Viết cho 'người đàn ông' những ngày 'ngã bệnh'

Tháng 7, những cơn mưa trĩu nặng và lòng người càng như nặng trĩu hơn! Có lẽ đây sẽ là một mùa mưa đặt biệt nhất của Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, những giọt mưa của trời và nước mắt của lòng người hòa quyện vào nhau.

Các ca bệnh cứ thi nhau tăng theo con số hàng ngàn. Những tiếng kêu cứu ở các khu cách ly khi người dân cần sự giúp đỡ từ lương thực, thực phẩm, thuốc men... Sự chia ly của những con người tha phương vào Nam lập nghiệp, nay đành chọn phương án trở về quê để tránh dịch.

Những chuyến xe yêu thương từ Bình Phước, Quảng Trị, Quảng Bình, Đắk Lắk, Đắk Nông vẫn ngày đêm tiếp tế lương thực cho TP. Hồ Chí Minh. Những bệnh viện dã chiến được lập ra. Hàng ngàn y, bác sĩ, tình nguyện viên thay phiên nhau làm việc để giành giật sự sống với Covid-19…

Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Internet

Quả thật, sẽ chẳng ai có thể tưởng tượng được rằng, đến một ngày nào đó, TP. Hồ Chí Minh lại phải đón nhận yêu thương từ cả nước, thay vì thành phố vốn dĩ hào hoa này luôn đi đầu trong việc san sẻ yêu thương từ vật chất đến tinh thần cho cả nước. Nào mớ rau, con cá, quả bầu, quả bí; nào hũ muối sả, chai nước tương… được người dân các tỉnh gom góp để gửi vào miền Nam đang oằn mình chống dịch.

Sài Gòn, thành phố mà trước giờ luôn hào sảng, cho dù có nhộn nhịp, xô bồ và hối hả đến đâu vẫn luôn đón nhận những con người tứ phương về quy tụ. Thế nên tôi luôn ví Sài Gòn như “người đàn ông tuổi 30”. Lúc nào cũng căng tràn sự sống và hừng hực khí thế. Luôn năng động, nghĩa hiệp và tử tế với tất cả mọi người.

Đó cũng là lý do mà từ rất nhỏ tôi đã thầm yêu "người đàn ông tuổi 30" ấy và nuôi quyết tâm sau này lớn lên phải ở bên cạnh bằng bất cứ giá nào. Mười bốn năm trôi qua, trải qua biết bao đắng cay để có thể "tìm được chỗ đứng trong trái tim người đàn ông ấy", tôi vẫn quyết tâm, không bỏ cuộc!

Dường như, càng thử thách tôi càng thêm yêu “người đàn ông" này hơn! Thế nên khi hơn hai tháng qua, nhìn "người đàn ông tuổi 30" kia ngã bệnh, những “vết thương” chằng dây băng trên khắp nẻo đường, tiếng còi xe cứu thương cứ vài phút lại vang lên thảm thiết. Những giờ giới nghiêm không một bóng người ra đường…

Tim tôi thắt lại! Đau lắm chứ khi nhìn thấy những F0, F1 liên tục tăng. Thương đến đứt ruột gan khi nghe tin bạn bè mình có người thân phải ra đi vì Covid-19. Xót xa lắm khi nhìn thấy bản đồ phong tỏa ngày một dài ra.

Thành phố xô bồ nay bỗng nhiên vắng lặng đến sợ. Thèm nhìn thấy mặt người và thèm được thấy cảnh kẹt xe trở lại. Tiếc nuối cho những cánh cửa nhà hàng, khu vui chơi giải trí, các trung tâm thương mại hay nhiều khu chợ, nay bỗng nhiên bị đóng kín chỉ vì một thứ vi khuẩn vô hình, không ai có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Từng dòng người đã chọn TP. Hồ Chí Minh là nơi lập nghiệp, nay phải quyết tạm rời xa để về quê tránh dịch. Đối với tôi đó là một viễn cảnh xót xa nhất! Cũng có những phút giây yếu mềm tôi giật mình tự hỏi: “Liệu mình có thể can tâm tạm rời xa thành phố này không?”. Quả thật chỉ nghĩ đến thôi là nước mắt đã chực trào. Thấy mình yếu hèn khi không thể đồng cam cùng khổ với “người đàn ông” mà mình luôn yêu thương nhất!

Tôi vẫn luôn tin tưởng rằng, giữa muôn trùng thử thách, nếu đủ tin yêu, ắt sẽ cố gắng để vượt qua! Rồi TP. Hồ Chí Minh sẽ khỏe lại, rồi “người đàn ông tuổi 30” kia sẽ lại hừng hực khí thế, để rồi mở rộng trái tim ôm cả nước vào lòng. Đại dịch dù có thế nào cũng chỉ là một phép thử của vũ trụ!

Mình cùng dìu nhau qua những ngày gian khó, để thấy thêm yêu thành phố này hơn!

Trần Trà My

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/125639/viet-cho-nguoi-dan-ong-nhung-ngay-nga-benh