Việt Nam hướng đến xuất khẩu xanh để vào 'sân chơi' thế giới

Chiều 28/11, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương phối hợp với EuroCham Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2022 với chủ đề 'Xúc tiến xuất khẩu xanh'.

Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên "luật chơi" mới về thương mại và đầu tư.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng cao.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng cao.

Các thị trường nhập khẩu (NK) quan trọng triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có "dấu chân carbon" lớn; nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa NK.

Trong bối cảnh đó, để không bị loại bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường NK đặt ra, các nước xuất khẩu (XK), trong đó có Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới "tính xanh" của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, nhiều ngành hàng, DN đã chủ động nắm bắt xu hướng nêu trên có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, XK xanh, bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa XK Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hoạt động XNK hàng hóa của Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng cao. Theo đó, kim ngạch 10 tháng đầu năm 2022 đạt gần 620 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất siêu 9,4 tỷ USD). Dự kiến cả năm đạt 750 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với năm trước và tiếp tục duy trì xuất siêu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Mặc dù đánh giá cao kết quả XK, song ông Nguyễn Hồng Diên cũng cảnh báo những khó khăn mà DNXK phải lưu ý. Theo đó, thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều sức ép do những diễn biến phức tạp của căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn; lạm phát gia tăng khiến Chính phủ nhiều nước thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động XNK và tăng trưởng kinh tế trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn (trên 200%).

Ngoài những khó khăn trên, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm, hiện nay nhiều nước NK đưa ra những quy định khắt khe về môi trường, trách nhiệm xã hội. Bộ Công Thương khuyến cáo, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường NK đặt ra, Việt Nam cần thay đổi tư duy. Nghĩa là quan tâm tới "tính xanh" của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.

Báo cáo của Grand View Research Group 2022 cho biết, quy mô thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu được định giá 13,28 tỷ USD vào năm 2021. Dự kiến, sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 22,4% từ năm 2022 đến năm 2030.

T.Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/viet-nam-huong-den-xuat-khau-xanh-de-vao-san-choi-the-gioi-i675892/