Việt dã cuộc đời
Người Việt mình dành cả đời cho việc chạy, chạy từ lúc mẹ hoài thai, chạy cho đến khi sắp nằm xuống. Đương chức cũng chạy mà về hưu cũng chạy, tóc xanh máu nóng cũng chạy mà tóc bạc da mồi cũng chạy... Còn một hơi thở là còn chạy.
Chạy từ được khám bệnh ưu tiên cho đến vào trường lớp điểm, chạy vào cơ quan đơn vị rồi chạy lên ghế phó phòng, trưởng phòng, chạy từ việc riêng cho đến việc cá nhân (chứ mấy người chạy cho tổ chức)... Cứ chạy mãi, chạy mãi, hệt nhân vật chính trong bộ phim của phương Tây vậy; hay như cô gái mang đôi hài màu đỏ trong truyện cổ tích.
Những đôi chân chạy không ngừng nghỉ, những toan tính cho việc chạy không ngừng nghỉ... Những cuộc chạy việt dã của đời người.
1. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành quyết định về chống chạy chức, chạy quyền với mong muốn kiểm soát được quyền lực. Quyền lực như thanh bảo kiếm, giao vào tay người trung thần thì hay mà trót đặt nhầm vào tay của gian thần thì hậu họa không sao lường trước hết được. Nhiều người tỏ ra hồ nghi quyết tâm này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhưng Ngô quan sát người đứng đầu Đảng và Nhà nước nhiều năm nay, Ngô có thể khẳng định Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chưa bao giờ làm việc gì thừa, chưa bao giờ ban hành một quyết định chỉ có tính khẩu hiệu, đều là người thật việc thật, đều là giải pháp rõ ràng hành động cụ thể.
Trong quyết định vừa được ban hành này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rất rõ khái niệm chạy chức chạy quyền, dấu hiệu để nhận định cũng như cách xử lý từ khai trừ Đảng cho đến hình sự hóa khi phát hiện vi phạm, gồm: 6 hành vi chạy chức, chạy quyền và 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức chạy quyền. Lần đầu tiên chạy chức chạy quyền được xác định như vậy, được làm rõ như vậy chứ không đơn thuần chỉ là nói chung chung.
Ngô viết điều này, lãnh đạo đọc được bỏ quá cho chứ thiệt ra chuyện chạy chức chạy quyền nhân dân đã vốn quen từ lâu lắm. Không chỉ nhân dân, mà cán bộ công nhân viên chức trong hệ thống cũng quen.
Chạy có nhiều dạng, chạy bằng tiền chạy bằng quan hệ, chạy bằng cánh hẩu chạy bằng đồng hương, chạy từ đại ca đệ tử cho đến hầu hạ điếu đóm.
Ngô kể một nhân vật kiểu mẫu mà Ngô tin rằng nhiều khả năng là một điển hình của đại ca đệ tử nhằm đến chức vụ, tất nhiên, Ngô kể chuyện đã qua ở nước khác thôi.
Thẩm Túy là một Cục trưởng đặc vụ, dưới trướng của cánh tay phải Tưởng Giới Thạch là Đới Lạp. Đới Lạp là mật vụ khét tiếng được Tưởng Thống chế rất tin dùng. Đới Lạp có nhiều đàn em, trong đó đàn em được Đới Lạp hài lòng nhất là Thẩm Túy.
Biết Đới Lạp thích tắm, Thẩm Túy đặc biệt trông coi sửa sang nhà cửa cho Đới Lạp, chú ý vô cùng đến phòng tắm cho Đới Lạp. Phòng tắm ngoài lót gạch men sang trọng, đồ dùng cầu kỳ tinh xảo còn lót gỗ lót vải cho Đới Lạp không bị trơn trượt.
Đới Lạp tán gái là đệ nhất minh tinh, Thẩm Túy sai quân phá rừng xây lâu đài cho Đới Lạp tặng giai nhân. Trong lâu đài đầy đủ kỳ hoa dị thảo, thậm chí cây bạch lão trên mộ của thân mẫu một viên Thượng tướng đang ở mặt trận chống giặc Nhật cũng bị đàn em của Thẩm Túy đào trộm về trồng vườn thượng uyển của tòa lâu đài mà Đới Lạp dâng cho giai nhân.
Kinh hoàng hơn, Đới Lạp có cô nhân tình rất thích ăn cá trèn. Mà vùng có cá trèn thời điểm đó đang là chiến sự, để nhân tình của Đới Lạp hài lòng, Thẩm Túy cho nuôi cả một bầy cá trèn ngay trụ sở của mình. Mỗi lần mời cơm nhân tình, Đới Lạp chưa bao giờ quên khen ngợi Thẩm Túy, nhân tình của Đới Lạp thì không bàn nữa rồi, cô ngưỡng mộ Đới Lạp hệt như thần tiên nhà trời vì khả năng hô phong hoán vũ này.
Câu chuyện này Ngô kể, hoàn toàn không có ý phán xét chuyên môn của Thẩm Túy, chỉ là kể chuyện cũ. Đới Lạp có lúc ngồi với giai nhân chỉ Thẩm Túy bảo, "Đây là quản gia của ta, muốn gì cứ bảo anh ấy".
Thẩm Túy đường đường là một Cục trưởng tình báo, lại bị Đới Lạp xem như quản gia, vừa bàn cơ vụ vừa lo chuyện tán gái sửa nhà cho Đới Lạp. Nhưng Thẩm Túy lại xem đó là hồng ân mà Đới Lạp dành cho mình, không việc gì Đới Lạp yêu cầu mà không lấy quyền công dùng vào việc tư để phục vụ.
Thẩm Túy không phải là một nhân vật lạ từ thuở đầu thế kỷ XX mà ngay cả thời điểm này có rất nhiều Thẩm Túy ở các cơ quan, ban ngành. Dân chơi hay gọi đùa mà, "Chuyên môn chính khiến lãnh đạo cười".
Giả như mà thời thế đừng đổi thay, giả như Đới Lạp đừng bị mưu hại, thì cái ghế mà Đới Lạp để lại trước hay sau gì không vào tay Thẩm Túy. Chứ đời nào lãnh đạo lại để lọt một đàn em kiểu này.
2. Thời vua Lê Thánh Tông có Luật Hồi tỵ, một luật rất hay và cũng chứng minh cho hậu thế thấy rằng chuyện kéo bè tụ tập, ban phát quyền lực tùy tiện, cất nhắc phe cánh của mình vào các vị trí béo bở là chuyện đã hiện hữu từ lâu, là chuyện đã được bàn bạc để ngăn chặn từ lâu.
"Luật Hồi tỵ (nghĩa gốc là tránh đi hoặc né tránh) quy định, những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê… thì không được làm quan cùng một chỗ. Nếu ai gặp những trường hợp nói trên thì phải tâu báo lên triều đình và các cơ quan chức năng để bố trí chuyển đi chỗ khác. Luật "hồi tỵ" cũng được áp dụng nghiêm ngặt trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Nguyên tắc nói trên nhằm ngăn chặn người có quyền lợi dụng chức vụ để nâng đỡ, bao che hoặc câu kết với người thân (quan hệ gia đình, dòng họ, thầy trò, địa phương) thực hiện các hành vi tiêu cực trong việc quản lý các cơ quan công quyền", Ngô trích từ Wikipedia.
Khi có ý định chạy chức chạy quyền nghĩa là chỉ vì bản thân mình, vì ham muốn quyền lực mà cá nhân được thụ hưởng chứ không còn trong sáng nữa. Và đã có ý định chạy chức chạy quyền thì sẽ tìm cách gõ cửa nhà người cần đầu tư, có nhiều dạng đầu tư. Đầu tư bằng tiền, đầu tư bằng nhan sắc, đầu tư bằng chiều chuộng lấy lòng, đầu tư bằng hầu hạ phục tùng... Chuyện một sếp lớn xây nhà, sếp nhỏ này tặng gỗ, sếp nhỏ kia tặng nội thất, sếp nhỏ nữa tặng gạch cát... không phải là hiếm.
Mà đã có đầu tư, tức phải có sinh lợi. Từ lúc Lã Bất Vi luận buôn gì lãi nhất, thì vạn vạn triệu triệu người đã hiểu đầu tư vào quan chức là lãi to nhất. Quan nhân trung thần, một lòng vì triều ca, vì sơn hà, vì nhân dân thì không lạm bàn đến vì họ là nguyên khí của quốc gia rồi. Còn quan nhân chỉ nhìn thấy ghế nghĩ đến tiền thì hẳn nhiên là giặc nội xâm cần phải tiêu diệt.
Không có sự suy yếu nào nguy hại cho quốc gia bằng sự tha hóa, biến chất, tình trạng tham nhũng hoành hành... Xuyên suốt lịch sử, không vương triều nào tồn tại những yếu tố mà Ngô vừa kể lại có thể trường tồn, hoặc sớm hoặc muộn đều phải trả giá rất đắt.
3. Ngô tin là nhiều lãnh đạo đề bạt ê-kíp của mình không hẳn vì tiền, vì sau này có gì còn sai được, mà là vì tình cảm đơn thuần. Nói gì thì nói, chứ bao nhiêu năm em út theo mình, họp có người ghi chi có người trả, ăn có người hầu ở nhà lầu có người xây... cũng nảy sinh tình nghĩa ít nhiều. Mình làm lãnh đạo bao nhiêu năm, bây giờ em út đến kỳ đến hạn mà không cất nhắc thì còn ra thể thống gì nữa.
Lãnh đạo vốn lão luyện quan trường, Ngô thường dân bẩm sinh suốt kiếp nên không dám viết thêm nhiều, chỉ xin kể chuyện của đại thần hai triều nhà Lý, được phong tước Vương dù khác họ vua để thấy rằng quan nhân vì quốc gia chưa bao giờ bị ngược đãi.
"Ngay sau khi vua Lý Anh Tông mất, Chiêu Linh thái hậu đem rất nhiều vàng bạc cho vợ của Tô Hiến Thành mong ông giả di chiếu, phế Long Cán, đưa Long Xưởng lên ngôi. Tô Hiến Thành biết chuyện nói rằng: "Ta là đại thần, nhận mệnh tiên tổ lo giúp vua còn bé. Nay lại ăn của đút mà làm chuyện phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới suối vàng?".
Chiêu Linh thái hậu lại cho mời ông vào cung nói chuyện, ông đáp rằng: "Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ há chịu? Huống chi, lời tiên đế còn văng vẳng bên tai. Thái hậu lại chẳng nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quan hay sao? Thần không dám vâng lệnh!"".
Tiếp đến, "Khi vua Cao Tông được 7 tuổi, Tô Hiến Thành lâm trọng bệnh, mọi việc lúc này dồn lên quan gián nghị đại phu Trần Trung Tá. Là người tài năng đức độ, lại lo cho công việc nên Trần Trung Tá chẳng mấy khi ghé thăm Tô Hiến Thành đang bệnh nặng. Trong khi đó quan tham tri chính sự Vũ Tán Đường lại ngày đêm túc trực tỏ vẻ lo lắng cho bệnh tình của Tô Hiến Thành, lo cơm nước thuốc thang cho ông.
Nhận thấy Tô Hiến Thành tuổi già sức yếu khó qua khỏi, Đỗ thái hậu (mẹ vua Lý Cao Tông) tới thăm và hỏi rằng nếu ông có mệnh hệ gì thì ai có thể thay ông được. Tô Hiến Thành đáp rằng: "Người thay thế thần chỉ có thể là Trần Trung Tá!"
Thái hậu ngạc nhiên, hỏi: "Tán Đường ngày ngày hầu hạ, thuốc thang cho ông, sao ông không tiến cử? Trần Trung Tá luôn thờ ơ với ông, sao ông lại ưa chuộng làm vậy?".
Tô Hiến Thành nói rành rẽ: "Nếu Thái hậu hỏi người lo việc đại sự quốc gia, thần cử Trần Trung Tá. Nếu cần người phục dịch cơm nước, thuốc thang, thì ngoài Võ Tán Đường, chẳng còn ai hơn được!""
Chuyện xưa ấy cũng là chuyện nay vậy, mong quan nhân nhìn vào quyết tâm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mà gắng sức đồng lòng.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/viet-da-cuoc-doi-566674/