Việt Nam cần xây dựng chương trình máu quốc gia theo chuẩn mực quốc tế

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gợi ý chỉ các nước có nền kinh tế và y tế chậm phát triển sử dụng 2% dân số để tính nhu cầu máu quốc gia. WHO luôn khẳng định không xác định nhu cầu máu cho bất cứ quốc gia nào.

Cách đây 20 năm, nền kinh tế và y tế của nước ta còn nhiều khó khăn nên đã sử dụng con số 2% dân số để làm công tác tuyên truyền và vận động hiến máu tình nguyện. Sau hơn 12 năm, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện được thành lập (2/2008). Phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta đã đạt được kết quả hết sức lớn lao. Hàng năm tiếp nhận được 1,5 triệu đơn vị máu và 97% là người hiến máu tình nguyện, chấm dứt việc mua bán máu, tiêu cực tại các y tế trong cả nước.

Để hội nhập quốc tế một cách thực chất và sâu rộng Việt Nam đã và đang trở thành nước phát triển, năng động ở khu vực Asean, do vậy, chúng ta cần xây dựng chương trình máu quốc gia theo chuẩn mực quốc tế. Khi dân số nước ta sắp đạt 100 triệu dân vào những năm tới.

Xác định nhu cầu máu quốc gia, tỉnh, thành phố lớn

Khi tính nhu cầu máu cho cả nước, những thành phố lớn, phải khảo sát và có đầy đủ các thông tin như:

- Diện tích nước ta 331.212 km2, đường biên giới đất liền dài 4.500km, tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Đường biển dài 3.260 km, có nhiều đỏa lớn nhỏ. Do đặc thù như vậy, hàng năm có rất nhiều vụ vượt biên trái phép, tội phạm ma túy do đó có rất nhiều chiến sỹ đồng bào hy sinh.

- Theo thống kê dân số nước ta năm 2019 có 96.208.948 người, trong đó có 47.881.060 nam giới chiếm 49,8%. Nữ giới là 48.327.923 người chiếm 50,2%.

- Nước ta có 63 tỉnh và thành phố, hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM dân số gần 10 triệu người. Theo báo cáo ngày 31/12/2019 của bộ y tế nước ta có 1332 bệnh viện trong đó, bệnh viện trung ương có 47, bệnh viện huyện có 648, bệnh viện tỉnh có 419 và 182 bệnh viện tư nhân. Tổng số giường bệnh cả nước có 214.400 giường (bệnh viện Trung ương có 22.270, bệnh viện Huyện và Tỉnh có 181.313, bệnh viện ngành có 4995 và bệnh viện tư nhân có 5822).

- Nước ta là nước nhiệt đới, có nhiều đặc điểm dịch tễ, bệnh học, là nước chậm phát triển trong nhiều năm nên ngoài các bệnh không lây nhiễm như huyết áp, tiểu đường, vẫn còn nhiều bệnh cho đến nay mặc dù cố gắng nhưng vẫn tồn tại và nguy hiểm chưa giải quyết được như:

+ Sốt xuất huyết: Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tích lũy tuần 37 năm 2020 thì Miền Bắc có 2952 trường hợp (7,1/100.000 dân). Miền Trung 23.427 trường hợp (191,3/100.000 dân). Tây nguyên 4091 trường hợp (96/100.000 dân). Miền Nam 40.115 trường hợp (69,7/100.000 dân).

- Theo Viện nghiên cứu phòng chống ung thư thì năm 2000 ở Việt Nam có 68.000 ca, đến năm 2010 tăng lên 126.000 ca và dự kiến năm 2020 sẽ tăng lên 190.000 ca. Mỗi năm ở Việt Nam có 115.000 người chết do ung thư tương đương 315 người mỗi ngày. WHO xếp Việt Nam nằm trong top 50 nước thuộc top 2 của bảng thứ tự (50 nước thuộc cao nhất thuộc top 1).

- Theo WHO thế giới có khoảng 02 tỷ người nhiễm Viêm gan B, trong đó có 350 triệu người trở thành mãn tính và có hàng triệu người chết mỗi năm. Ở Việt Nam HBs Ag cao từ 10-25% trong cộng đồng. Đây là nguyên nhân của nhiều chứng bệnh cho cả Nam và Nữ khi kết hôn và sinh con.

Bệnh Hemophilia A, B là bệnh máu khó đông hay là bệnh ưa chảy máu trong chuỗi 12 yếu tố đông máu giúp đông máu. Trên thế giới tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1/10.000 bé trai bị mắc bệnh Hemophilia. Còn ở Việt Nam cho đến nay ước khoảng 6000 người. Tuy nhiên chúng ta mới quản lý được khoảng 50% số bệnh nhân.

Bệnh Thalassemia - Bệnh tan máu bẩm sinh

- Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 12 triệu người mang gen bệnh Thalassemia

- Hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi mà phải điều trị suốt đời rất tốn kém. Hiện nay chúng ta có khoảng 20.000 người bị bệnh Thalassemia cần phải điều trị. Mỗi năm có khoảng 8000 trẻ sinh ra mắc bệnh Thalassemia, và có khoảng 2000 trẻ em mắc ở mức độ nặng và 800 trẻ em không ra đời được do phù thai.

- Chi phí cho điều trị tối thiểu cần 2.000 tỷ đồng và cần 500.000 đơn vị khối hồng cầu để điều trị cho các bệnh nhân Thalassemia ở Việt Nam.

- Viện Huyết học truyền máu trung ương đang quản lý khoảng 3.000 bệnh nhân Thalassemia. (Kết quả bước đầu khảo sát tình trạng mang gen bệnh Thalassemia năm 2017 của Viện Huyết học truyền máu Trung ương).

- Riêng Thalassemia đã sử dụng khoảng 500.000 đơn vị khối hồng cầu/1.500.000 đơn vị máu thu được hàng năm.Ngoài ra còn các bệnh lý Nhi khoa, sản phụ khoa, Ngoại khoa, chấn thương chỉnh hình.

Theo kinh nghiệm của WHO thì tỷ lệ sử dụng máu của các chuyên khoa như sau:

- Bệnh lý gan thận 6%, cho bà mẹ và sơ sinh 7%, bệnh tim mạch 7%, cho ung thư các loại 22%, trẻ em với ung thư 2%, cho điều trị ngoại khoa 18%, cho chấn thương chỉnh hình 11%, cho tai nạn thảm họa 18% và cho điều trị y khoa khác 14%.

Hàng năm nước ta trung bình có 5-10 thậm chí năm 2020 có 14 cơn bão đổ bộ vào nước ta nhất là khu vực Miền Trung có nhiều đông bào chiến sỹ đã hy sinh.

Trên đây là những số liệu hiện có và luôn thay đổi do điều kiện kinh tế và phát triển của nền y học nước nhà. Do vậy, tính nhu cầu máu dựa vào số 2% dân số với nước ta hiện nay là không thích hợp.

Tương tự Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành cũng cần xây dựng, xác định nhu cầu máu cho chính mình từ đó mới có chiến lược và kinh phí thực hiện.

Cần xác định Việt Nam cần bao nhiêu đơn vị máu?

Hiện nay ở Việt Nam vẫn tồn tại 3 loại đơn vị máu: 250ml, 350ml, 450ml. Mục tiêu của ngành Huyết học truyền máu trong những năm tới số đơn vị máu 350ml chiếm khoảng 70 – 80% trên tổng số đơn vị máu thu được.

Theo WHO chỉ định truyền máu người thầy thuốc dựa vào lượng huyết sắc tố của người bệnh và chỉ định theo số ml máu trên kg nặng của cơ thể. Ví dụ bệnh nhân mất máu nặng phải truyền 10 – 20ml máu /kg thân trọng. Việt Nam nếu vẫn duy trì đơn vị máu với số lượng 250 ml thi người bệnh phải nằm viện lâu hơn chi phí cho người bệnh sẽ nhiều hơn.

Đơn vị máu quốc tế là 450ml, nếu chúng ta vẫn tổng kết chuyển đổi các đơn vị 350ml ra đơn vị 250ml thì lượng máu thực tế của chúng ta chỉ bằng 50% của các nước.

Cần xác định Việt Nam cần bao nhiêu người hiến máu và phân loại theo lứa tuổi, giới tính

Hàng năm song song với việc tổng kết báo cáo tổng số đơn vị máu thu được (Blood Donation), rất cần và phải tổng kết hiện cả nước đang quản lí bao nhiêu người hiến máu (Blood Donors).

Người hiến được phân ra:

- Người hiến máu mới, người cho máu lần 1,2,3,...

- Người hiến máu ở các lứa tuổi

18 – 25 tuổi
25 – 40 tuổi
40 – 55 tuổi (nữ) / 40 – 60 tuổi (nam)

- Giới tính người hiến máu

- Người hiến máu tạm hoãn do cân nặng, do huyết sắc tố chưa đạt

- Người hiến máu bị loại vĩnh viễn do mắc các bệnh HBV, HCV HIV

Trên cơ sở này mới có chiến lược vận động hiến máu và kế hoạch chăm sóc người hiến máu. Từ số liệu này mới biết chính xác tỉ lệ người cho máu nhắc lại ở nước ta.Các dữ liệu trên mới đầy đủ trong Báo cáo tổng kết hàng năm và sẽ được các tổ chức quốc tế như Hội truyền máu quốc tế (ISBT) Hiệp hội chữ thập đỏ trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) Hội các ngân hàng máu Hoa kỳ (AABB) sử dụng tổng hợp vào báo cáo chung của toàn cầu.

Chăm sóc người hiến máu

Đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ ngành y tế mà còn tấ cả Ban chỉ đạo các cấp từ cơ sở đến các tỉnh, thành phố.

Ngoài việc chăm sóc, nghỉ ngơi ăn uống sau khi hiến máu. Theo nghiên cứu của ngành Huyết học truyền máu đã báo cáo tại Hội nghị Huyết học truyền máu 26 – 27/11/2020 đã nghiên cứu 3921 người hiến máu nhắc lại lần 1, 2, 3, 4, 5 và 1690 người hiến máu lần đầu. Kết quả đã đưa ra khuyến cáo:

- Cần triển khai thực hiện xét nghiệm thêm cho người hiến máu nhắc lại Sắt và Ferritin huyết thanh nhất là phụ nữ, cần tư vấn bổ sung dinh dưỡng, viên Sắt và các Vitamin cho người hiến máu nhắc lại nhất là nữ.

- Giảm quà tặng bằng hiện vật như túi nhựa, áo phông và con thú bông như cho học sinh còn nhỏ tuổi.

- Thực hiện và nhân rộng gói khám sức khỏe và xét nghiệm tổng quát mà Viện Huyết học - Truyền máu đã và đang thực hiện, việc này được xã hội và những người hiến máu hoan nghênh và ủng hộ.

- Tùy khả năng của từng địa phương có nhiều hình thức tặng quà như thẻ xe buýt, thẻ Metro (sắp tơi) hay những chuyến du lịch trong năm tùy từng khả năng của các công ty và địa phương.

Câu lạc bộ những người nhóm máu hiếm (RhD âm)

Ở Việt Nam có 4 nhóm máu chính là:

- Nhóm O chiếm 42%, Nhóm B chiếm 30,1 %, Nhóm A chiếm 21,2% và nhóm AB Chiếm 6,6%.

- Nhóm máu RhD âm chiếm từ 0,04% - tới 0,07%. Hầu như ở Việt Nam nhóm RhD dương chiếm phần lớn.

- Ở Việt Nam Nhóm RhD âm-ORhD âm, B Rh D âm, A RhD âm và AB RhD âm chiếm khoảng 0,1% nghĩa là khoảng 1000 người thì có 01 người có nhóm RhD âm. Ở châu Âu thì tỷ lệ cao hơn từ 10-15%

Hiện nay ở nước ta các vùng miền đã tổ chức câu lạc bộ nhóm máu hiếm RhD âm. Cần phải thống kê xem hiên có (số liệu được cập nhật liên tục hàng năm) có bao nhiêu người, các lứa tuổi và giới tính.

Du lịch là mũi nhọn của nền kinh tế nước ta. Du lịch trong nước cũng được nhiều người quan tâm. Nhất là người nước ngoài đến Việt Nam, họ yên tâm vì dịch vụ, y tế. Nhất là nhóm máu RhD âm rất hiếm ở Việt Nam.

Hiến tiểu cầu

Cần có danh sách tuổi, giới tính cho những người hiến tiểu cầu. Viện Huyết học - Truyền máu trung ương 2010 – 2020 đã có 222.187 đơn vị tiểu cầu chạy máy (Platelet Apheresis).

Để thực hiện các công việc trên cần phải có phần mềm thống nhất toàn quốc, giúp Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện vầ các trung tâm máu thực hiện đồng bộ các dữ liệu thu được.

Đây là mắt xích rất quan trọng để các trung tâm máu sớm hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc gia theo chuẩn của WHO. Trên cơ sở này Bộ Y tế, sớm trình WHO kiểm tra và chứng nhận hệ thống máu của Việt Nam đạt chuẩn WHO-GMP.

Mục tiêu chương trình máu quốc gia của Việt Nam là có đủ máu cho cấp cứu điều trị, phòng ngừa cấp cứu thảm họa. Nhưng máu và các sản phẩm máu phải an toàn cho cả bệnh nhân và người hiến máu và các sản phẩm máu, huyết tương.

Nguồn tư liệu tham khảo từ.

10 Năm Ban Chỉ đạo Quốc gia Hiến máu tình nguyện thành lập

Estimate Blood Requirements search for Global Standards

Dr Neelam Dhinga- Coodinator Blood Transfusion Safety WHO Geneva

Khảo sát một số chỉ số Huyết học, sắt và Ferritin Huyết thanh ở người HMTN tại Viện Huyết học - Truyền máu TW.

Thông tin nhanh về viêm gan B của WHO.

Hội thảo Thalassemia ngày 8/5/2018

Hiểu về Hemophilia A.B Trang Sức khỏe và Đời sống 21/10/2019

Nguyễn Chí Tuyển

(Nguyên Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Phó Tổng thư kí Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viet-nam-can-xay-dung-chuong-trinh-mau-quoc-gia-theo-chuan-muc-quoc-te-n185045.html