Việt Nam là 'phép màu' tiếp theo của châu Á

Trong bài viết mới đây, tờ The New York Times của Mỹ nhận định, đã từ rất lâu rồi châu Á mới có thêm một quốc gia được mệnh danh là 'phép màu châu Á'. Đó chính là Việt Nam.

Ứng phó thành công dịch Covid-19

Điểm lại quá trình phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 của Việt Nam, The New York Times cho biết, sau khi Trung Quốc thông báo những ca nhiễm đầu tiên, Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng sử dụng các công cụ như: Truyền thông đại chúng, tin nhắn, quảng cáo, áp phích, ứng dụng trên điện thoại thông minh... để liên tục cảnh báo người dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh cũng như xác định, quản lý, theo dõi và truy vết các ca bệnh hoặc nghi nhiễm.

Không quá lời khi nói rằng Việt Nam là một trong những hình mẫu thành công trên thế giới trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Theo tờ báo hàng đầu nước Mỹ, bằng cách cô lập các ổ dịch và tích cực PCD, Việt Nam nằm trong danh sách 4 quốc gia có tỷ lệ tử vong do dịch Covid-19 thấp nhất thế giới. Sự minh bạch về thông tin, những nỗ lực đồng bộ, quyết liệt, sự phối hợp giữa Chính phủ và người dân đã giúp Việt Nam giảm được số người nhiễm bệnh, kể cả khi làn sóng dịch bệnh bùng phát trở lại với nhiều diễn biến phức tạp hơn đợt dịch đầu tiên. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã trải qua hơn 40 ngày không ghi nhận thêm trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.

 Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

“Kỳ tích” kinh tế

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây nhất là Trung Quốc đã chủ động mở cửa đón thương mại và đầu tư, dần trở thành “đại gia” sản xuất và xuất khẩu. Các chuyên gia kinh tế gọi những nước này là “phép màu châu Á”. Trong giai đoạn bùng nổ, các “phép màu châu Á” đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 20%/năm, gần gấp đôi mức trung bình tại nhiều quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình vào thời điểm đó. The New York Times cho rằng Việt Nam cũng đang đi theo con đường phát triển của những nước này nhưng ở thời kỳ hoàn toàn mới. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại bởi thời kỳ toàn cầu hóa nhanh chóng với dòng thương mại và đầu tư khổng lồ-một trong các điều kiện tạo nên những “phép màu” trước kia-đã không còn nữa. Theo một báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng tương tự như trên trong suốt 3 thập kỷ qua. Ngay cả trong thập niên 2010 khi thương mại toàn cầu sụt giảm, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 16% hằng năm, thuộc loại nhanh nhất thế giới.

Bài báo dẫn chứng, Việt Nam đã dành nguồn lực đáng kể cho xuất khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng để đưa hàng hóa ra nước ngoài, xây dựng trường học để đào tạo người lao động. Với việc Chính phủ sử dụng khoảng 8% GDP mỗi năm cho các dự án xây dựng mới, chất lượng cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện nay được đánh giá cao hơn so với nhiều quốc gia ở giai đoạn phát triển tương tự. Chính điều này đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của các nhà sản xuất hàng xuất khẩu thế giới. Trong 5 năm qua, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt mức trung bình hơn 6% GDP, mức cao nhất trong số các nền kinh tế mới nổi; trong đó, một phần lớn vốn FDI đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. The New York Times nhấn mạnh, các “phép màu” cũ đang hỗ trợ “phép màu” mới.

Gần đây, xu hướng bảo hộ thương mại được nhiều quốc gia coi là biện pháp để phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, theo The New York Times, Việt Nam vẫn thúc đẩy thành công thương mại đa phương và đã ký hơn 10 thỏa thuận thương mại tự do bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), qua đó gửi đi thông điệp ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực.

Dịch Covid-19 được dự đoán sẽ “phủ bóng đen” lên nền kinh tế toàn cầu trong một thời gian dài nữa. Trong bối cảnh đó, Việt Nam được đánh giá là đang thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa PCD hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đất nước. The New York Times nhận định, việc kiềm chế hiệu quả dịch bệnh giúp Việt Nam nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế và trong năm nay, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong khi nhiều quốc gia lao đao vì suy thoái kinh tế và phải nhờ đến IMF giải cứu, Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng kinh tế ở mức 3%. Ấn tượng hơn, con số này dựa trên thặng dư thương mại kỷ lục, bất chấp thực trạng thương mại toàn cầu sụt giảm mạnh.

Những vấn đề như thâm hụt ngân sách lớn hay nợ công cao là nguyên nhân tiềm tàng dẫn đến khủng hoảng tài chính, kết thúc sự tăng trưởng bền vững của các “phép màu châu Á” tiền nhiệm. "Mặc dù đang kiểm soát thành công dịch bệnh, Việt Nam cần cẩn trọng trước những thách thức này. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn là một “phép màu châu Á”, The New York Times kết luận.

QUYẾT THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/viet-nam-la-phep-mau-tiep-theo-cua-chau-a-641068