Việt Nam gặp mặt các nước sáng lập Nhóm bạn bè UNCLOS nhân dịp 30 năm Công ước có hiệu lực

Ngày 25/10, tại trụ sở Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ), Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đặng Hoàng Giang đã chủ trì buổi ăn trưa làm việc với Đại sứ, đại diện của các nước sáng lập Nhóm bạn bè Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) để tăng cường phối hợp, thúc đẩy các hoạt động của nhóm trong thời gian tới.

Quang cảnh cuộc gặp mặt, làm việc tại trụ sở Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ). Ảnh: Quang Huy/TTXVN

Quang cảnh cuộc gặp mặt, làm việc tại trụ sở Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ). Ảnh: Quang Huy/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, cùng tham dự có Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ; PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, ứng cử viên của Việt Nam cho vị trí Thẩm phán Tòa án Luật Biển Quốc tế (ITLOS) nhiệm kỳ 2026-2035; ông Marcin Czepelak, Tổng Thư ký Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) và một số chuyên gia đến từ PCA.

Phát biểu tại buổi làm việc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang bày tỏ vui mừng trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của Nhóm bạn bè UNCLOS trong 3 năm qua với số lượng thành viên hơn 120 nước và nhiều hình thức hoạt động, đồng thời cảm ơn sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các nước nòng cốt trong thúc đẩy và đề cao giá trị, tính toàn vẹn và phổ quát của UNCLOS trong các tiến trình đàm phán tại LHQ thời gian qua.

Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định trong 30 năm qua, UNCLOS đã là khuôn khổ pháp lý vững chắc để thúc đẩy hợp tác, bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của các quốc gia trên biển, góp phần thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu 14 về bảo tồn và sử dụng biển bền vững.

Đại sứ, đại diện các nước hoan nghênh vai trò nòng cốt, dẫn dắt của Việt Nam thời gian qua đã đóng góp hiệu quả vào nâng cao vai trò, hình ảnh của Nhóm bạn bè UNCLOS tại LHQ. Các nước khẳng định những hoạt động của nhóm đã tạo diễn đàn để trao đổi, thảo luận về các khía cạnh đa dạng trong quản lý và sử dụng biển, tiếp tục khẳng định giá trị của UNCLOS trong xử lý những thách thức mới trên biển.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng trao đổi về những phát triển quan trọng gần đây trong lĩnh vực đại dương và luật biển như Hiệp định về bảo tồn đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia (BBNJ) và các thách thức đến từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với khuôn khổ pháp lý quốc tế về biển. Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak nhấn mạnh tính toàn diện của cơ chế giải quyết tranh chấp trên biển tại UNCLOS và BBNJ cho thấy tiềm năng của những thủ tục này trong hỗ trợ các quốc gia tìm kiếm giải pháp đối với các khác biệt trong giải thích và thực hiện các quy định pháp lý trong phân định, quản lý biển.

Chia sẻ một số kinh nghiệm, thành công của Việt Nam trong thực thi UNCLOS, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh cho biết thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng pháp luật quốc gia, đàm phán phân định biển với các nước trong khu vực, cũng như thực hiện quyền của quốc gia ven biển về xác định ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng.

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đứng trước nhiều thách thức chung về biển, Đại sứ Đặng Hoàng Giang và Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ kêu gọi các nước sáng lập tiếp tục đóng góp, chia sẻ ý tưởng để Nhóm Bạn bè UNCLOS phát huy hơn nữa vai trò trong thúc đẩy và khẳng định giá trị và sức sống của UNCLOS, nhất là trong dịp kỷ niệm 30 năm Công ước có hiệu lực.

Nhóm Bạn bè UNCLOS là một hình thức trao đổi, phối hợp không chính thức giữa các nước, nhất là tại LHQ, nhằm cùng hợp tác về một số chủ đề quan tâm chung. Đây là nhóm đầu tiên Việt Nam khởi xướng, đồng chủ trì vận động thành lập (cùng Đức) năm 2020. Trong đó, nhóm sáng lập gồm 12 nước là Argentina, Canada, Đan Mạch, Đức, Jamaica, Kenya, Hà Lan, New Zealand, Oman, Senegal, Nam Phi và Việt Nam. Đến nay, Nhóm Bạn bè UNCLOS có hơn 120 nước, đại diện cho tất cả các khu vực địa lý.

Thanh Tuấn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/bien-dao-viet-nam/viet-nam-gap-mat-cac-nuoc-sang-lap-nhom-ban-be-unclos-nhan-dip-30-nam-cong-uoc-co-hieu-luc-20241025223525450.htm