'Việt Nam chưa cần điện gió ngoài khơi đến 2050'

Đây là một trong những kết luận đáng chú ý rút ra từ Mô hình hóa các lựa chọn giảm phát thải carbon cho hệ thống điện Việt Nam - công trình nghiên cứu của TS. Doãn Thị Thanh Thủy, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam).

Kết luận này cũng là một phần nội dung trong cuộc trao đổi của TS. Thanh Thủy với Người Đô Thị, mở đầu bằng những giải đáp về mô hình nghiên cứu.

Có thể hiểu thế nào về mô hình hóa cũng như tại sao phải sử dụng công cụ này, thưa bà?

Lĩnh vực năng lượng sử dụng rất nhiều mô hình và về cơ bản, các mô hình hiện có khá giống nhau. Cũng tựa như mô hình được sử dụng để xây dựng Quy hoạch Điện 8 (QHĐ8), công cụ tôi sử dụng đơn giản hơn (không nhiều lớp, phức tạp như QHĐ8) để giải bài toán chi phí tối ưu (thấp nhất có thể) dựa trên dự báo lượng cầu điện năng của từng vùng đến 2050.

Tại mỗi thời điểm/đoạn, mô hình tính toán từng vùng cần chuẩn bị bao nhiêu công suất phát điện, từ những nguồn nào (điện than, điện khí, thủy điện, điện mặt trời, điện gió…) tương ứng lộ trình xây dựng thêm nhà máy, sử dụng công nghệ gì và ở đâu, thời điểm phù hợp vận hành từng nhà máy, lượng điện truyền tải giữa các vùng, lưu trữ ra sao…

TS. Doãn Thị Thanh Thủy

TS. Doãn Thị Thanh Thủy

Yếu tố “từng vùng” bà vừa nhắc đến hàm ý…

Phân vùng trước hết để chúng ta biết có thể sản xuất điện ở đâu. Địa điểm xây dựng nhà máy điện phụ thuộc vào vùng nguyên liệu, chẳng hạn nhiệt điện gần mỏ than, điện khí gần cảng tiếp liệu LNG (khí hóa lỏng) hoặc đường ống dẫn khí, quang điện ở khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, phong điện cần nhiều gió… Đầu ra của ngành điện không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt mà còn là đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh cho nhà máy, xí nghiệp…

Nếu vùng tiêu thụ cách biệt với vùng sản xuất thì phải xây dựng thêm đường dây truyền tải. Càng nhiều dữ liệu đầu vào, kết quả tính toán càng chi tiết, nhưng đồng thời mô hình cũng cần nhiều thời gian hơn để “chạy” ra kết quả. Với QHĐ8, nghe nói tư vấn cần hàng tuần lễ.

Vậy mô hình mà bà trình bày có gì khác với mô hình sử dụng để xây dựng QHĐ8?

Khác nhiều, dù cả hai mô hình đều hướng đến mục tiêu tối ưu chi phí. Đơn vị tư vấn của QHĐ8 đưa vào mô hình nhiều điều kiện ràng buộc. Một phần do yếu tố lịch sử, cụ thể là hầu hết dự án đã có trong QHĐ7 sẽ được chuyển tiếp vào QHĐ8. Phần khác là yêu cầu tuân thủ chính sách hiện hành của Nhà nước về mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo và giảm phát thải (ví dụ như tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất điện toàn quốc sẽ đạt 38% năm 2020, đạt 32% năm 2030 và 43% năm 2050 theo Quyết định 2068/QĐ-TTg về chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2050…). Hệ quả là mô hình sẽ gợi ý phương án tối ưu trong phạm vi chính sách định trước.

Điện được xem như oxy của nền kinh tế. Hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là đáp ứng nhu cầu sử dụng của toàn dân đến năm 2050, tôi chủ trương không áp đặt chỉ tiêu cứng hay giới hạn về công nghệ phát điện mà chỉ cung cấp một số dữ liệu cơ bản về chi phí đầu vào, tiềm năng kỹ thuật nguồn điện, mức phụ tải theo dự báo của QHĐ8 để mô hình quyết định phương án tổng chi phí thấp nhất trong những khả năng có thể xảy ra, làm cơ sở để xây dựng chính sách. Cách tiếp cận khác nhau nên kết quả khác nhau.

Trong tiêu đề nghiên cứu của bà có cụm từ “các lựa chọn giảm phát thải carbon trong hệ thống điện Việt Nam”. Yếu tố này được xử lý thế nào trong mô hình?

Phát thải ròng bằng 0 không đồng nghĩa với việc không phát thải. Cam kết đã tuyên bố tại COP26 vẫn thực hiện được khi có phương án bù trừ carbon. Tôi đưa vào mô hình chi phí phát thải carbon - một cấu phần trong tổng chi phí - là 200 USD/tấn, cao hơn nhiều giá tín chỉ carbon hiện đang giao dịch là 8-10 USD/tấn hay mức thuế carbon 17-28 USD/tấn được sử dụng trong một số kịch bản của QHĐ8.

Cơ sở nào tác giả xác định mức phí phát thải rất cao và yếu tố này ảnh hưởng thế nào đến tổng chi phí?

Mức 200 USD/tấn là ước tính về chi phí xã hội của carbon, được sử dụng phổ biến trên thế giới bởi các nhà khoa học và các cơ quan chính phủ thực hiện điều tiết lượng phát thải. Đây là giá trị quy về hiện tại của thiệt hại (mức giảm GDP và tiêu thụ) trong tương lai từ một đơn vị phát thải carbon tăng thêm. Tôi sử dụng chi phí xã hội của carbon thay vì chi phí thị trường nhằm tính đầy đủ trách nhiệm xã hội của Việt Nam đối với toàn cầu trong việc phát thải.

Lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy chính của TS. Doãn Thị Thanh Thủy gồm kinh tế học, môi trường và năng lượng. Bà nhận bằng thạc sĩ chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright năm 2013 và bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Hawaii ở Manoa (Hoa Kỳ) năm 2022.

Ngành điện đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tuyên bố rút khỏi thị trường năng lượng Việt Nam. Là một nhà nghiên cứu về năng lượng, bà nghĩ sao?

Tôi cho rằng những nhà làm chính sách cần có định hướng rõ ràng theo lộ trình từ nay đến 2050. Việc vẫn chưa chắc chắn cần bao nhiêu nguồn điện từ năng lượng tái tạo và nên phát triển nguồn năng lượng tái tạo nào dẫn đến cơ quan có thẩm quyền chưa mạnh dạn ban hành chính sách.

Cách nay hơn hai năm, dư luận hào hứng chứng kiến dòng vốn đầu tư đổ vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nguồn điện sạch này (điện mặt trời và điện gió) hiện đang dư do chưa tích hợp được lên hệ thống phát điện. Nếu xác định sai nhu cầu, tạo điều kiện cho người ta đầu tư vào nguồn điện không cần thiết thì chi phí đầu tư đó sau này sẽ cộng dồn vào giá điện, xén vào thu nhập của người dân. Ngược lại, nếu ngành điện cần đầu tư mà mình không biết, không dám quyết khiến nhà đầu tư nản, rũ áo ra đi thì chúng ta mất cơ hội. Thành ra điều kiện tiên quyết là phải biết mình đang ở đâu, thực sự cần gì.

Phải chăng, mô hình mang đến câu trả lời tin cậy?

Đúng, nhưng với điều kiện dự đoán trúng phụ tải. Mô hình của tôi cũng đang sử dụng dự báo phụ tải đến 2050 của QHĐ8. Được biết mức phụ tải mà đơn vị tư vấn tính toán dựa vào tốc độ tăng trưởng GDP, tỷ trọng các ngành kinh tế trong GDP, biến đổi khí hậu…

Thực tế là công tác dự báo phụ tải rất phức tạp, liên quan đến nhiều biến số khác như tốc độ điện khí hóa của nhiều ngành, mức độ chuyển đổi từ những nguồn năng lượng khác sang sử dụng điện… Tôi cũng không chắc mức độ chính xác về nhu cầu phụ tải mà QHĐ8 công bố, nhưng đây là dữ liệu tốt nhất hiện có. Nếu dự báo này không chính xác, kết quả mô hình của tôi cũng như QHĐ8 đều không đủ tin cậy.

Đến tháng 9.2024 mới có một dự án điện gió ngoài khơi được khảo sát nghiên cứu tiền khả thi giữa Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) và đối tác Singapore. Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ

Đến tháng 9.2024 mới có một dự án điện gió ngoài khơi được khảo sát nghiên cứu tiền khả thi giữa Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) và đối tác Singapore. Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ

Vì sao tác giả không tự tính toán phụ tải?

Số liệu sử dụng điện là thông tin khá nhạy cảm. Thí dụ, hóa đơn tiền điện hàng tháng của một doanh nghiệp là chỉ báo tương đối chính xác về tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị đó. Đương nhiên tôi không cần thông số chi tiết đến mức đó, chỉ cần dữ liệu hàng giờ của từng vùng, từng ngành nhưng đến nay, việc tiếp cận thông tin vẫn bất khả.

Dường như đang có làn sóng vận động rất mạnh cho điện gió ngoài khơi ở nhiều tầng nấc, trái ngược với quan điểm của bà rằng Việt Nam chưa cần đến nguồn năng lượng tái tạo này đến 2050?

Phát biểu của tôi dựa vào kết quả tính toán của mô hình. Đa phần những hội thảo về điện gió ngoài khơi gần đây tôi tham dự do những hiệp hội thương mại nước ngoài tổ chức. Trong cuộc trao đổi bên lề tại Hà Nội, tôi có đặt câu hỏi với một diễn giả rằng liệu Việt Nam có thực sự cần điện gió ngoài khơi hay không? Bạn ấy trả lời “không biết” nhưng với tiềm năng gió sẵn có, một dự án được cam kết giá trước dễ khả thi về mặt tài chính.

Đặc thù của ngành điện, đặc biệt đối với dự án năng lượng tái tạo, là các công ty mua buôn điện như EVN thường cam kết mua điện của nhà đầu tư với mức giá cố định tối thiểu là 20 năm. Giá cam kết là yếu tố then chốt để nhà đầu tư quyết định “xuống tiền”. Vẫn còn đó bài học về giá FIT dành cho điện mặt trời. Việc Chính phủ lỡ cam kết giá mua điện mặt trời quá cao khiến dòng vốn chảy vào ào ào, còn EVN lỗ đậm.

Đầu tư một nhà máy điện đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Chi phí “xóa bàn làm lại” cũng rất tốn kém nên trước khi phê duyệt dự án, những nhà làm chính sách phải hình dung được lộ trình, đích đến nhằm giảm thiểu chi phí.

Thượng Tùng thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/viet-nam-chua-can-dien-gio-ngoai-khoi-den-2050-45934.html