chỉ đường A4, khu K300, Tân Bình, TP.HCM) đã trực tiếp giao nộp cho Cơ quan Công an 10 tài liệu nằm trong Bộ tài liệu thuộc Công văn số 77 của Bộ Y tế gửi Bộ Công an nói trên. Ông Phương khẳng định các tài liệu này do quan hệ cá nhân mà có, được dịch sang tiếng Việt, hợp pháp hóa lãnh sự, đóng dấu sao y bản chính.
Doanh nhân Ngô Nhật Phương bên ngoài phiên tòa sơ thẩm lần 2.
Tại phiên tòa, HĐXX cũng đã hỏi và ông Phương cũng đã thừa nhận việc giao nộp các tài liệu này. Như vậy là có dấu hiệu làm lộ bí mật nhà nước vì đã để cho cá nhân không có thẩm quyền có thông tin mật của Bộ Y tế. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị HĐXX yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra, xác minh làm rõ các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước liên quan đến các tài liệu mật của Bộ Y tế trong vụ án này” – Đại diện Viện KSND nhấn mạnh.
Tại phiên tòa sáng nay 30/9, sau phần tranh luận, các bị cáo được mời nói lời cuối cùng trước khi HĐXX đi vào phần nghị án. Thẩm phán chủ tọa tuyên bố Tòa sẽ tuyên quyết định cuối cùng vào 15 giờ ngày mai 1/10.