Việt Nam 100 triệu dân: Cơ hội và thách thức

Tháng 4/2023 này, dân số Việt Nam đã cán mốc 100 triệu, là nước đông dân thứ 15 trên thế giới. Cơ hội nào, thách thức nào đang ở phía trước chúng ta?

Cơ hội cuộc đời

Bố vợ tôi là nông dân, năm nay đã gần 60 tuổi, nhưng chưa hề có ý định "nghỉ hưu". Ông vẫn là trụ cột kinh tế của gia đình. Các con đều đã lớn, trên dưới 30 tuổi, có công ăn việc làm ổn định và một quá trình làm nghề nhất định; người bác sĩ, người giáo viên, nhưng xét về thu nhập, vẫn chưa thể vượt qua ông. Gần mười mẫu ruộng đã nuôi họ lớn lên, ăn học đàng hoàng, và giờ vẫn đang giúp họ "huy động" vốn mỗi khi cần một món tiền lớn hàng trăm triệu hoặc cả tỷ đồng, kiểu như mở một phòng mạch tư chẳng hạn.

Không ít lao động Việt Nam có trình độ đã chọn đi xuất khẩu lao động để có thu nhập cao hơn trong nước.

Không ít lao động Việt Nam có trình độ đã chọn đi xuất khẩu lao động để có thu nhập cao hơn trong nước.

Nhìn ra xung quanh, thì tại ấp nhỏ thuộc một huyện miền Tây điển hình ở Long An ấy, gia đình ông là một kiểu mẫu thành công: làm kinh tế nông nghiệp tốt và nuôi dạy các con thành người. Xung quanh, những người trẻ hơn đã li nông để lên thành phố, đa số làm việc trong các khu công nghiệp với mức lương 7-9 triệu/tháng, tăng ca hết cỡ có thể đạt mốc 10-15 triệu. Một số thậm chí phải chấp nhận làm việc trong những điều kiện không tốt và chưa đảm bảo các chính sách an sinh, cũng như bảo hộ lao động.

Giờ hãy đến với đô thị, nơi các viên chức sau 12 năm ăn học có thể được coi là thành đạt nếu đạt được mức lương khoảng 20-30 triệu/tháng sau 5-6 năm đi làm. Để mua nhà, họ sẽ lại phải nhờ gia đình hỗ trợ, hoặc vay ngân hàng, và "cày kéo" trả nợ trong nhiều năm tiếp theo. Họ sẽ phải làm nhiều các công việc khác cùng một lúc, nếu muốn trang trải cuộc sống ở thành phố.

Tất cả chính là lực lượng lao động chủ chốt hiện tại trong cơ cấu dân số của Việt Nam, vốn vẫn đang ở trong thời kỳ "sung mãn" của cơ cấu dân số.

Bức tranh kinh tế của Việt Nam hiện tại nhìn chung là ổn, xét trên các con số. GDP quý IV/2022 ước tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước; cả năm ước tăng 8,02%, cao nhất trong một thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỉ lệ lạm phát. Nhìn qua, chúng ta đang tận dụng cơ hội không đến nỗi nào.

Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007, và đón công dân thứ 100 triệu chào đời vào trung tuần tháng Tư năm nay, gia nhập nhóm 15 quốc gia có quy mô dân số từ 100 triệu trở lên. Năm ngoái, chúng ta có hơn 60% dân số nằm trong độ tuổi lao động, tức đây chính là thời điểm "vàng" có thể dẫn đến cú bứt phá (nếu có) trong tương lai. Theo dự báo của các chuyên gia, thì đến năm 2039, dân số ở độ tuổi 65 trở lên ở Việt Nam sẽ vượt qua mốc 15%, và có thể thời cơ sẽ không quay lại.

Nhưng cơ hội để một cá nhân có thể tạo ra hiệu suất thực sự với công việc của mình, như đã nói, là không quá nhiều. Chúng ta có một lực lượng lao động đông đảo, nhưng đa số làm trong các chuỗi giá trị giản đơn, chất lượng thấp. Hơn một nửa trong số đó chỉ đòi hỏi các kỹ năng trung bình, hơn 33% là kỹ năng thấp, và chỉ có hơn 11% đòi hỏi tay nghề cao, theo thống kê.

Tôi biết một người bạn, có bằng đại học kỹ sư chế tạo máy, đã quyết định bỏ một công việc lương 12 triệu/tháng ở TP Hồ Chí Minh để đi Nhật. Ở xứ người, anh nhận mức lương 40 triệu, và sau khi cố gắng ăn uống sinh hoạt "bóp mồm bóp miệng" để gửi về nhà mỗi tháng 10 triệu phụ vợ nuôi con nhỏ, anh vẫn dành dụm được 400 triệu đem về. Hiện tại, ở tuổi gần 40, anh đã có một xưởng máy nhỏ, gây dựng từ vốn tích cóp sau chuyến đi Nhật hai năm.

Điều anh rút ra là, "nếu ở Việt Nam, làm hai năm kiếm đâu ra số vốn như thế". Đấy có vẻ là một thành công với cá nhân anh: từ bỏ cơ hội thăng tiến ở quê nhà, dấn thân vào một cuộc phiêu lưu nơi xứ người, và cuối cùng cũng có một số vốn kha khá để có thể tự chủ với cuộc đời mình.

Nhưng về mặt vĩ mô, đây có thể là một thất bại: chúng ta mất đi một nhân lực tốt, vào độ tuổi sung sức nhất, cho một công việc ở mức lương dạng cơ bản tại Nhật. Anh đi vì đơn giản chỉ cảm thấy rằng nếu không có sự hậu thuẫn từ gia đình (vốn cũng không lấy gì làm khá giả), anh sẽ chẳng bao giờ tích lũy đủ để trở thành doanh chủ.

Làm thế nào để người lao động không cảm thấy rằng họ sẽ đánh mất cơ hội cuộc đời nếu ở lại trong nước, thậm chí là tại địa phương mình sinh ra, có thể giúp chúng ta trả lời câu hỏi: làm thế nào để Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội cuộc đời này, khi chỉ còn 10 năm dư địa cơ cấu dân số vàng?

Phạm An

Ai nuôi những người nuôi đất nước?

Khi Việt Nam chính thức cán mốc 100 triệu dân, câu hỏi đầu tiên, và quan trọng nhất: Chúng ta có khả năng đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu người không? Câu trả lời là có. Nhưng đi kèm với một điều kiện: chính những người nuôi sống đất nước, tức là người nông dân, phải có khả năng tự nuôi sống bản thân mình.

Nông dân vẫn là những người có thu nhập thấp trong xã hội.

Nông dân vẫn là những người có thu nhập thấp trong xã hội.

Chuyên gia nông nghiệp cao cấp của World Bank, ông Cao Thăng Bình, gần đây có nhắc đến "Ba lời nguyền của ngành lúa gạo". Lời nguyền thứ nhất: thiếu lương thực, chúng ta đã vượt qua từ lâu. Lời nguyền thứ hai: thiếu chất lượng, gần đây chất lượng gạo Việt Nam cũng đã cạnh tranh với Thái Lan. Nhưng lời nguyền thứ ba thì vẫn còn nguyên đó.

Đó là "lời nguyền" về thu nhập của người nông dân trồng lúa. Khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức các cuộc lấy ý kiến về Đề án 1 triệu hecta trồng lúa chất lượng cao, đó là vấn đề được liên tục nêu lên. "Sẽ không đảm bảo được an ninh lương thực nếu không thay đổi được điều đó (thu nhập của nông dân)", chuyên gia kinh tế Animesh Shrivastava nói.

Và lời nguyền đó không chỉ dành cho nông dân trồng lúa. Chăn nuôi, rau màu, trái cây đều đối mặt với vấn đề đó.

Trên tạp chí VnEconomy đầu tháng 4/2023, có một tiêu đề giật mình: "Chăn nuôi nông hộ Việt Nam trước nguy cơ bị xóa sổ". Theo tạp chí này, cách đây 10 năm cả nước có tới 10 triệu hộ chăn nuôi, thì đến năm 2021 đã giảm xuống còn 4 triệu hộ, và cho tới cuối tháng 3/2023, nước ta chỉ còn không tới 2 triệu hộ chăn nuôi. Hơn 8 triệu nông hộ đã quyết định bỏ nghề chỉ trong vòng 10 năm.

Hàng năm, cứ đến mùa tôn vinh "Nông dân sản xuất giỏi", chúng ta nhìn thấy những con số thống kê ấn tượng về đời sống người nông dân. Cho đến năm 2018, cả nước có đến gần 30.000 nông hộ thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm, tăng gấp 5 lần so với năm 2012. Thu nhập bình quân đầu người hiện ở mức hơn 40 triệu đồng/năm, tăng đến hơn 3 lần so với năm 2010…

Không cần đến những con số thống kê, chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng nhận ra sự thay đổi của nông thôn Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua. Chỉ mới những năm 2000, việc sở hữu một chiếc xe máy còn là điều xa xỉ, thì bây giờ nó trở thành điều phổ thông; đường bê tông và nhà kiên cố trở thành phổ biến. Chúng ta thực sự có một nông thôn mới.

Nhưng nếu so sánh đời sống của người nông dân với chính bức tranh hiện tại của nền kinh tế, lại có nhiều thứ để suy ngẫm. Nếu bạn hỏi một người nông dân Đồng bằng Sông Cửu long, vùng gần cửa biển, đang đối mặt với xâm nhập mặn, rằng giữa làm nông với làm công nhân, nghề nào dễ sống hơn - khả năng cao bạn sẽ nhận được một câu trả lời bất ngờ: "Bán vé số còn không bằng nữa nói gì công nhân".

Tôi đã từng nhìn một chi hội trưởng Hội nông dân xã ở Sóc Trăng nói sùi cả bọt mép về việc đi làm công nhân sướng ra sao. Hai vợ chồng mà cùng đi làm công nhân, lương tháng mỗi người 7 triệu, có khi một năm để ra được cả gần trăm triệu, anh cảm thán. Làm nông thì ngược lại: có khi mang nợ cả trăm triệu. Phần lớn nông dân trong xã của anh đã đem sổ cắm ngân hàng.

Thu nhập bình quân của nông dân Việt Nam trong năm 2021 chỉ là 3,5 triệu đồng/tháng, thấp hơn thu nhập trung bình của cả nước (4,2 triệu đồng). So với quá khứ thì tất nhiên là tăng, là xứng đáng gọi thành tích. Nhưng so với bức tranh kinh tế hiện tại, bất kỳ một người Việt Nam nào cũng hiểu 3,5 triệu là ít hay nhiều.

Có thể người nông dân vẫn sống được - nếu họ chỉ cần cơm ăn, áo mặc và không bao giờ bệnh tật. Nhưng cuộc đời con người cần nhiều hơn thế. Bạn có đi học thêm tiếng Anh, có đóng tiền Internet, hay thậm chí có mua tờ báo bạn đang đọc nếu thu nhập của bạn là 3,5 triệu/tháng không? Bạn tất nhiên không mua bảo hiểm nhân thọ với mức thu nhập ấy, chỉ cầu nguyện để mình đừng bao giờ đau ốm.

Mức thu nhập đó có thể tước đi của con người ta rất nhiều cơ hội: cơ hội được chăm sóc sức khỏe, cơ hội giáo dục, cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh.

3,5 triệu đồng/tháng là tương đương với mức lương tối thiểu được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện nay xác định là để duy trì "mức sống tối thiểu". Ở mức sống tối thiểu, thật bất công nếu yêu cầu họ phải tự tìm cách cải thiện chất lượng sống.

Lời nguyền thứ 3 không phải là một lời nguyền của tạo hóa. Nó có những nguyên nhân khách quan. Thu nhập của người nông hộ chăn nuôi khó cải thiện, khi mà giá thức ăn chăn nuôi được quyết định bởi các tập đoàn nước ngoài. Các doanh nghiệp FDI nắm tới 65% thị trường thức ăn chăn nuôi, và họ không có trách nhiệm trong việc đầu tư vùng trồng nguyên liệu trong nước, hay tìm mọi cách hạ giá thành.

Thu nhập của nông hộ trồng trọt khó cải thiện, khi giá phân bón cũng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Giá thế giới biến động, thu nhập của nông dân giảm xuống ngay lập tức.

Và nguồn vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh - bất chấp những chương trình ưu đãi của chính phủ - vẫn đang giải ngân với một tốc độ ì ạch. Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai tâm sự trên tạp chí VnEconomy, rằng chương trình hỗ trợ lãi suất của Nghị định 31, sau gần một năm triển khai chưa một doanh nghiệp hay trang trại nào trên địa bàn tỉnh vay được.

Lời nguyền thứ 3 thực chất quyết định toàn bộ bức tranh của nền nông nghiệp. Bởi những đề án, những quy hoạch hay phân tích vĩ mô đều sẽ vô nghĩa nếu bản thân người nông dân không còn muốn làm nông nữa.

Lời nguyền thứ 3, rất trớ trêu, đã trường tồn bên cạnh những báo cáo thành tích. Khi mà nông dân vẫn đang tồn tại ở "mức sống tối thiểu", thực chất, không có gì đáng gọi là thành tích. Việc so sánh các số liệu với quá khứ, đưa ra một vài phần nghìn nông dân kiếm được bạc tỷ, ca ngợi những tấm gương lao động sản xuất và vài mô hình cá biệt, chỉ đánh lạc hướng tư duy.

Lời nguyền về thu nhập của người nông dân ở đó và ám ảnh chúng ta ở vào một thời điểm mà dân số Việt Nam đã vượt qua mốc 100 triệu người. Đằng sau những phép toán về tăng trưởng, về công nghiệp và công nghệ, thì bài toán cơ bản nhất là lấy gì để nuôi từng ấy con người?

Một đất nước bán gạo được 3 tỷ USD nhưng nhập tới hơn 5 tỷ USD thức ăn và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi - chưa có quyền yên tâm về nền nông nghiệp.

Đức Hoàng

Quý hồ tinh…

100 triệu dân, đứng thứ 15 trên thế giới về dân số, điều đó cho thấy Việt Nam có thể là một thị trường hấp dẫn và cũng dễ cho khách quan cảm giác chúng ta có một vai trò nào đó trên bản đồ thế giới. Nhưng thực sự, nếu nhìn vào danh sách G20, ta sẽ hiểu rõ hơn dân số đông không phải là điều kiện duy nhất để quyết định vị thế. Trong 20 nước của nhóm ấy, chỉ có 8 nước nằm trong top 15 quốc gia đông dân nhất mà thôi. Còn trong G7 (mà tiền thân là G8), chỉ có Nhật và Mỹ là hai quốc gia thuộc tốp đông dân nhất. Và ngay trong cả nhóm 15 nước dân số trên trăm triệu (tính đến khi Việt Nam cán đích 100 triệu dân), vẫn còn có những nước nghèo, bị nằm trong danh sách các nước kém phát triển nhất như Ethiopia và Bangladesh. Nói vậy để hiểu, "dân đông" chưa chắc đã song hành cùng "nước mạnh".

Việt Nam không còn là quốc gia có lao động giá rẻ.

Việt Nam không còn là quốc gia có lao động giá rẻ.

Một so sánh nhỏ, dù so sánh nào cũng khập khiễng, là so sánh giữa Nhật Bản với Indonesia. Dân số Indonesia (280 triệu) đông nhất Đông Nam Á, hơn gấp đôi dân số Nhật Bản (125 triệu) nhưng kinh tế, xã hội, công nghệ và đời sống của Nhật Bản thì vượt rất xa. Thay tương quan so sánh ấy bằng tương quan giữa Việt Nam với Đức, chúng ta sẽ thấy tương đồng về khoảng cách khác biệt. Tất nhiên, mỗi quốc gia có những bối cảnh riêng, những lịch sử riêng dẫn tới các thuận lợi hay hạn chế trong phát triển ở thời kỳ hiện đại nhưng phép so sánh khập khiễng này cũng nên được đưa ra để hiểu đông dân không chỉ đơn thuần mang lại lợi thế mà còn ẩn chứa đầy những thách thức lớn.

Cái thuận lợi của dân số Việt Nam chính là cơ cấu dân số. 69,3% dân số Việt Nam nằm trong độ tuổi từ 15 đến 64, độ tuổi lao động. Đây là cơ cấu vàng, cơ cấu dân số với tỷ lệ người lao động - người phụ thuộc là 2-1. Chúng ta đã bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng từ năm 2007. Kể từ năm 2007 ấy, đúng là kinh tế xã hội Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc nhưng thực sự vẫn chưa đạt được hết "công suất" xứng với tiềm năng.

Cơ bản, như Đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn từng nói "quý hồ tinh chứ không quý hồ đa", chúng ta cần đặt ra một câu hỏi nghiêm túc là "chất lượng con người Việt Nam hiện nay ra sao?".

Trong dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, Trung Quốc, một nước đông dân bậc nhất thế giới, đã dần dần từ bỏ vị thế "công xưởng của thế giới" để chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Sự dịch chuyển đó được tương hỗ mạnh mẽ bởi các vùng sản xuất khác, với lực lượng lao động bình dân giá rẻ đông đảo như Bangladesh… Lao động bình dân ở Việt Nam đã không còn là giá rẻ trong mắt các nhà sản xuất nước ngoài nữa. Và chúng ta cũng đã bắt đầu nói về công nghệ cao, chẳng hạn như con chip, nhưng lực lượng lao động của chúng ta đã đáp ứng nổi các đòi hỏi về chuyên môn hay chưa? Đây chính là câu hỏi cần câu trả lời bằng hành động, yêu cầu kịp thời chứ không thể lần lữa mãi.

Mặt bằng chung của dân trí Việt Nam hiện nay nói thẳng là chưa cao. Nó thể hiện rất rõ rệt trong các tranh luận trên mạng xã hội với vô vàn các ý kiến thiếu sự nghiên cứu chiều sâu về thông tin. Mặt bằng văn hóa của người Việt đương đại cũng là điều đáng quan tâm thực sự. Tất cả những vấn đề ấy chỉ có thể được giải quyết bằng giáo dục, nhưng cần nhấn mạnh là không chỉ có mỗi ngành giáo dục đơn lẻ phải chịu trách nhiệm. Nó phải đến từ cả giáo dục từ gia đình và các kênh thông tin phổ thông khác, cùng sự tham gia của rất nhiều ngành khác. Từ đó mới có thể dần dần thay đổi ý thức, nhận thức và thái độ sống của thế hệ trẻ, thế hệ sẽ duy trì sức mạnh cơ cấu vàng của dân số Việt Nam.

Trong khi đó, mật độ dân số Việt Nam hiện nay có 38,77% dân sống ở thành thị. Tỷ lệ thành thị - nông thôn 4-6 này cho thấy sự tập trung vào các đô thị là quá lớn và điều đáng ngại là chênh lệch điều kiện sống giữa nông thôn với thành thị cũng lớn vô cùng. Điều kiện y tế, điều kiện giáo dục ở nông thôn lạc hậu rất nhiều và việc bệnh nhân ùn ùn đổ lên các bệnh viện tuyến trên là minh chứng rõ nét nhất của những gì mà nông thôn đang thiếu. Trong khi ấy, ở thành thị, nhà ở cho dân cư cũng thiếu vì lý do giá nhà đất đắt đỏ dẫn tới việc mua nhà gần như là bất khả đối với một lao động bình thường. Trong bối cảnh đó, những đầu tư cho các ngành nghề nắm tầm quan trọng bậc nhất cho việc xây dựng tương lai như giáo dục lại chưa tương xứng. Khi giáo dục chưa chất lượng, con người đào tạo ra chắc chắn cũng không đủ chất lượng để bắt kịp với những phát triển toàn cầu. Và theo dự báo, tới năm 2030, tỷ lệ dân thành thị ở Việt Nam sẽ đạt 45% và ở năm 2050 sẽ đạt 60%. Mà ở thành thị, lao động trình độ cao mới là lực lượng tạo ra nguồn thu đáng kể. Song liệu đến năm 2030, lao động thành thị ở Việt Nam sẽ đủ tiêu chuẩn để được đánh giá là trình độ cao?

Và một câu hỏi rất lớn cần được mở ra chính là trong hơn 60% dân cư sống ở nông thôn, tỷ lệ người bám nghề nông là bao nhiêu và tỷ lệ người dân có thể sống sung túc với nghề nông là cao hay thấp? Nếu có một thống kê thực sự cụ thể, chúng ta chắc chắn sẽ hiểu hơn hiệu quả thực sự của cơ cấu vàng trong dân số Việt Nam những năm qua.

Cơ cấu vàng sẽ mang lại vàng nếu như những con người nằm ở độ tuổi lao động tạo ra giá trị lớn. Muốn tạo ra giá trị lớn, con người ta phải có trình độ, phải lành nghề. Thực tế cho thấy, người lao động ở thành thị Việt Nam rất đông nhưng người lao động chất lượng cao, đáng được các công ty hàng đầu săn đón vẫn luôn là của hiếm. Như vậy, có thể nói là cơ cấu vàng vẫn chưa thể tạo ra vàng.

"Quý hồ tinh" chính là điều Việt Nam cần hướng tới hiện nay. Để có thể "quý hồ tinh" cho cơ cấu dân số vàng, việc hoạch định các sách lược cả ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để cải thiện chất lượng con người là đòi hỏi tối quan trọng rất cần sự tham gia của nhiều bộ, ngành và Chính phủ. Bồi dưỡng con người để có nhận thức, kiến thức, ý thức và văn hóa ở tầm cao hơn cần phải là nhiệm vụ trọng tâm, bởi chỉ có một tập hợp những công dân như thế mới có thể tạo ra một quốc gia văn minh và có sức mạnh thật sự.

Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/viet-nam-100-trieu-dan-co-hoi-va-thach-thuc-i691501/